Tài liệu: Jean Racine (1639-1699) nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại của Pháp

Tài liệu
Jean Racine (1639-1699) nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại của Pháp

Nội dung

JEAN RANCINE (1639-1699) NHÀ

SOẠN KỊCH CỔ ĐIỂN VĨ ĐẠI CỦA PHÁP

 

Jean Racine (Giăng Raxin) là nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại nước Pháp. Nếu như Corneille (Coócnây) là người mở đầu vinh quang cho nền bi kịch Cổ điển Pháp, thì Racine là người đã đưa bi kịch cổ điển Pháp trở thành một thể loại huy hoàng và mẫu mực, có thể sánh ngang với bất cứ nền bi kịch nào của chủ nghĩa bi kịch Cổ điển châu Âu.

Có thể chia sự nghiệp sáng tác của Racine làm ba chặng. Chặng thứ nhất (1664 -1665), với những vở khởi đầu, còn chịu ảnh hưởng, chưa có phong cách riêng như Người thành Tepbơ ( 1664), Alexandrie Đại đế (1665). Chặng thứ hai (1667 - 1677) là thời kỳ nổi bật, rực rỡ với một loạt các kiệt  tác từ Ăngđrômác (1667), Những kẻ sính kiện cáo (1668), Britaniquyx (1669), Bagiadê (1672)… cho đến Pheđơlơ (1667). Và chặng thứ ba (1689- 1691) tuy ngắn ngủi và ít tác phẩm hơn trước, nhưng lại là một bước ngoặt quan trọng được đánh dấu bằng sự đảo lộn và thái độ sống cũng như tìm tòi nghệ thuật. Không kẻ vở Exter (1689), vở Atali (1691) thực sự là một tuyệt tác viên mãn của nền bi kịch cổ điển Pháp. Ở giai đoạn trước, bi kịch của ông thường dựng nên những con người với những dục vọng ghê gớm về yêu đương và quyền lực, những dục vọng thường có tính đen tối và tai ác. Nó mâu thuẫn gắt gao với lương tri và lý trí sáng suốt; kết cục, lý trí thường thất bại, dẫn đến những cảnh ngộ thật đau thương, khủng khiếp của nhân vật chính. Qua đó, Racine muốn gửi gắm một triết lý sâu sắc là Khi nào con người mù quáng chạy theo những thèm khát đen tối, người đó không thể có tương lai và hạnh phúc. Với những bi kịch này, Racine đã có công mở ra cho sân khấu đương thời một loại bi kịch mới: Bi kịch tâm lý. Đến vở Atali, ông nêu lên vấn đề sức mạnh của nhân dân, đập tan bạo lực, bạo chúa, không khí đấu tranh căng thẳng, những giấc mơ hãi hùng, ám ảnh đầy máu và nước mắt của nhân vật Atali. Vở kịch đã gây nên những xúc động mạnh mẽ và một niềm tin chiến thắng vào công lý trước thế lực cường quyền. Bi kịch của Racine đã dung hòa được một cách tuyệt vời trong mỗi tác phẩm giữa các mặt tương phản của đời sống, xung đột trữ tình, bi thiết và hùng tráng, dữ dội, khủng khiếp và dịu dàng lắng đọng.

Ông sinh ngày 21 tháng Chạp năm 1639 tại Fertê - Milông trong một gia đình công chức khá giả, 4 tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, Racine ở với bà nội và người cô ruột, ở tuổi niên thiếu Racine được theo học và tiếp xúc với các khoa học nhân văn thuộc phái Giăng Xênít - những người nổi tiếng về sự khắc kỷ đạo đức, mang những quan niệm bi đát về thế giới và nhân sinh, có chủ trương đối lập với sự chuyện chế của triều đình. Tất cả những điều đó có ảnh hưởng rất đậm đến sự nghiệp sáng tác của Racine. Con đường nghệ thuật của ông khá hanh thông, đương thời tiếng tăm vang dội. Những năm cuốn đời, Racine sống yên ổn trong gia đình và làm tròn bổn phận của một viên quan ngự sử trong cung đình. Ông còn soạn thêm cuốn lược sử Po Royan, in đậm tư tưởng Giăng Xênít. Việc quan hệ với những người không ủng hộ Nhà nước độc đoán của ông là cho Vua Louis XIV nghi ngờ, lạnh nhạt, bỏ rơi. Ngày 21 tháng Tư 1699, ông chết vì bệnh gan, thi hài đặt tại Po Royan. Trái tim nhà thơ an nghỉ vĩnh hằng nơi đây và mãi mãi thuộc về những giá trị cao đẹp nhất của nhân phẩm loài người.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389423266909528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận