Tài liệu: Hàn Quốc - Múa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hàn Quốc là điển hình của khía cạnh văn hóa truyền thống nhảy múa với các yếu tố tôn giáo đậm nét, với kho tàng phong phú các điệu múa tôn giáo, múa cung đình và múa dân gian.
Hàn Quốc - Múa

Nội dung

Múa

Múa truyền thống

Hàn Quốc là điển hình của khía cạnh văn hóa truyền thống nhảy múa với các yếu tố tôn giáo đậm nét, với kho tàng phong phú các điệu múa tôn giáo, múa cung đình và múa dân gian.

Không như múa cổ điển phương Tây, múa Hàn Quốc không đòi hỏi các kỹ thuật cứng nhắc phải được trình diễn và tôn trọng trong những lần biểu diễn mà thường là tính tự phát, tùy hứng, chủ yếu để diễn tả tâm trạng chứ không nhằm kể chuyện. Có hai khái niệm quan trọng trong các điệu múa Hàn Quốc là Hung (nội tâm thầm kín) và Mot (cảm hứng tinh thần, sự quyến rũ, duyên dáng) mà nếu thiếu chúng thì điệu múa chỉ còn là một loạt các cử động thiếu ngọn lửa nội tâm.

Trong các điệu múa Hàn Quốc, nghệ sĩ múa sử dụng cả thân hình như một khối mềm mại, chuyển động hai vai và phần thân trên, cánh tay dang rộng bồng bềnh, lưng thẳng, một gối hơi nhấc lên, chân thẳng xuống, bước và quay trên gót chân. Trong nhiều điệu múa của phụ nữ, đôi chân thường bị che phủ bởi những chiếc váy Hàn Quốc dài đến gót, cùng những chuyển động làm cho người múa như đang bồng bềnh trôi. Một trong những điệu múa Hàn Quốc là tư thế lơ lửng, đứng cân bằng trên một chân, chân kia duỗi thẳng ra trong khi hai vai nhô lên hạ xuống nhẹ nhàng như trạng thái ngây ngất, đây là mục tiêu của múa Hàn Quốc.

Các điệu múa thiêng liêng nhất là những điệu múa ảnh hưởng đạo Shaman, tín ngưỡng cổ nhất của Hàn Quốc. Nhờ vua Sejong, vị vua thứ tư của vương triều Chosun, và những người kế vị của ông mà các bài hát và điệu nhảy được hệ thống hóa và ghi lại, giúp cho các điệu múa cổ được khôi phục còn được biểu diễn đến tận ngày nay.

Các điệu múa Hàn Quốc có ba dạng chính: múa cung đình, múa dân gian và múa tôn giáo. Múa cung đình truyền thống có hai loại: Loại có nguồn gốc Hàn Quốc và loại có nguồn gốc từ Trung Quốc, nổi bật nhất là điệu múa Hwagwanmu” (Điệu múa Những vòng hoa).

Các điệu múa tôn giáo cũng gồm ba loại khác nhau: Shaman, Phật giáo và Khổng giáo. Múa Shaman do các phụ nữ Mudang biểu diễn là phần cốt lõi của nghi lễ phù phép, thường được dùng để gọi hồn và để đưa các Mudang vào trạng thái nhập định. Múa Phật giáo được dùng để mở đường cho các linh hồn đi đến thiên đường dễ dàng. Múa Khổng giáo mang tính chất nghi lễ cao vốn bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng nay chỉ còn thấy ở Hàn Quốc. Các điệu múa ca ngợi Khổng Tử được biểu diễn hai lần trong năm tại khu lăng mộ hoàng gia gồm những động tác cứng và những lần cúi đầu kính cẩn khác nhau của các diễn viên.

Múa dân gian thực sự là tinh hoa của múa Hàn Quốc. Vốn bắt đầu từ các nghi lễ Shaman hơn 3000 năm trước. Ý tưởng sử dụng các cử chỉ bên ngoài để diễn tả nội tâm thể hiện rõ ràng nhất trong các điệu múa này.

Ở Hàn Quốc thời phong kiến, vũ kịch mặt nạ thường châm biếm các điểm xấu của các thầy tu tham nhũng, các Yangbang già dâm đãng, các thương gia tham lam, các thầy tế Shaman bịp bợm, đó là vũ điệu Pongsan hay “Múa sư tử” mà vẫn còn được trình diễn cho đến tận ngày nay. Với sự pha trộn của múa, hát, kịch câm, những đoạn ứng khẩu hài hước, những bộ trang phục đẹp, sặc sỡ và những chiếc mặt nạ rất đẹp, đây là dạng gần gũi nhất với kiểu hát nguyên mẫu đã từng có ở Hàn Quốc trước kia.

Điệu múa mang ý nghĩa mạnh mẽ nhất trong số các điệu múa dân gian ở Hàn Quốc là Sungmu và Salp'uri. Điệu Sungmu hay “điệu múa của nhà sư” bắt nguồn từ truyền thuyết cổ về một kisaeng (kĩ nữ) xinh đẹp được phái đi quyến rũ một nhà sư nổi tiếng sống độc thân. Trong bộ quần áo và chiếc mũ nhà chùa, nàng kisaeng đi đến nơi ở của nhà sư và bắt đầu chầm chậm đánh những nhịp điệu trên chiếc trống. Nàng bước đi càng lúc càng nhanh, lắc lư và nhảy múa trước nhà sư. Cuối cùng khi bộ quần áo của nàng tuột xuống đất, nhà sư đã hoàn toàn mất tự chủ trước sự quyến rũ tuyệt trần. Trong điệu múa này, người múa xuất hiện trong bộ quần áo trùm đầu của nhà sư, nhảy xung quanh một chiếc trống lớn, lúc tiến lúc lùi. Sau cùng, người múa rút những chiếc dùi trống từ trong áo và gõ solo trên chiếc trống, nhịp trống nhanh dần đến khi người chơi kiệt sức dừng lại. Chất lượng của điệu múa phụ thuộc vào sự cuốn hút nội tâm của người biểu diễn. Một nhánh của điệu múa này là điệu “múa trống” rất xúc động, do những phụ nữ trẻ ăn mặc đầy quyến rũ thực hiện được coi là điệu múa dân gian trẻ nhất và có sức sống nhất Hàn Quốc.

Trong điệu Salp'uri, tài năng của người múa là quan trọng nhất, giúp cho tinh thần người xem thoải mái, thanh thản, thoát khỏi khổ đau, đưa khán giả từ chỗ buồn chán tới sự vui sướng ngất ngây chỉ trong một vài phút. Nếu thiếu cảm hứng tinh thần thực sự thì điệu múa này chẳng còn gì ngoài một loạt cử động với chiếc khăn choàng. Tóm lại, nghệ thuật múa Hàn Quốc chính là biểu diễn với những cảm xúc mạnh mẽ.

Múa hiện đại

Múa hiện đại du nhập vào Hàn Quốc trong thời kì Nhật Bản chiếm đóng đầu những năm 1920. Sau thời gian bị chiếm đóng, các nghệ sĩ trẻ đã tìm cách kết hợp kĩ thuật cổ điển của phương Tây với các đề tài và cảm xúc của múa Hàn Quốc. Nhưng đó là một nhiệm vụ rất khó khăn vì trong khi nghệ thuật múa ba-lê phương Tây rất sôi động, thể hiện giới tính, chi phối không gian, được biểu diễn với ánh sáng và âm thanh thì các điệu múa Hàn Quốc lại kìm nén tính dục, chuyển động cơ thể ít và chất tinh thần bên trong mới là chủ yếu.

Các nghệ sĩ múa Hàn Quốc đã biểu diễn thành công các điệu múa của Mỹ và Anh. Trong những năm gần đây, chính phủ tăng cường khuyến khích các đoàn múa thử nghiệm cố gắng sáng tạo những điệu múa có thể thu hút khán giả trong và ngoài nước.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2939-02-633558767810781250/Nghe-thuat-truyen-thong-cua-Han-Quoc/Mua....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận