Tổng quan nền kinh tế
Sau bốn thập niên phát triển mạnh và gần như liên tục, nền kinh tế Hàn Quốc bị suy thoái vào năm 1997, dẫn tới một giai đoạn khủng hoảng. Trước thời điểm đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ hàng triệu đôla vào nền kinh tế Hàn Quốc và các nước châu Á đang nổi lên khác với hy vọng “kiếm chác” được từ sự phát triển kinh tế thần kỳ của những nước này. Tuy nhiên, ở nhiều nước trong số những nước này, ngành tài chính đã không được quản lý chặt chẽ khiến cho một lượng tiền lớn được đầu tư vào những dự án có mức độ rủi ro cao và chất lượng thấp. Năm 1997 các nhà đầu tư ở Thái Lan bắt đầu rút tiền ra khi nhận thấy nền kinh tế nước này đang tuột dốc. Việc này đã tạo ra bầu không khí bất ổn và lo sợ ở khắp khu vực Đông Nam Á và nhanh chóng lan rộng tới Hàn Quốc. Các nhà đầu tư đã rút hàng triệu đôla, các công ty phải đối mặt với nguy cơ phá sản về tài chính và hàng nghìn người mất công ăn việc làm do các công ty phải đóng cửa hoặc tái cơ cấu. Sự kiện này đã có tác động lớn tới nền kinh tế. Đồng won của Hàn Quốc đã tuột giá từ tỷ giá 800 won ăn 1 đôla năm 1996 xuống còn 1400 won ăn 1 đôla năm 1998. Tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 3 lần, từ 2% năm 1996 lên 7% năm 1998 (trong đó tỷ lệ thất nghiệp của độ tuổi 15-24 là 15,9%). Kết quả cuối cùng của cuộc khủng hoảng là quy mô nền kinh tế Hàn Quốc thực sự giảm gần 7% vào năm 1998.
Phục hồi và cải cách
Qũy Tiền tệ Thế giới (IMF) đã phải can thiệp để cuộc khủng hoảng tài chính của Hàn Quốc không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Quỹ này đề ra một loạt cải cách nhằm phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Đông Nam Á. Hàn Quốc nhanh chóng thực hiện những cải cách cần thiết và, vào năm 1999, kinh tế Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng 9,5%. Từ đó, kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ chậm hơn thời kỳ trước cuộc khủng hoảng và, đến năm 2003, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn khoảng 3%. Nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi lại hoàn toàn nhưng cải cách đối với lĩnh vực ngân hàng và kinh doanh vẫn được tiếp tục nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng 1997.
Dự án kinh tế biển Hoàng Hải
Một trong những chiến lược phục hồi kinh tế của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng năm 1997 là xem xét hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực. Điều này sẽ giúp củng cố và đa dạng hóa nền kinh tế, làm cho nó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai và bớt phụ thuộc vào những thị trường lớn nhưng ít ỏi (Mỹ là một thị trường chính của Hàn Quốc). Dự án kinh tế biển Hoàng Hải là một dự án khu vực như vậy, trong đó Hàn Quốc sẽ đóng vai trò chủ yếu Trung Quốc, Nhật Bản và Bắc Triều Tiên sẽ cùng với Hàn Quốc trở thành các nước thành viên của YSEB, một khu vực ăn sâu vào đất liền 200km tính từ bờ biển Hoàng Hả. Tổng cộng YSEB có dân số hơn 200 triệu người, bao gồm 60 thành phố có trên 1 triệu dân. Năm 2001 YSEB có một thị trường tiềm năng với trị giá lên tới 1,3 nghìn tỷ đôla Mỹ. Hàn Quốc đang xây dựng thành phố New Songdo trên một khu vực khai khẩn được ở ven biển và đó sẽ là thành phố trung tâm của YSEB. Với cơ sở hạ tầng của cảng biển và sân bay quốc tế Incheon ở ngay cửa ngõ thành phố, hy vọng New Songdo sẽ trở thành trung tâm đầu mối của YSEB. Nếu thành công, YSEB sẽ thách thức các cường quốc kinh tế khác như Mỹ và Liên minh châu Âu. Nhưng thành công không chỉ phụ thuộc vào việc tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết mà còn phụ thuộc vào việc vượt qua những khác biệt về chính trị giữa các quốc gia thành viên.