Điêu khắc
Điêu khắc truyền thống
Nghệ thuật điêu khắc sơ khai ở Hàn Quốc là nghệ thuật điêu khắc về hình ảnh đức Phật. Ở Hàn Quốc, nghệ thuật Phật giáo đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc dưới vương triều Shilla với những bức tượng đá hoa cương nguy nga, tráng lệ ở Sokkuram Grotto gần Kyongju. Trong khi ở Trung Quốc, phần lớn tượng Phật được tạc bằng sa thạch hoặc đá vôi ở Nhật Bản bằng gỗ thì ở Hàn Quốc lại được làm từ đá hoa cương.
Các tượng đồng sớm nhất của Hàn Quốc tương đối tẻ nhạt và đơn điệu, được truyền cảm hứng từ các đường nét của nền thư họa Trung Quốc. Do 70% diện tích Hàn Quốc là đồi núi nên các nhà điêu khắc Hàn Quốc rất thích tạc tượng từ đá và đạt được trình độ rất cao về điêu khắc đá hoa cương. Trong thế kỉ VII, các tượng phật Trung Quốc mang tính chất tự nhiên và ba chiều. Nhưng sang thế kỉ VIII các bức tượng lại có vẻ “béo mập” do thực tế chúng đã mất đi vòng hào quang tinh thần vốn có. Trái lại, các tượng Phật Hàn Quốc thế kỉ VIII lại có vẻ đẹp tinh thần cao quý với khuôn mặt thanh nhã, mũi dài, thẳng, những đường nét chạy dài. Bức tượng khổng lồ đứng độc lập ở Sokkuram là tinh hoa của động lực tinh thần Phật giáo tại Viễn Đông.
Nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc đã đạt tới đỉnh cao đến mức người Nhật Bản rất thích sao chép và học hỏi. Những người Hàn Quốc ở Nhật Bản vì thế có thể xây dựng nhà cửa, tạc tượng và đúc chuông cho người Nhật Bản. Những chiếc chuông đồng Hàn Quốc đẹp và âm vang không chỉ là các vật dụng trong đền chùa mà còn là công trình điêu khắc được truyền cảm hứng từ sự thành tâm đối với đúc Phật và giữ vai trò quan trọng trong các lễ nghi thờ cúng.
Các bức tượng có giá trị cao tiếp tục được sáng tạo dưới vương triều Koryo, nhưng đến vương triều Chosun thì cả số lượng và chất lượng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo đều giảm cùng với sự suy giảm của đạo Phật.
Điêu khắc hiện đại
Sau sự xâm chiếm của Nhật Bản vào năm 1910, nước Nhật đã trở thành cánh cửa mở ra thế giới đối với người Hàn. Thanh niên Hàn Quốc đến Nhật Bản để nghiên cứu thế giới nghệ thuật phương Tây. Họ được trang bị bằng vũ khí của chủ nghĩa hiện thực hàn lâm đang ngự trị ở đỉnh cao trong giới nghệ thuật Nhật Bản. Tuy vậy, ngành điêu khắc Hàn Quốc vẫn thiếu nguồn cảm hứng sáng tạo.
Sau chiến tranh, các nghệ sĩ đã thử nghiệm nhiều phong cách và mốt phương Tây khác nhau. Cuối những năm 1950, các nhà điêu khắc chia thành nhiều trường phái hiện thực, trường phái ấn tượng và sử dụng nhiều vật liệu khác nhau, nhưng đến những năm 1970, các nghệ sĩ trẻ đã hoàn toàn hướng đến trường phái trừu tượng tuyệt đối. Điêu khắc những năm 1980 phong phú và đa dạng hơn với các nghệ sĩ tìm kiếm phong cách ấm áp hơn, nhân văn hơn trong phản ứng đối với thuyết duy lí cứng nhắc của thập kỉ trước.