Tài liệu: Khoa cử thời Tống

Tài liệu
Khoa cử thời Tống

Nội dung

KHOA CỬ THỜI TỐNG

 

Khoa cử thời Tống so với thời Đường có một bước tiến quan trọng; do kinh tế phát triển, bộ phận đại quý tộc suy yếu,v.v… đã tạo điều kiện cho khoa cử khảo thí mở rộng cửa cho trí thức thuộc tầng lớp bình dân là địa chủ nhỏ thi thố tài năng. Một mặt chế độ khoa cử trong quá trình vận động buộc người thực thi bổ sung để hoàn chỉnh nó.

Thời Tống sơ, các khoa thuộc hệ thống Thường khoa (khoa mục có định kỳ) tương đối nhiều: Ngoài khoa thi Tiến sĩ, còn có các khoa thi: Cửu kinh, Ngũ kinh, Khai nguyên lễ, Tam sử, Tam lễ, Tam truyện, Học cứu, Minh kinh và Minh pháp.

Khoa cử gồm 2 cấp thi:

Thủ giải thí:

Thủ giải thí (thi Hương sau này) tổ chức tại địa phương (Châu, Huyện), người đỗ được "giải tống" lên kinh đô để thi Sảnh (Sảnh thí).  Thủ giải thí tổ chức vào mùa Thu, người đỗ đầu tiên được gọi là Giải nguyên.

Sảnh thí:

Sảnh thí là cấp thi trung ương do Thượng thư sảnh chủ trì, mùa Thu năm trước Thủ giải thí, mùa Xuân năm sau Sảnh thí nên gọi là Xuân thí sau gọi là Xuân vi.

Sảnh thí về sau chuyển cho Bộ Lễ chủ trì nên gọi là Lễ bộ thí, còn tên Sảnh thí thì giữ nguyên; nội dung của Sảnh thí giống như khoa cử thời Đường.

Tiến sĩ trọng thơ - phú, các khoa khác trọng Thiếp kinh, Mặc nghĩa.

Sau này, thi Sảnh định chế thành chế độ tam trường, trường thứ nhất thi sách, trường thứ nhì thi luận, trưởng thứ ba thi thơ, phú.

Đến thời Tống Thần Tông, niên hiệu Hy Ninh (1068 - 1077), Tể tướng Vương An Thạch thực hành "biến pháp" trong đó có cải cách khoa cử bỏ thi thơ, phú, Thiếp kinh, Mặc nghĩa. Nội dung thi bao gồm Kinh Dich, Kinh Thi, Kinh Thư, Chu Lễ; tuyển một trong các kinh đó kiêm Luận Ngữ, Mạnh Tử mỗi khoa thi bao gồm tứ trường. Phương thức thi: Thi sách, thi luận và thi ''kinh văn đại nghĩa”. Các bài thi đòi hỏi thông hiểu kinh nghĩa, lại có tính văn học mới được lấy đỗ; không giống kiểu thi Mặc nghĩa trước đây, vốn chỉ cần giải nghĩa kinh một cách nông cạn để đối phó.

Đến thời Tống Triết Tông, Tư Mã Quang chấp chính, năm Nguyên Hựu thứ 4 - (1089), khoa Tiến sĩ lại phân làm 2 khoa: Thi phú Tiến sĩ Kinh nghĩa Tiến sĩ. Nội dung thi cũng bao gồm các Kinh Dịch, Thi, Thư, Chu Lễ, Lễ ký, Xuân Thu, Tả Truyện, Tiến sĩ thơ phú. Khoa Tiến sĩ thơ phú thì chọn 1, khoa Tiến sĩ Kinh nghĩa thì chọn 2 trong các kinh trên. Khoa thi phú Tiến sĩ lấy thi phú để quyết định đỗ hay bỏ; khoa Minh kinh Tiến sỹ lấy kinh nghĩa quyết định đỗ hay bỏ.

Năm đầu Chiêu Thánh (1094), khoa Tiến sĩ từng bỏ thơ phú chỉ giữ Kinh nghĩa. Suốt thời Tống sơ khoa cử biến động, nhưng song song tồn tại 2 cấp thi: Thủ giải thí cử hành cấp Châu do phán quan các Châu được quan triều đình cử về chỉ đạo chủ trì. Sảnh thí cử hành tại Bộ Lễ được triều đình chọn người chủ trì.

Điện thí:

Từ khoa thi Sảnh năm Khai Bảo thứ 6 (năm 937), do sự thiên vị của quan chủ khảo là Hàn Lâm viện học sĩ Lý Phưởng lấy đỗ, đánh hỏng không công bằng; các sĩ tử đã tố cáo, xin Hoàng đế cho phúc thí. Nhà Vua đã tổ chức thi lại tại điện Hoàng đế, thân ra đề thi nhằm phúc khảo, trừ bỏ tệ lậu. Điện thí ra đời và trở thành khoa thi chính thức và cao nhất của chế độ khoa cử bắt đầu từ đây.

Năm Khai Bảo thứ 8 tổ chức Điện thí lần thứ 2 thực sự xác định 2 loại khoa mục, 2 cấp độ khoa cử tại Trung ương: thi Sảnh xong, liếp tục vào thi Điện. Người đỗ đầu thi Sảnh Sảnh nguyên, người đỗ đầu thi Điện gọi là Trạng nguyên.

Thời Tống khoa cử phát triển, khoa Tến sĩ ngày càng tăng số người đỗ. Triều đình bận rộn với việc tổ chức, thí sinh vất vả với việc thi cử, nên đến Anh Tông năm Bình Trị thứ 3 (1066) bỏ chế độ cách 1 năm hay 2 năm 1 kỳ thi, thực hiện 3 năm 1 kỳ như chế độ Đại tỷ do triều đình tổ chức thời kỳ Cổ đại. Vì vậy, kỳ thi Tiến sĩ được gọi là, kỳ Đại tỷ (sang thời Minh, Thanh, thi Hương 3 năm định chế rõ cũng gọi là Đại tỷ).

Đầu đời Tống số đỗ Tiến sĩ tăng dần, cảnh các Tiến sĩ sau khi đỗ vẫn không được bổ nhậm quan chức trở thành “mối họa”. Từng có những Tiến sĩ hợp sức với các tộc Phiên bang chống lại triều đình; nên từ đó các Tiến sĩ được triều đình bổ dụng ngay sau khi đỗ.

Tại Điện thí các Tiến sĩ có thể bị đánh hỏng, tình trạng này thật bi đát, đã nhiều Tiến sĩ sau khi trượt Điện thí vĩnh viễn từ bỏ quê hương; thậm chí có người tự vẫn, vì thế triều Tống thêm định chế: Tiến sĩ vào thi Điện chỉ nhằm xếp hạng cao thấp chứ không bị đánh trượt nữa.

Như vậy khoa thi Tiến sĩ thời Tống chẳng những là khoa thi chủ chốt mà còn xác lập được định chế hoàn bị, đến thời Minh được tăng bổ để hoàn thiện thêm mà thôi.

Chế khoa:

Chế khoa thời Tống không còn thịnh hành như thời Đường, số người đỗ không đáng kể so với khoa Tiến sĩ. Trong 312 năm của Vương triều Tống chỉ có 22 chế khoa, số người đỗ chế khoa khoảng 41 người; trong khi đó, một khoa Tiến sĩ có thời lên tới 409 người (Thần Tông) hoặc cao vọt lên 680 người (Trương Tông).

Thời Tống có tổ chức Vũ khoa, văn bài gồm: trước thi kỵ xạ (cưỡi ngựa và bắn cung) sau thi văn sách. Với phương châm: văn sách để lấy đỗ hay bỏ, bắn cung cưỡi ngựa để xếp hạng cao hay thấp (dĩ sách vi khử lưu, cung mã vi cao hạ).

khoa tuy lúc lập lúc bỏ nhưng định chế ngày càng rõ ràng hơn, mở rộng số môn thi, xếp hạng sau khi Điện thí võ cử. Nhưng ở thời Tống chủ trương ''trọng văn khinh võ'' thực sự sâu sắc, có phần đi quá xa một truyền thống “văn võ song toàn”, hay “thượng văn”.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1046-02-633386053717031250/Che-do-khoa-cu-Trung-Quoc-thoi-Trung-dai/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận