Tài liệu: Lào - Lễ hội

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nhân dân Lào gọi ngày hội là “bun”. Như “bun pimày”, ''pun Thát Luổng'' (hội năm mới, hội Tháp Luông).
Lào - Lễ hội

Nội dung

Lễ hội

Nhân dân Lào gọi ngày hội là “bun”. Như  “bun pimày”, ''pun Thát Luổng'' (hội năm mới, hội Tháp Luông). Từ “bun” còn có ý nghĩa khác nữa là phúc đức, ngày lành, ngày thờ cúng (buxa). Trong thực tế, các ngày hội lớn nhỏ ở Lào đều bao hàm có hai ý nghĩa nói trên. Người Lào thường ví ''vui như hội'' (muốn pan bun). Điều ấy rất đúng với lứa tuổi thanh niên. Trai và gái trẩy hội chủ yếu để vui chơi tập thể. Những người lớn tuổi, nhất là các cụ già, đi dự ''bun'' để cầu kinh niệm Phật, dâng lễ lên chùa, tích thêm phúc đức.

Ở Lào, hàng năm có hàng chục ngày hội lớn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành tục lệ gọi là ''hípxítxỏng'' nghĩa là tục tổ chức 12 ngày hội trong một năm. Có tháng như tháng ba, tháng mười hai có đến hai ngày hội. Theo lịch Phật, các ngày hội ở Lào được lần lượt tổ chức như sau:

- Tháng giêng: Hội cúng các thần linh, các loại ma lành, ma dữ.

- Tháng hai: Hội vía lúa (bun khun khảu).

- Tháng ba: Hội mừng ngày đắc đạo của Phật tổ (bun makhạ buxa), hội lúa mới (bun khảuchì).

- Tháng tư: Hội Phật Vết Xẳnđon (bun Phạ Vệt)

- Tháng năm: Hội năm mới (bun pimày).

- Tháng sáu: Hội pháp thăng thiên (bun bẵngphay).

- Tháng bảy: Hội tống ôn (bun xăm hạ).

- Tháng tám: Hội vào chay (bun khảuphănxả).

- Tháng chín: Hội cúng các oan hồn (bun khảupạđắpđin)

- Tháng mười: Hội chúng sinh (bun hòkhẩuxạc).

- Tháng mười một: Hội mãn chay (Bun ọcphănxả).

- Tháng mười hai: Hội dâng vải vàng và các đồ dùng cho tăng lữ (bun cạthỉn).

Trên đây là những ngày hội lớn mang tính chất chung trong cả nước của người Lào Lùm. Nếu kể cả những người hội nhỏ của hai dân tộc Lào Thơng và Lào Xủng ở từng địa phương gắn liền với sản xuất, với tín ngưỡng thần linh, với di tích lịch sử hoặc các nhân vật của từng thời đại thì số ngày hội vượt xa ''hítxítxoỏng''. Chẳng hạn như ngày tết của nhân dân Lào Xủng, hội cày cấy, hội nước lên, hội nước xuống, hội đua thuyền,... Bởi vậy, từ xưa đất nước Lào đã nổi tiếng là quê hương của những ngày hội.

Ở Lào, đơn vị hành chính nhỏ nhất được hình thành khá sớm và tồn tại rất bền vững trong quá trình lịch sử là bản. Các thành viên trong mỗi bản gắn bó mật thiết với nhau bằng nhiều mối quan hệ như huyết thống, kinh tế, văn hoá,... Nhiều tục lệ được hình thành và duy trì trên cơ sở bản gọi là ''hítbảnkhông- mương'' (tục lệ bản mường). Mỗi thành viên trong bản hoặc người ngoài đến cư trú không thể làm trái tục lệ bản mường. Do điều kiện giao thông giữa nông thôn và thành thị giữa các mường lân cận gặp nhiều khó khăn kéo dài, nên việc giao lưu văn hoá bị hạn chế. Do đó, những ngày ''bun'' ở nông thôn, nhiều nghi lễ cổ xưa vẫn tồn tại khá đậm nét. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn ''tục lệ bản mường'' vẫn được duy trì khá chặt chẽ và chi phối rất nhiều mặt sinh hoạt của bản làng như sản xuất, hội hè, sinh đẻ, tu hành, cưới xin và ma chay.

Mỗi ngày hội ở Lào dù lớn hay nhỏ đều có nội dung, ý nghĩa và nghi lễ riêng biệt. Đó là những ngày hội bắt nguồn từ lao động (nông nghiệp ruộng rẫy) và tôn giáo nói chung. Tuy nhiên, qua thực tiễn sinh động, phong phú của từng ngày hội, hai nội dung nói trên không có sự cách biệt, mà kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn. Không có ngày hội sản xuất nào ở Lào lại không tổ chức ở chùa hoặc có sự tham gia của sư sãi. Và bất kì ngày hội tôn giáo nào cũng gắn liền với phong tục, tập quán của địa phương. Tất nhiên dưới chế độ phong kiến, nhận thức về khoa học tự nhiên cũng như các quy luật xã hội của nhân dân Lào còn hạn chế. Trong mỗi nghi lễ ở nông thôn, người lao động Lào thường gửi gắm biết bao hi vọng, niềm mơ ước vào thần linh, các uy quyền thiêng liêng phù hộ cho mùa màng tươi tốt bản làng yên vui. Mỗi ngày hội ở Lào thường có một truyền thuyết giải thích nội dung, ý nghĩa, đó là các tích của đạo Bàlamôn được thay đổi một số chi tiết cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội Lào (riêng các nhân vật thường được giữ lại).

Ngày hội đầu tiên là ngày ''bun khun khảu nay lan'' (vun thóc trên sân). Ngày hội được tiến hành vào một ngày trong tháng hai theo lịch Phật, nên nông dân Lào gọi là Hội tháng hai. Sau khi đập lúa xong, trước lúc chuyển thóc lên kho là thời điểm tổ chức hội vun thóc trên sân. Do đó các địa phương không thể làm ''bun'' thống nhất trong một ngày. Nhưng dù sớm muộn thì cũng phải tổ chức trong tháng hai.

Theo đông đảo nông dân Lào, hội ''vun thóc trên sân'' là để tạ ơn các vị thần (các hiện tượng tự nhiên), ma quỷ, tổ tiên đã phù hộ cho vụ mùa thắng lợi. Ngày ''bun'' còn để làm phúc, làm việc thiện để cầu mong vụ sau sẽ đạt kết quả tốt, sao cho lúa trong kho ''múc ăn không vơi, đong ra không cạn''.

Người dân giải thích ngày hội bằng chuyện ''hai anh em người nông dân''. Ngày xưa, có hai anh em người nông dân cùng cày cấy chung một thửa ruộng. Một hôm, người em bàn với anh cùng nhau làm ''bun'' chín lần trong mỗi vụ để cúng Phật và các vị thần. Người anh không ưng thuận nhưng người em vẫn thiết tha làm theo ý nguyện. Cuối cùng hai anh em phải chia đôi số ruộng.

Với số ruộng được chia, hàng năm mỗi vụ cày cấy, người em đã làm ''bun'' theo trình tự như sau: gieo mạ, lúa con gái, cốm non, cốm già, gặt, bó lúa, vun thóc, và chuyển thóc lên kho.

Nhờ làm ''bun'', nên vụ nào lúa trên ruộng của người em cũng rất tốt. Thu hoạch xong, thóc chuyển đầy kho, đầy nhà, mà lúa trên sân vẫn không vơi. Người em phải làm lễ cầu xin, lúa mới vơi dần. Thóc gạo dư dật, cuộc sống đầy đủ nhưng người em không hề sao nhãng việc làm ''bun'' trong mỗi vụ sản xuất. Người em còn mong ước sau này sẽ được trở thành Phật ''ô lạ hẳn''.

Về già, khi qua đời, người em đã đầu thai kiếp khác ở tầng cao trên thiên đình (Davăđinh). Đến tuổi thành niên, người em cạo đầu đi tu. Sau một thời gian tu hành, người em trở thành một môn đồ của Inđra và được mọi người kính trọng.

Còn người anh, khi chết, đầu thai thành người nghiện rượu. Mãi đến lúc đức Phật lên niết bàn mới được đi tu. Nhờ tu hành, được nghe giảng giải nhiều về đạo lí nên trở thành môn đệ cuối cùng ở Inđra.

Ngày hội ''vun thóc trên sân'' ở mỗi địa phương chỉ khác nhau một số khía cạnh về hình thức. Khi đập lúa, vun thành đống lớn ở sân xong, chủ nhà mời tăng lữ (ít nhất năm vị), bà con, họ hàng dân bản đến dự vào một ngày đã định trước ở sân đập lúa (thường ở rìa ruộng). Gia đình làm ''bun'' lo giã gạo, làm bún bánh, đồ xôi để dâng lên chùa và đãi bà con. Ngoài thức ăn, chủ nhà còn chuẩn bị nến, hương hoa và một số âu nước lạnh. Quanh đống thóc lớn được giăng nhiều vòng chỉ trắng.

Khi mọi người đến đông đủ, tăng lữ đọc kinh cầu nguyện và vẩy nước phép. Những ô nước còn lại, gia chủ đem vẩy xuống ruộng, chòi canh ruộng và cả trâu bò. Tiếp theo chủ nhà, bàn con dân bản dâng cơm cho tăng lữ, cúng các vị thần, các loại ma và ông bà họ hàng đã khuất. Sau cùng đến lượt chủ ruộng cùng họ hàng ăn uống, trò chuyện, vui chơi ngay trên sân đập lúa. Ngày ''bun'' được kết thúc bằng lễ ''àu khoẳn'' (cầu may) cho sân đập lúa. Bài cúng cầu may do một cụ già có uy tín trong bản đọc.

Người Lào ở vùng Đông bắc Thái Lan có tục làm ''bun khua khảu'' ở cả bản hay một xóm trong bản. Tại một địa điểm đã thống nhất hộ nào cũng dựng một cái lán bằng sàn nho nhỏ. Mỗi hộ gánh đến một gánh ''bun'', tổ chức ''bin thạ bạt'' (tăng lữ ôm bình bát đi xin ăn). Tối đến, dân bản dâng hương hoa lên chùa nghe tụng kinh, đọc các truyện thơ. Trai và gái tập trung ở lán vui chơi tập thể.

Từ quan niệm về nghi lễ nói trên, phải chăng ngày hội ''vun thóc trên sân'', là ngày họp mặt đông đủ họ hàng dân bản đã giúp đỡ lẫn nhau trong đợt lao động kéo dài và vất vả nhất để ăn mừng thắng lợi, để tạ ơn thiên nhiên. Câu chuyện trên đây giải thích về ngày hội tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại phản ánh chân thực tập quán sản xuất nông nghiệp ở Lào. Có thể câu chuyện trên đây đã dựa trên quá trình sản xuất ở Lào.

Sang tháng ba có lễ “bun khảu chì”. ''Khảu chì'' nghĩa là xôi nướng, món ăn đặc biệt với mọi người “bun” trong mùa và cũng được dùng để gọi tên ngày hội. Ngày hội tổ chức vào đầu hay giữa tháng ba nên nông dân Lào thường gọi là Hội tháng ba. Vào dịp này, hầu hết nông dân đã thu hoạch xong vụ mùa, nhà chậm nhất cũng đã chuyển hết thóc lên kho. Trước ngày ''bun'', nhà nào cũng vót sẵn những que tre và lấy củi tập trung ở nhà hay trên sân chùa. Sáng sớm ngày hội, nhà nào cũng đốt một đống củi to để lấy than hồng. Xôi gạo mới có rắc muối, nắm thành từng nắm nhỏ đem cắm vào que nướng. Xôi sắp chín thì quét thêm trứng gà hay trứng vịt rồi nướng tiếp cho vàng. Cùng với các loại thức ăn mặn, ngọt khác, xôi nướng đặt trong âu bạc dâng lên chùa.

Khi các tín đồ đến đông đủ, một cụ già có uy tín trong bản trân trọng đọc lời dâng hoa, lễ Phật. Tăng lữ đọc kinh cầu phúc. Các tín đồ lần lượt đặt xôi nướng, bánh trái vào bình, bát và dâng cơm cho sư. Dùng cơm xong, tăng lữ đọc kinh ''xạ lỏng khẩu chì'' (mừng xôi nướng) và thay phiên nhau đọc các chuyện trong tập ''Rammakiên''. Các tín đồ ngồi nghe cho đến chiều tối.

Hội “xôi nướng” thường gắn liền với chuyện ''Punna Thaxỉ'' (người con gái nô lệ). Xôi gạo mới, dẻo, thơm ngon, đem nướng lại càng thơm, được người dân Lào ưa thích, nhưng không mấy ai dâng cho tăng lữ. Thuở xưa, Punna Thaxỉ bỗng dưng dùng xôi nướng dâng cho sư. Sau khi ''tắc bạt'', nàng Punna Thaxỉ phân vân suy nghĩ không biết tăng lữ có dùng xôi nướng hay không. Có thể tăng lữ đem vứt cho chim quạ ăn vì nó không phải là món ăn bình thường của sư sãi. Như đoán được ý nghĩ của nàng Punna Thaxỉ, vị tăng lữ dẫn đầu buổi ''bin bạt'' hôm ấy, liền cho dừng lại, trải chiếu, ngồi tụng kinh và dùng xôi nướng ngay tại chỗ. Nàng Punna Thaxỉ vô cùng mừng rỡ vì nỗi băn khoăn được giải đáp ngay và còn được nghe đọc kinh. Từ đấy, hàng năm cứ đến tháng ba, các tín đồ đạo Phật ở Lào làm ''bun'' xôi nướng.

Thực chất của ngày ''bun'' xôi nướng là ngày hội mừng cơm mới, ngày bày tỏ lòng, biết ơn sâu sắc và dâng lên các đấng thiêng liêng đã phù hộ cho vụ sản xuất duy nhất, mang lại ấm no cho mọi người. Ngày hội còn có ý nghĩa để kết thúc bước cuối cùng của vụ sản xuất. Vào dịp này, hầu hết các nhà nông ở Lào đều có lúa mới, xôi mới, thành quả của gần một năm lao động.

Cũng trong tháng ba lịch Phật, còn có ngày hội ''makhạ buxa''. Ngày hội được tổ chức thống nhất vào ngày rằm tháng ba hàng năm. Theo Mahả Vêthi Vorạkhun và Khăm phăn Vilạvông, “bun makhạ buxa” là ngày chấm dứt cuộc đời của Phật (Pôngxẳngkhăn) và dặn dò 1250 môn đồ của mình phải làm gì để tiếp tục truyền bá giáo lí.

Trước ngày ''bun'', tăng lữ dọn dẹp sạch sẽ khu chùa, chuẩn bị nước uống, nước rửa. Các tín đồ trong bản làm các loại bánh dân tộc, lấy hoa tết thành hình ngọn tháp, các âu bạc đựng đầy nước. Cũng giống như một số ngày hội khác, sáng sớm ngày ''bun makhạ buxa'' có dâng thức ăn cho sư, tưới nước, cầu yên cho tăng lữ. Khoảng 7 giờ sáng, các tín đồ dâng lễ lên chùa, nghe tụng kinh, lễ Phật. Tăng lữ thay phiên nhau lên bục ''thết'' (đọc), kể lại lai lịch, quá trình tu hành của Phật. Người già tập trung ở chùa nghe tăng lữ đọc kinh cả ngày. Thanh niên gái, trai, kể cả những người đứng tuổi, bị thu hút vào những trò chơi dân gian như múa tập thể, hát giao duyên, biểu diễn các thiên anh hùng ca. Bằng hình thức văn nghệ dân tộc hấp dẫn ấy nên ngày hội càng thêm náo nhiệt và kéo dài đến ba ngày ba đêm liền.

Tối cuối cùng của ngày hội có tổ chức rước nến (hè thiên). Nhân dân trong bản, không  kể già trẻ, gái trai, tay bưng nến, hương hoa, đèn lồng tập trung tại ''xả la''. Mọi người ngồi xếp nghiêm trang, tay chắp trước ngực, cung kính quay về phía tượng Phật, đọc một đoạn kinh theo vị sư cả trong chùa. Tiếp đến là rước nến ba vòng quanh chùa từ trái sang phải. Vòng thứ nhất để tưởng nhớ đến Phật tổ, vòng thứ hai tưởng nhớ đến giáo lí và vòng sau cùng để tỏ lòng biết ơn tăng lữ. Dẫn đầu đoàn rước là sư sãi trong chùa. ''Rước nến'' trong ngày ''bun makhạ buxa'' khác với mọi đám rước ở Lào được tổ chức rất nghiêm trang, không có tiếng trống, chiêng hay múa hát. Các tín đồ lặng lẽ cúi đầu chậm rãi bước quanh ''xủn'' (nơi để các pho tượng Phật).

Vào đầu hay cuối tháng tư, nhân dân Lào tổ chức hội Phạ Vệt. Được gọi là ''bun Phạ Vệt'' vì trong ngày hội, sư sãi thường đọc về cuộc đời và những năm tháng tu hành của Phật Vết Xẳnđon.

Theo sách kinh Phật ở Lào, Vết Xẳnđon là hoàng tử. Vợ Vết Xẳnđon là nàng Mathi. Vết Xẳnđon và Mathi có hai người con là chàng Cănhả và nàng Xảli. Khi Xẳnđon trưởng thành, vua cha cho con đi cai trị ở một mường. Được một thời gian, Xẳnđon từ bỏ ngôi báu, cùng vợ con di chu du khắp mọi nơi. Đi đến đâu, Xẳnđon cũng thấy cảnh đời giả dối làm ông chán chường và muốn thoát cuộc sống trần tục. Trở về nhà, Xẳnđon mang tất cả tài sản bố thí cho người nghèo rồi cạo đầu đi tu.

Ở một mường nọ, có một thầy Pham, người xấu xí nhưng có một người vợ rất xinh đẹp. Hai vợ chồng ăn ở với nhau khá lâu mà chẳng có con. Người vợ tỏ ra buồn phiền và một hôm ngỏ ý sẽ li dị nếu Pham không đi xin một đứa con về làm con nuôi. Chiều theo ý vợ, Pham đi lang thang khắp các bản mường gần xa để xin con, nhưng chẳng ai cho. Pham buồn rầu xin vào cung gặp Vết Xẳnđon để giãi bày nỗi niềm riêng của mình. Thông cảm sâu sắc hoàn cảnh éo le của Pham, Xẳnđon hứa cho cả hai con. Cănhả và Xảli ngồi trong nhà nghe rõ nội dung câu chuyện liền bỏ đi. Xẳnđon phải ra gọi, Cănhả và Xảli mới về nhà. Hai đứa con kêu khóc thảm thương làm Xẳnđon đau lòng nhưng đã trót hứa với Pham nên không thể thay đổi được.

Xin được hai đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú, Pham rất vui mừng. Không trở về nhà ngay mà Pham dẫn hai đứa bé đi lang thang hết mường này sang mường khác và cuối cùng sang cả vương quốc của vua cha (ông nội của Xảli và Cănhả). Trên đường đi, Cănhả và Xảli khóc lóc đòi về với mẹ. Sợ hai đứa bé bỏ trốn, Pham phải trói chúng dắt đi.

Một hôm vua cha đi kinh lí, tình cờ gặp Pham đắt hai đứa trẻ lang thang ngoài đường. Vua cha sửng sốt khi thấy hai đứa bé hao hao giống cháu nội mình. Để rõ thật giả, vua cha cho người ra gọi Pham vào gặp, Pham thành thực kể lại đầu đuôi câu chuyện và không dám yêu cầu gì ngoài xin được ăn uống đầy đủ. Vua cha xin lại hai cháu và hứa sẽ cho Pham nhiều tiền bạc, châu báu. Tuy thương hai cháu, nhưng vua cha không trách con mình, mà còn tỏ ra vui mừng bởi Xẳnđon là người biết tôn trọng lời hứa. Đón hai cháu về cung, vua cha truyền lệnh lấy một phần tài sản ra bố thí và tổ chức ăn mừng.

Còn Xẳnđon, sau khi bỏ vợ đi tu, đã trải qua bao kiếp, cuối cùng đắc đạo trở thành Phật. Để tỏ lòng tưởng nhớ và khâm phục đức hi sinh của Vết Xẳnđon, hằng năm cứ đến tháng tư các tín đồ ở Lào mở hội rất linh đình.

Bun Phạ Vệt là ngày hội tôn giáo lớn nhất ở Lào. Nghi lễ tôn giáo chủ yếu trong ngày hội là nghe đọc các kiếp tu hành của Xẳnđon. Đoạn gây xúc dộng nhất là cuộc đời nàng Mathi khi Xẳnđon thoát tục đi tu.

Trước ngày ''bun'', tăng lữ cùng các tín đồ dọn dẹp sạch sẽ khu chùa, tháp. ''Xỉm'', ''Xảla'' được trang trí uy nghi, lộng lẫy. Cờ tổ quốc và cờ Phật giăng quanh khắp khu chùa. Nếu mời các tín đồ ở bản chung quanh đến dự đông thì bản đăng cai thường dựng thêm lán trên sân chùa. Tám hướng quanh ''xảla'' cắm tám ngọn cờ Phật. Bốn nồi nước lạnh dùng để làm nước phép được đặt ở bốn góc ''xảla''.

Ở một khu rừng gần bản, các tín đồ dựng một cái miếu gạch là ''hỏ Ụpạkhụt'' (một loại chim thần nhỏ). Theo quan niệm của các tín đồ thì ''Ụpạkhụt'' là một vị thần có rất nhiều phép màu nhiệm, trừng trị được các loài ma quỷ dữ. Thuở xưa, có một nhà tu hành cho xây dựng một ngọn tháp lớn. Hôm làm lễ khánh thành thì bị một con quỷ dữ ở giữa đại dương biết tin đã về phá hoại. Để ngày lễ tiến hành được an toàn, nhà tu hành đã cho mời thần ''Ụpạkhụt'' đến giúp. Quỷ dữ chưa về kịp quấy rối đã bị thần ''Ụpạkhụt'' dùng phép thổi bộ da chó thối quấn chặt vào cổ. Quỹ dữ giãy giụa đến kiệt sức mà vẫn không gỡ ra được, đành phải đến nhận tội và xin tha. Thần Ụpạkhụt cho giải quỷ dữ đi giam trên một ngọn núi cao. Lễ khánh thành tháp kết thúc, quỷ mới được tha về. Từ đấy trở đi, cứ đến những ngày hội lớn như ''bun Phạ Vệt'', các tín đồ ở Lào đều làm lễ mời thần ''Ụpạkhụt'' về để tỏ lòng biết ơn và nhờ sự che chở, tránh mọi sự bất trắc do ma quỷ gây ra.

Hai giờ chiều, khi nghe tiếng trống tập trung (Cong hôm), các tín đồ mang theo các lễ vật lên chùa. Dân bản cử hai người có uy tín hoá trang làm Xẳnđon và Mathi ra đón thần ''Ụpạkhụt'' về chùa. Cùng đi còn có một nhà sư có giọng ''thết'' tốt nhất ngồi trên kiệu dẫn đầu đoàn rước. Theo sau là đông đảo dân bản. Đến ngôi miếu ''Ụpạkhụt'', mọi người kính cẩn đặt hoa rồi nghiêm trang ngồi nghe vị sư đọc lời mời thần ''Ụpạkhụt''. Tiếp theo, đoàn người rước thần ''Ụpạkhụt'' trở về chùa. Họ vừa đi vừa múa hát hoà theo nhịp trống, chiêng vang lừng. Tới chùa, đoàn rước đi quanh ba vòng từ trái sang phải. Đến đây, coi như kết thúc nghi lễ chủ yếu của ngày hội. Gái trai bắt đầu vui chơi tập thể. Vào dịp ''bun'', bản đăng cai thường mời các nghệ sĩ dân gian (mỏ lăm) đến biểu diễn các bản trường ca.

Người có tuổi, nhất là các già làng, hầu như tập trung ở ''xảlạ'' nghe tăng lữ đọc, ngâm hoặc vịnh sự tích của các kiếp Phật dài đến mười tập (phục) gồm 500 kiếm gọi là ''hã họi xạt'' (500 giataka) và đây cũng là nội dung tôn giáo quan trọng nhất của ngày hội. Tăng lữ trong chùa hay ở các chùa gần đó có thể đến đăng đàn hoặc bắt thăm trúng đoạn nào thì đọc đoạn ấy. Các cụ ngồi nghe say sưa, thỉnh thoảng lại tung những hạt gạo hoặc rỏ những giọt nước xuống đất. Trong thực tế, người nghe ''thết'' không phải ai cũng hiểu được nội dung, vì tăng lữ   ''thết'' bằng chữ ''thăm'' (chữ Lào trước kia, dùng để phiên âm các kinh kệ). Song sự hấp dẫn các tín đồ có thể do âm điệu, nghệ thuật diễn cảm và mùi trầm hương thơm ngát. Nhà sư nào có giọng tốt, đọc diễn cảm thì được các tín đồ “than” (thưởng tiền bạc, vải vóc) Nếu ''xảla'' quá chật thì tổ chức ''thết'' ở các lán quanh sân chùa.

Để kết thúc ngày hội ''Phạ Vệt'', nhiều địa phương thường chọn một nhà sư có giọng tốt nhất, được ''than'' nhiều nhất trong suốt mấy ngày hội để đọc sự tích Mathi (''thết Mathi'') hoặc đoạn Cănhả - Xảli để gây ấn tượng sâu sắc trong các tín đồ.

Trong ngày bun ''Phạ Vệt'' ở Viên Chăn, các tín đồ thường tập trung lên chùa sớm hơn các địa phương khác. Trước khi tổ chức ''thết'' các kiếp của Phạ Vệt, một vị tăng lữ có giọng tốt lên đọc kinh ''xắccạlạtluổng'' kể lại sự ra đời và quá trình phát triển của đạo Phật. Buổi tối tổ chức rước ''khẩu phăn cõn'' (một nghìn nắm xôi).

Sang tháng năm có hội pimày là tết hàng năm của nhân dân Lào (trừ dân tộc Lào Xủng và phần lớn nhân dân Lào Thơng). Ngày hội pimày ở Lào được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Nông dân Lào gọi là hội tháng năm, hội té nước hay hội năm mới. Trên sách báo thường gọi là ''Cútxổngcan pimày'' nghĩa là ngày cuối cùng của năm cũ sắp hết, ngày đầu năm mới sắp đến. Các nhà tu hành gọi là hội té nước Phật. Mỗi cách gọi đều thể hiện được một khía cạnh nhất định về nội dung và ý nghĩa của ngày hội. Suốt mấy thế kỉ qua, ''bun pimày'' vẫn được coi là ngày tết cổ truyền và là một trong những ngày hội lớn ở Lào. Vào dịp ''bun pimày'', các công sở, trường học đều nghỉ ba ngày (ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch hàng năm). Ở nông thôn, ngày tết kéo dài hàng tuần. Tuy được gọi là ngày tết, nhưng nó không phải là một ngày cuối năm, mà đúng vào dịp đầu thời gian chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Bởi vậy, có thể nói ''bun pimày'' là ngày hội chuẩn bị cho lao động - đợt lao động khẩn trương và kéo dài nhất trong một năm.

Hình thức vui chơi rầm rộ đặc biệt của ngày “bun pimày” là tục té nước cho nhau. Trước ngày ''bun'', nhà nào cũng lấy nước để rửa sạch nhà cửa, đồ dùng trong nhà để tống tiễn năm cũ (xẳng khảu luổng) và đón mừng năm mới (xẳng khảu khựu).

Mở đầu ngày ''bun pimày'' là lễ té nước cho Phật, tăng lữ, những người già có uy tín trong bản làng. Sau đó, không phân biệt già trẻ, gái trai, sang hèn, thân sơ (trừ các vị tăng lữ), mọi người có thể chúc mừng nhau bằng gáo nước lạnh. Trong mấy ngày hội ''pimày'', nếu ra đường không được ai té nước thì suốt năm ấy coi như sẽ gặp nhiều điều không may. Bởi thế, khi được té nước, họ thường đứng lại, hân hoan đón nhận gáo nước mát mẻ đầu năm đầy tình nghĩa.

Tục té nước trong những ngày ''bun pimày'' xuất phát từ ý niệm nước đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho con người. Tưới nước cho nhau rộng rãi còn là nguyên nhân của thời tiết. Từ bao đời nay, hơn 90% nhân dân Lào sống bằng nghề nông, tục tưới nước phải chăng là sự cầu mong mưa nắng thuận hoà. Nói cách khác ''bun pimày'' là ngày hội cầu đảo lớn trong cả nước.

Về mặt tôn giáo, tục té nước trong ngày hội còn có ý nghĩa thanh khiết hoá cuộc sống của con người. Nó là dịp thanh toán mọi cái cũ, ước mong từ con người đến mọi vật đều có sự đổi thay để đón mừng cái mới trong không khí mát lành. Các tín đồ đạo Phật cho rằng trong cuộc sống, mỗi người không thể không có những ''môn thin'' (điều dở). Sang năm mới cần được tẩy rửa cho trong sạch. Nếu mọi người đều rửa sạch ''môn thin'' thì xã hội trở nên lành mạnh. Từ pho tượng trong am đến các vị tăng lữ trước khi phong chức cũng cần rửa sạch ''môn thin''.

Xế chiều ngày cuối cùng của ''bun pimày'', toàn bộ tín đồ trong bản mường rủ nhau ra sông lấy cát về đắp những ngọn tháp quanh gốc cổ thụ, những bản làng gần sông suối có thể tập trung ngay bãi cát ven sông. Trên đỉnh tháp, các tín đồ cắm cờ đuôi nheo và giăng chỉ ngũ sắc. Tăng lữ đến đọc kinh, cầu nguyện cho mọi người sang năm mới sẽ có nhiều phúc đức như những hạt cát trên các ngọn tháp. Kết thúc là vui chơi tập thể. Trên sân chùa, dưới bản, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã ngân vang hoà lẫn tiếng reo hò náo nhiệt kéo dài suốt đêm.

Trong dịp ''bun pimày'', một số địa phương có tục tổ chức ''phõn nang meo'' (giống lễ  cầu đảo ở một số nước Đông Nam Á). Ở Luông Phabăng, Chămpaxắc thường làm lễ phóng sinh. Nhân dân đem chim, cá, rùa ra đồng hay sông suối thả với niềm tin khi mình vì hạnh phúc của người khác, kể cả động vật, thì hạnh phúc sẽ đến với mình. Người đang lâm bệnh khi làm việc này cũng hi vọng bệnh tình giảm dần.

Bun bẵng phay được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 6 lịch Phật. Tiếng Lào ''bẵng- phay'' có nghĩa là ống lửa. Người Lự ở Lào gọi là ''chi lọt'' và từ này ngày nay gọi là “chạ luột” (tên lửa). Để làm ''bẵng phay'', người Lào thường đi lấy phân dơi đem phơi khô rồi trộn với than. Hai chất này đem phơi khô rồi giã nhỏ gọi là thuốc súng. Những ống tre dày, chắc, được dùi lỗ ở một đầu rồi nhồi thuốc súng vào.

Tết Pimày

Ít có lễ hội nào đánh thức cảm xúc về cuộc sống cộng đồng và tập quán của người dân Lào hơn là Tết Nam mới, tức tết Pimày. Người Lào gọi Pimày là Tết tháng Năm.

Các hora (nhà chiêm tinh) đã lui lại ngày mở đầu của năm mới chính thức vài tháng cốt là để đặt Tết Năm mới vào thời điểm có nhiều điểm tốt hơn. Người ta tin rằng, vào thời điểm này thì những dấu hiệu thiên văn mới là sáng sủa và chỉ sự thịnh vượng. Đây là thời điểm kết thúc mùa khô và bắt đầu mùa mưa đem lại sự sống.

Trước khi lễ hội bắt đầu, mọi nhà đều lau chùi, quét dọn cẩn thận để đuổi ác thần, nhiều chùa chiền và nhà cửa được quét sơn lại.

Trong dịp này, người ta trưng diện những bộ đồ đẹp nhất và đi lễ chùa. Người dân cầu mưa và tỏ lòng tôn kính đối với những pho tượng Phật quan trọng nhất thành phố. Các nhà sư có nhiệm vụ thực hiện nghi lễ tắm rửa các pho tượng bằng nước thiêng. Nước là biểu tượng của sự tẩy uế. Sư tăng và bất kì ai tình cờ đi qua phố đều được tạt những xô nước vào người.

Pimày là một lễ hội rất quan trọng nhưng không mang nặng tính giáo lí. Suốt ngày đêm, thành phố sôi động với những cuộc diễu hành, thi sắc đẹp, các chương trình ca múa nhạc, diễn kịch và hội chợ. Trong ngày lễ Pimày, những thanh niên Lào đi chúc tết gia đình và những người cao tuổi để tỏ lòng kính trọng. Một nghi thức thường diễn ra là: họ quỳ gối khiêm tốn trước những người bề trên, đổ nước thơm lên tay những người đó, và xin họ chúc phúc, nói những lời chúc may mắn cho năm tới.

Nhiều lễ hội ở Lào rất giống với các lễ hội ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Điều làm cho các lễ hội ở Lào trở nên độc đáo là chúng vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên thủy đã bị mất ở những nước khác. Một đặc điểm nổi bật của các lễ hội Lào là chúng ít bị thương mại hóa, giản dị và gần gũi với nguồn gốc vật linh hơn, đồng thời thể hiện mối liên hệ chặt chẽ với những nghi lễ và tập tục tôn giáo thời ki tiền Phật giáo ở vùng đất này.

Lễ Baci

Baci là một lễ hội rất độc đáo của dân tộc Tai và là tâm điểm của văn hóa Lào. Baci được tổ chức để kỉ niệm những sự kiện và những biến cố đặc biệt như kết hôn, sinh đẻ, đón tiếp khách và trở về đoàn tụ với gia đình.

Baci cũng được tổ chức trong các lễ hội và các buổi tiệc tùng trong gia đình. Ở Lào, những người sắp đi tu phải đãi một baci trước khi vào chùa, các bà mẹ hồi phục sau khi sinh, các quan chức đến thăm đâu đó cũng thường được đãi baci. Baci cũng thường được tổ chức cho người bệnh để hi vọng được chữa khỏi.

Người Lào tin rằng có 32 vị thần bảo vệ thân thể, gọi là kwan (vía). Để được sức khỏe dồi dào và bình yên thì phải có sự hiện diện đầy đủ 32 kwan. Bất kì một kwan nào không tồn tại trong cơ thể cũng có thể gây bệnh tật và thậm chí là chết.

Mục đích của baci là nhằm đến thiện chí và lòng hiếu khách, nhưng baci cũng nhằm để phục hồi lại sự cân bằng và hòa hợp cho cá nhân và cho cộng đồng. Lễ baci là để kêu gọi  kwan nào lang thang ở đâu đó quay trở về với thân xác.

Baci thường được chủ trì bởi một người lớn tuổi đáng kính, đôi khi có sự hiện diện của nhà sự. Điểm trung tâm của lễ này là bày biện những bông hoa, những sợi chỉ trắng, lá  chuối và nến gọi là phakwan. Khi những người dự lễ chắp tay trong tư thế cầu nguyện, người chủ tế lên giọng trầm bổng xướng tế, pha trộn tiếng Lào và tiếng Pali, cầu nguyện các vị thần Phật giáo và tín ngưỡng vật linh, đồng thời gọi kwan trở về với thân xác.

Những sợi chỉ trắng được lấy từ cây phak-wan và được buộc quanh cổ tay những người đến dự với lời chúc phúc và chúc may mắn. Những sợi chỉ này không được tháo khỏi tay trong ba ngày liền. Sau buổi lễ, người ta sẽ được đãi một bữa và tiếp theo là màn múa dân tộc lăm vông.

Ai đã từng có may mắn được dự lễ baci, thì đều nhận thấy sự nồng ấm và trang trọng của nghi lễ cổ xưa này, cũng như tầm quan trọng của nó như một sợi dây gắn bó gia đình và xã hội. Với người Lào, baci là một phương cách độc đáo để khẳng định giá trị của cuộc sống.

Lễ hội pháo thăng thiên

Cũng giống như lễ baci, Boun Bang Fay tức lễ hội Pháo thăng thiên là sự pha trộn giữa đạo Phật với tín ngưỡng vật linh của người Lào. Bang có nghĩa là ''ống tre'', và fay là ''lứa''. Lễ hội này theo truyền thống được tổ chức vào ngày rằm tháng sáu âm lịch.

Mục đích của lễ hội là để tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật. Hành hương và làm công đức là một phần quan trọng trong lễ hội này. Nhưng khía cạnh trần tục hơn của lễ hội lại quay về với những nghi lễ cầu phồn thực thời xưa, liên quan đến những quả pháo thăng thiên. Chúng được bắn lên trời như biểu tượng của ước mong trời đổ mưa.

Pháo thăng thiên làm bằng tre, dài khoảng 2m, được bọc bằng giấy bạc và những băng giấy màu sặc sỡ. Những chiếc pháo thăng thiên này được rước qua các đường phố với sự tháp tùng của khene (khèn), trống và ca hát. Quả pháo nào bay lên cao nhất sẽ đem lại cho người chế tạo nó danh dự và uy tín nhiều nhất.

Với du khách thì lễ hội này là dịp may cho họ để được thưởng thức âm nhạc và các vũ điệu của Lào, xem biểu diễn maw lum, một loại nhạc dân tộc truyền thống vừa trần tục vừa khôi hài. Với những người nông dân Lào, lễ hội Boun Bang Fay là cơ hội để thư giãn và nghỉ ngơi trước khi bắt đầu công việc đồng áng nặng nhọc.

Boun Wat Phu, lễ hội Phật giáo diễn ra trong ba ngày, được tổ chức tại ngôi đền này vào ngày rằm của tháng Ba âm lịch. Lễ hội này có nguồn gốc từ tục thờ thần ở miền nam, thoạt đầu được tổ chức để làm vui lòng vị thần bảo vệ Wat Phu bằng cách hiến tế người sống. Ngày nay, nghi thức này được thay bằng hiến tế trâu. Lễ hội này là một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào. Người hành hương kéo đến đây từ khắp các vùng nam Lào và từ những quận láng giềng ở Thái Lan. Những hồ nước ở Wat Phu là nơi diễn ra hội đua thuyền. Người ta trình diễn vũ nhạc, bắn pháo hoa, đua voi và chọi trâu. Những nghi lễ Phật giáo cũng như tín ngưỡng vật linh hoa lẫn với những yếu tố của ấn giáo cũng được diễn ra cùng một lúc.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2953-02-633560265576250000/Van-hoa/Le-hoi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận