LỰC NỔI KỲ DIỆU
Một viên đá rơi xuống nước sẽ nhanh chóng chìm xuống đáy nước. Một cái lá cây rơi xuống ao sẽ nổi bồng bềnh trên mặt ao. Có người cho rằng đó là do viên đá nặng hơn cái lá. Thế nhưng nếu lại đem một khối thép nặng hơn khối đá nhiều lần để chế tạo một chiếc tàu, sao tàu lại không chìm?
Thực ra thì cho dù là chiếc lá, viên đá hay chiếc tàu khi rơi xuống nước đều tuân thủ một qui luật đó là định luật Archimede. Ta có thể dùng thực nghiệm để chứng minh. Trước hết ta lấy một bình đựng nước, lắp ống dẫn và thoát nước. Dùng cân thuỷ tĩnh cân trọng lượng một khối đá móc dưới đĩa cân (đó là trọng lượng thực) sau đó cho một phần khối đá ngập dần vào nước. Ta có thể thấy trọng lượng khối đá cân bằng cân thuỷ tinh giảm đi (trọng lượng biểu kiến). Điều đó chứng tỏ khối đá đã bị lực đẩy từ dưới lên (lực nổi). Sau đó cân lượng nước bị khối đá đẩy ra đã được hứng vào một cốc nhỏ, ta sẽ thấy trọng lượng của khối nước chảy vào cốc chính bằng trọng lượng giảm đi của viên đá. Điều đó chứng minh lực nổi (sức đẩy) bằng trọng lượng khối nước bị đá chiếm chỗ.
Định luật cho ta biết: chiếc lá nổi trên nước chịu lực đẩy bằng trọng lượng của chiếc lá, còn viên đá chịu lực đẩy của nước nhỏ hơn trọng lượng viên đá nên bị chìm xuống nước vì vậy lá nổi, đá chìm. Chiếc tàu có thể tích lớn sẽ chịu lực đẩy bằng trọng lượng của bản thân tàu nên đã nổi trên mặt nước và đi lại trên mặt biển, sông, hồ.
Định luật này cũng ứng dụng được cho các chất khí. Các vật thể ở trong không khí cùng chịu lực đẩy nhưng nhỏ hơn lực đẩy của nước rất nhiều. Khi bạn tắm trong bồn tắm, bạn chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ đáy bồn tắm, toàn thân dễ dàng nói lên và dễ dàng nhận thấy lực đẩy của nước. Khi ở trong không khí nếu bạn dùng tay, bạn khó mà cảm thấy được lực đẩy của không khí.
Lực đẩy mà các vật thể chịu tác dụng khi nhúng vào chất lỏng hay chất khí có liên quan chặt chẽ với mật độ các chất đó. Viên đá chịu lực đẩy trong nước lớn hơn lực đẩy khi nhúng vào rượu vì mật độ của nước lớn hơn mật độ của rượu, ở không xa Địa trung hải có một biển kín gọi là Tử hải (biển chết), nước ở đây rất mặn, hàm lượng muối từ 23 - 25%. Với loại nước mặn này tỉ trọng của nước đã lớn hơn tỉ trọng cơ thể người rất nhiều. Vì vậy khi bơi lội trong Tử hải người ta không chỉ khỏi lo bị chết chìm mà còn có thể nằm ngửa đọc sách thoải mái.