Hệ thống đường sắt
Hệ thống đường sắt Hàn Quốc bị hạn chế bởi đặc điểm địa lý đất nước và chủ yếu nằm ở những vùng phía tây và phía nam ít đồi núi. Đây cũng là khu vực có phần lớn cư dân sinh sống. Đến năm 2004, tổng chiều dài của hệ thống này là 3.388 km, bao gồm cả những tuyến đường mới được xây dựng cho loại tàu cao tốc KTX. Loại tàu này bắt đầu chạy giữa Seoul, Mokpo và Busan vào tháng Ba 2004. Tàu KTX có thể đạt tốc độ 300 km/h và được hy vọng sẽ giúp hồi sinh hệ thống đường sắt làm ăn thua lỗ của Hàn Quốc. Số khách đi tàu không phải là một vấn đề bởi lượng cầu tăng khoảng 60% mỗi năm trong giai đoạn 1994 - 2004, mà vấn đề là ở chỗ hệ thống đường sắt không thể đối phó được tình trạng này. Dự đoán rằng, số tàu KTX và số tuyến đường mới sẽ cho phép tăng công suất vận chuyển hành khách 340%, từ 180.000 khách lên 620.000 khách mỗi ngày.
Đường sắt trong thành phố
Năm 1971, Seoul bắt dầu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm để việc đi lại trong thành phố được nhanh chóng, hiệu quả hơn và để giảm tắc nghẽn giao thông. Hệ thống này sẽ phát triển dài tới gần 500 km và chạy ngang dọc theo 8 tuyến chủ yếu (kể cả các tuyến đường mới và các phần kéo dài thêm của các tuyến cũ) được dự định xây dựng năm 2010. Hệ thống này hoàn toàn tự động hóa và hàng triệu người sẽ sử dụng mỗi ngày. Busan, Daegu, Incheon và Daejeon cũng làm theo Seoul và đưa tàu điện ngầm vào sử dụng để giải quyết nhu cầu giao thông đô thị của mình. Tàu công nghệ cao cũng đang được phát triển để hoàn thành vào năm 2010. Loại tàu này sẽ có vận tốc lớn hơn trước 30%, cho phép tận dụng được hệ thống đường ray nhiều hơn và do đó sẽ phục vụ được nhiều khách hơn.