Tài liệu: Một số phương pháp giúp bạn nâng cao khả năng tập trung chú ý

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Dường như tất cả chúng ta đều có chung một thói quen: luôn cho rằng mình đang là trung tâm của mọi sự chú ý nên bất giác chỉ nghĩ về mình, mong muốn hình ảnh của mình thật đẹp và nổi bật
Một số phương pháp giúp bạn nâng cao khả năng tập trung chú ý

Nội dung

Một số phương pháp giúp bạn nâng cao khả năng tập trung chú ý

Học cách không nghĩ về mình

Dường như tất cả chúng ta đều có chung một thói quen: luôn cho rằng mình đang là trung tâm của mọi sự chú ý nên bất giác chỉ nghĩ về mình, mong muốn hình ảnh của mình thật đẹp và nổi bật. Ví dụ: Khi một bạn nào đó quay cóp trong giờ kiểm tra, bạn ấy sẽ luôn cho rằng thầy giáo và những người khác đang chú ý, phê phán mình nên sẽ tự thấy vô cùng xấu hổ. Thực ra, cảm giác đó chỉ là một sự “tự kỷ ám thị” của mỗi người, thái độ và biểu hiện không tự nhiên vì vậy cũng chỉ là sản phẩm, là kết quả của sự ảo tưởng. Mỗi người đều có một công việc, nhiệm vụ riêng cần phải hoàn thành, họ cũng không có thời gian và công sức để lúc nào cũng tập trung chú ý vào duy nhất một người nào đó. Và cho dù mọi người có tập trung sự chú ý vào bạn thì cũng không có gì và đáng sợ cả. Phương pháp giúp bạn khắc phục cảm giác sợ hãi, lo lắng này chính là học cách không nghĩ về mình; hay nói cách khác, bạn phải “quên mình” đi để tập trung sự chú ý vào những công việc, nhiệm vụ mà mình đang phải hoàn thành. Một người thật sự chuyên tâm làm việc sẽ không bị ảnh hưởng tác động bởi môi trường, hoàn cảnh xung quanh và cũng không vì thế mà cảm thấy sợ hãi.

Điều quan trọng là phải tự tin

Sự tự tin là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến việc bạn có thể tập trung chú ý vào công việc của mình hay không. Bạn hãy bình tĩnh lại, tin rằng mình có thể tập trung chú ý được và chuyên tâm nghe giảng để đạt được kết quả học tập tốt nhất. Hãy thường xuyên tự nhủ: “Mình có thể tập trung để nghe giảng một cách tốt nhất”. Nếu không thật sự tự tin, bạn sẽ không thể chắc chắn rằng mình có thể tập trung chú ý được và nó sẽ khiến bạn nhanh chóng gặp thất bại.

Mệt mỏi là kẻ thù lớn nhất của khả năng tập trung chú ý

Liên tục làm việc gì đó trong thời gian dài, thức đêm để đọc sách, lên mạng,... đều khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Những lúc đó, bộ não sẽ làm việc kém hiệu quả, ít hưng phấn và bạn sẽ khó mà tập trung chú ý vào bất cứ việc gì. Một tài xế lái xe trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, mất tập trung thì sẽ vô cùng nguy hiểm thậm chí có thể gây ra tai nạn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình học tập, các bạn cần cố gắng giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo, trạng thái cơ thể khỏe mạnh bởi chỉ có như vậy, bạn mới có khả năng tập trung cao độ vào bài học của mình để đạt được những kết quả tốt nhất.

Tâm trạng vui vẻ có lợi cho khả năng tập trung chú ý

Tâm trạng thoải mái hoặc sự liên tưởng đến sự vật, hiện tượng vui vẻ sẽ rất có lợi cho khả năng tập trung chú ý của bạn. Một số bạn nghiên cứu sinh khi nghĩ tới thành quả mà mình sắp đạt đến là học vị thạc sĩ, tiến sĩ danh giá sẽ cảm thấy phấn chấn, có hứng thú và tập trung tốt hơn cho học tập. Vì vậy, bạn hãy cố gắng luôn hướng mình đến những suy nghĩ tích cực và có một tâm trạng vui vẻ, thoải mái để có thể tập trung tốt hơn cho học tập và công việc, đạt được những thành tích tốt nhất.

Sự bình tĩnh cũng rất có ích cho khả năng tập trung chú ý

 Tâm trí bình tĩnh; tinh thần, cảm xúc ổn định sẽ giúp mọi người kiểm soát được trạng thái tâm lý của mình, dễ dàng tập trung sức lực để hướng tới mục tiêu đã định. Vì vậy, trước khi cần tập trung chú ý, bạn cần cố gắng để tâm trí bình tĩnh, ổn định trở lại. Câu hỏi đặt ra là, phải làm như thế nào mới có thể bình tĩnh, ổn định tâm lý? Một số gợi ý dưới đây sẽ rất có ích cho bạn trong việc này:

- Hít thở sâu: Bạn hãy ngồi im tại chỗ, nhắm hờ hai mắt và hít thở thật nhẹ nhàng, chậm rãi, tốc độ thở ra càng chậm càng tốt, sau đó lại từ từ hít vào. Lặp lại động tác hít thở trên nhiều lần, tâm trí của bạn sẽ bình tĩnh, ổn định trở lại, có thể loại bỏ những việc không có liên quan ra khỏi đầu óc và tập trung tốt hơn vào công việc, nhiệm vụ chính của mình.

- Ngồi tĩnh tại: Bạn hãy ngồi im tại chỗ, không suy nghĩ đến bất kỳ chuyện gì, hướng mắt xuống dưới quan sát mũi và miệng của mình. Giữ nguyên tư thế đó trong vòng nửa phút, bạn sẽ dần đạt tới trạng thái bình tĩnh, tịnh tâm với một trạng thái tinh thần ổn định. Những lúc như vậy, kết quả học tập của bạn sẽ tốt hơn bình thường rất nhiều, suy nghĩ vấn đề sâu sắc hơn. Một số người còn nói rằng đây là cách tốt nhất giúp bạn phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân.

- Chuyển dịch mục tiêu: Bạn hãy quan sát một vật gì đó thật tỉ mỉ về hình dạng, kích thước, màu sắc, vật liệu và những đặc điểm nổi bật nhất của đồ vật đó. Sau đó bạn nhắm mắt lại, tưởng tượng đến sự vật mà mình vừa quan sát rồi lại mở mắt ra, quan sát sự vật thêm một lần nữa để xem những gì mình tưởng tượng có đúng với vật mẫu hay không. Lúc đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng, những suy nghĩ vớ vẩn vốn tồn tại trong đầu bạn đã bị cuốn bay đi hết, bạn sẽ trở nên bình tĩnh và sẵn sàng cho những công việc mới.

- Hồi tưởng: Trước giờ lên lớp, bạn hãy dành 2 phút ngồi tại chỗ để nhớ lại nội dung chính của bài học lần trước. Những vấn đề cần quan tâm là gì? Bạn hiểu rõ được bao nhiêu phần trăm trong nội dung đó? Những suy nghĩ như thế này sẽ hướng bạn tập trung tốt hơn vào nội dung bài học sắp tới.

- Lắng nghe: Bạn hãy tập trung tinh thần để lắng nghe chỉ một âm thanh nào đó đang phát ra nhưng không nghe các âm thanh còn lại. Khi âm thanh mà bạn đang lắng nghe ngày càng nhỏ dần thì sự chú ý của bạn cũng ngày càng tập trung hơn. Luyện tập nhiều lần như vậy, bạn sẽ có khả năng tập trung tốt hơn vào công việc chính của mình.

- Tự thưởng: Mỗi người đều có trí tưởng tượng của mình. Trước khi học hay làm một việc gì đó, chúng ta thường nghĩ đến việc sẽ đạt được điều gì sau khi hoàn thành xong công việc. Ví dụ: Sau khi học bài xong sẽ được đi chơi, sau khi hoàn thành xong kế hoạch tháng sẽ được thưởng,... Qua sự tưởng tượng đó, chúng ta sẽ động viên mình hãy cố gắng hơn nữa để làm thật tốt công việc, tập trung chú ý hơn vào nhiệm vụ của mình.

Môi trường yên tĩnh có lợi cho khả năng tập trung chú ý

Một môi trường hỗn độn, lộn xộn sẽ rất dễ khiến bạn phân tán sự chú ý tập trung của mình. Vì khó mà tránh khỏi được những ảnh hưởng, tác động của môi trường xung quanh nên việc tự bồi dưỡng khả năng chống lại những yếu tố gây nhiễu đó là vô cùng cần thiết. Điều bạn cần chú ý khi tự bồi dưỡng cho mình khả năng này là tất cả những yếu tố gây nhiễu ở cả bên ngoài và bên trong (sự lộn xộn trong suy nghĩ của bản thân) cũng đều phải được ngăn chặn triệt để. Sự yên tĩnh trong tâm hồn thậm chí còn quan trọng hơn cả sự yên tĩnh của môi trường, hoàn cảnh bên ngoài chỉ có thể khiến bạn phân tán tập trung chú ý khi chúng biến thành những yếu tố gây nhiễu từ bên trong. Một tiến sĩ tâm lý học đã từng nói: “Chính những phiền toái, cáu giận sẽ làm phân tán khả năng tập trung chú ý của mỗi chúng ta. Và càng cáu giận, bạn sẽ càng dễ mất tập trung hơn, giống như việc bạn đang đổ thêm dầu vào lửa vậy. Điều bạn cần làm lúc này là bình tĩnh, tự kiềm chế suy nghĩ, cảm xúc của mình”. Năng lực tự kiềm chế và quản lý bản thân chiếm một vị trí tương đối quan trọng trong quá trình bồi dưỡng, rèn luyện khả năng tập trung chú ý của mỗi người.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4192-02-633706389720035000/Nam-bat-thoi-co-vang-de-hoc-tap-nang-cao-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận