KẾT TẬP HÀNH TINH
Sự hình thành các vật thể tiền hành tinh trong mây khí bụi đã tiếp diễn hàng vạn năm - một thời hạn rất không đáng kể trong bậc thang thời gian tiến hoá vũ trụ. Sự sáp nhập tiếp theo của các vật thể thành hành tinh - được gọi là sự kết tập các hành tinh - là quá trình dài hơn nhiều, kéo dài hàng trăm triệu năm. Phục hồi lại chi tiết quá trình đó rất khó: giai đoạn địa chất tiếp theo kéo dài hơn 4 tỷ năm cho tới ngày nay đã xoá hết các đặc điểm 'của trạng thái ban đầu của hành tinh. Một quần thể các vật thể tiền hành tinh là một hệ thống phức tạp với số lượng lớn các vật thề vi hành tinh. Chúng có khối lường không đồng đều và chuyển động với các vận tốc khác nhau. Ngoài tốc độ chung quay quanh quỹ đạo của tất cả các vật thể cùng ở cách Mặt Trời một khoảng cách đã cho, các vật thể này còn có thêm các vận tốc riêng với hướng được phân bố một cách ngẫu nhiên. Trong mây tiền hành tinh, các hạt và vật thể nhỏ luôn có số lượng nhiều nhất. Các vật thể có kích thước trung gian chiếm phần nhỏ. Có rất ít các vật thể lớn có thể so với Mặt Trăng hoặc Sao Hoả.
Sự tiến hoá của mây đã dẫn tới việc chính trong các vật thể lớn với số lượng không nhiều đã tập trung khối lượng chủ yếu của toàn thể vật chất hành tinh. Sự phân chia đẳng cấp này được tồn tại cho đến tận ngày nay: tổng khối lượng các hành tinh lớn hơn nhiều khối lượng của tất cả các vật thể nhỏ (vệ tinh, tiểu hành tinh, sao chổi và các hạt bụi).
Các vật thể lớn bằng ảnh hưởng hấp dẫn của mình dần dần làm tăng vận tốc hỗn loạn của các vi hành tinh. Mỗi một sự tới gần nhau của hai vật thể làm thay đổi tính chất chuyển động theo quỹ đạo quanh Mặt Trời của chúng. Như quy luật các quỹ đạo trở nên thuôn dài hơn và nghiêng hơn so với mặt phẳng trung tâm. Như vậy, trong suốt giai đoạn này diễn ra ''sự lắc'' (chao đảo) của hệ từ một đĩa rất dẹt sang một đĩa dày hơn. Và khi đó các vật thể có khối lượng càng lớn thì vận tốc hỗn loạn của chúng càng nhỏ và ngược lại.
Các vật thể phát triển rất không đồng đều. Vật thể lớn nhất trong số chúng trong bất kì vùng vành nào, nơi các quỹ đạo của các vật thể còn lại cắt quỹ đạo của nó, có vị trí ưu thế đặc biệt và trong tương lai có thể trở thành phôi thai của hành tinh.
Vai trò của sự va đập có thể được giải thích bằng ví dụ của vành đai tiểu hành tinh ngày nay, nơi mà hậu quả của sự va đập không giống nhau đối với các vật thể khác nhau. Hiện nay vận tốc hỗn độn của các tiểu hành tinh vào khoảng 5 km/ s, cũng với tốc độ như vậy chúng va đập với các vật thể nhỏ hơn. Năng lượng va đập của các vật thể rơi vào bề mặt của tiểu hành tinh thường lớn tới mức không những phá huỷ chính vật thể rơi vào, mà còn phá huỷ cả một phần của tiểu hành tinh. Hình thành crate do va đập, mà vật chất bắn ra từ đó bay tứ tung với vận tốc hàng trăm mét một giây. Vật chất bay tứ tung này này lại rơi vào bề mặt tiểu hành tinh chỉ trong trường hợp nếu như tiểu hành tinh có lực hấp dẫn cần thiết.
Tất cả các tiểu hành tinh của vành đai hiện nay đều mất khối lượng khi va đập. Chỉ những tiểu hành tinh lớn nhất (với đường kính hơn 200 km) trong trường hợp tốt nhất mới giữ được khối lượng của mình. Cũng y hệt như vậy, sự va đập của các vi hành tinh dẫn tới sự lớn lên của một số cái lớn nhất trong số chúng.