Tài liệu: Khu tưởng niệm Hiroshima

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, Mỹ đã dùng bom nguyên tử hủy diệt ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, làm chết 240 ngàn người vô tội ở đây.
Khu tưởng niệm Hiroshima

Nội dung

Khu tưởng niệm Hiroshima

Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, Mỹ đã dùng bom nguyên tử hủy diệt ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, làm chết 240 ngàn người vô tội ở đây. Ba ngày sau, ngày 9 tháng 8 năm 1945, lần thứ hai Mỹ lại ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, làm chết ngay tại chỗ 73.000 người. Và sau đó chỉ ít ngày đã có 35.000 người nữa chết sau những cơn đau đớn quằn quại kéo dài. Cũng từ đó cho đến nay còn biết bao nhiêu người khác đã chết, hoặc để lại những di chứng bệnh tật chết dần chết mòn do nhiễm xạ.

Cùng với nhân dân Nhật Bản, nhân loại ngàn đời không thể nào quên tội ác tày trời đó.

Việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản không phải là nguyên nhân cơ bản chủ yếu để buộc bọn quân phiệt Nhật Bản đầu hàng. Việc đầu hàng của quân đội Nhật Bản chỉ xảy ra sau khi Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt tập đoàn Quan Đông “quả đấm sắt” của quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc, đồng thời quân đội Liên Xô đã ồ ạt tấn công đập tan nhiều cứ điểm quan trọng bậc nhất của quân đội Nhật Bản, giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Trung Quốc đến tận Bắc Triều Tiên và vùng Sakhalin và quần đảo Kurin. Rõ ràng rằng điều này đã được chính Thủ tướng Nhật Bản thời đó là Đô đốc Suzuki thừa nhận: “Việc Liên Xô tham chiến đã đặt chúng ta vào tình trạng không lối thoát, do đó, chúng ta không thể nào tiếp tục chiến tranh được nữa). Hơn nữa sự thật này đã được ban cố vấn quân sự chính của Tổng thống Mỹ lúc đó là Đô đốc William Leghi và nhà sử học nổi tiếng người Anh John Echman đã nhận định: “Việc sử dụng vũ khí man rợ này ở Hiroshima và Nagasaki không giúp gì đáng kể cho cuộc chiến tranh chống quân phiệt Nhật Bản. Bởi vì sau khi ném bom nguyên tử, quân đội Nhật Bản vẫn tiếp tục chiến đấu kháng cự ác liệt”. Thủ tướng Anh quốc lúc đó là Churchill cũng buộc phải thừa nhận: “Sẽ thật sai lầm nếu cho rằng số phận của Nhật Bản đã được định đoạt bằng bom nguyên tử”. Bởi thực chất hai quả bom nguyên tử của Mỹ không mảy may đánh bại được uy lực quân đội Nhật Bản lúc đó, mà chỉ hủy diệt hàng loạt sinh mạng của những người dân vô tội. Điều này thể hiện rất rõ khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản đã làm chết hàng vạn người, nhưng trong công hàm của chính phủ quân phiệt Nhật gửi Chính phủ Mỹ ngày 10 tháng 8 năm 1945 vẫn bác bỏ yêu cầu đầu hàng vô điều kiện.

Do đó các nhà sử học thế giới nhận định rằng Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản nhằm mục đích hăm dọa nhân dân thế giới về sức mạnh nguyên tử của Mỹ, mở đầu thời kỳ chạy đua vũ trang vũ khí nguyên tử của Mỹ, đe dọa nền an ninh nhân loại.

Lịch sử nhân loại mãi mãi còn ghi nhớ ngày khủng khiếp do chiếc máy bay Mỹ B29 mang tên “Enola Gay”, giờ đây đang được duy tu, bảo tồn trong một khu nhà của trung tâm nghiên cứu Smithsonian ở ngoại ô Washington do viên phi công Mỹ K. Bilan, lái chiếc máy bay này, kẻ man rợ thả hai quả bom xuống Hiroshima và Nagasaki.

Vì vậy để mãi mãi nhớ đến thảm họa khủng khiếp do đế quốc Mỹ gây ra đó, tại thành phố Hiroshima Nhật Bản người ta xây dựng một tượng đài Hòa Bình để kỷ niệm tưởng nhớ những nạn nhân nguyên tử và cũng để nhắc nhở mọi người nhớ đến thảm họa này. Hàng năm cứ vào ngày 9 tháng 8, người ta đã tổ chức lễ dâng hương và tưới nước lên những tấm bia nạn nhân, cũng như thả chim bồ câu.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4138-02-633705432406913746/Nhat-Ban/Khu-tuong-niem-Hiroshima.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận