Người Bồ Đào Nha ở Indonesia
Trong cuộc tìm kiếm gia vị, người Bồ Đào Nha đã đến Indonesia năm 1511, sau khi đã chinh phục vương quốc Hồi giáo Malacca ở bán đảo Malay. Họ đã truyền bá đạo Cơ đốc và thành công nhất ở Minahasa và Maluku.
Vua của Aceh ở Sumalra, vua của Demak ở Java và vua của Ternate ở Maluku đã hợp lực để tìm cách đánh đuổi người Bồ Đào Nha. Vào thời kỳ đó quyền lực và chủ quyền của vương quốc Ternate bao trùm một vùng 72 hòn đảo, trong đó có cả đảo Timor. Năm 1570, người Bồ Đào Nha đã thành công trong việc hạ sát vua Ternate là Khairun. Tuy nhiên, người kế vị là vua Baabullah đã bao vây pháo đài của người Bồ Đào Nha ở Ternate. Sau đó Baabullah đã liên minh với người Hà Lan để đối phó với người Bồ Đào Nha và người Tây Ban Nha.
Năm 1651 người Hà Lan chiếm đóng Kupang ở Tây Timor. Mặc dù người Hà Lan đã có mặt ở Timor, việc xác định lãnh thổ chính thức bị kiểm soát bởi hai thế lực thực dân phải đến hơn 200 năm sau mới được thực hiện, sau khi người Hà Lan chiếm đóng Kupang. Đó là vào năm 1859, khi người Hà Lan có một thỏa ước với Bồ Đào Nha để chia Timor thành hai vùng. Người Hà Lan chiếm đóng vùng phía Tây và người Bồ Đào Nha chiếm vùng phía Đông hòn đảo này. Kể từ lúc đó Bồ Đào Nha đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ vùng phía Đông Timor cho đến khi họ rút đi vào năm 1975.