Tài liệu: Malaysia - Các dân tộc ở malaysia

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Malaysia và một đất nước hỗn hợp về mặt dân tộc. Trên đất nước này có gần 70 nhóm dân tộc khác nhau,
Malaysia - Các dân tộc ở malaysia

Nội dung

CÁC DÂN TỘC Ở MALAYSIA

            Malaysia và một đất nước hỗn hợp về mặt dân tộc. Trên đất nước này có gần 70 nhóm dân tộc khác nhau, tuy nhiên trong số đó có những nhóm chính: người Malay, người Hoa và người Ấn chi phối vùng bán đảo Malaysia; trong khi đó ở Sabah và Sarawak (hai bang ở phía Đông, trên đảo Borneo) có người Kadazan, người Dayak và người Iban. Malaysia phong phú về văn hóa và tôn giáo với những ảnh hưởng về truyền thống, lễ hội, ẩm thực, thời trang và kiến trúc.

            Phân loại một cách chính thức thì các dân tộc ở Malaysia được chia thành hai nhóm: Bumiputra (con của đất) và Phi Bumiputra. Trong nhóm Bumiputra có người Malay và người Orang Asli (người nguyên thủy). Trong nhóm Phi Bumiputra có người Ấn và người Hoa.

            Người Orang Asli

            Trước khi người Malay đến đây, có lẽ và khoảng hai ngàn năm trước, bán đảo Malaya có những người du cư chuyên hái lượm và săn bắn và những bộ tộc làm rẫy theo kiểu du canh. Nhóm người lâu đời nhất là người Semang, gần đây vẫn còn sống du mục trong vùng rừng sâu ở phía Bắc.

            Nhóm người Orang Asli đông nhất gọi là người Senoi, có dân số khoảng 40.000 người. Về ngoại hình họ khác với người Semang, với chiều cao nhỉnh hơn, nước da trắng hơn và tóc dợn sóng. Lối sống của họ cũng khác, với cách làm rẫy luân canh, đánh cá, bẫy và săn thú và hái lượm. Ngày nay người Senoi cũng trồng cao su, trái cây và cô ca, và nhiều người đã hòa nhập theo lối sống Malaysia.

            Khác với người Senoi ở thổ ngữ Malay, người Orang Asli ở Melaka, Negeri Sembilan và miền Nam Johor còn được gọi là người Proto-Malay và có lẽ cũng có cùng tổ tiên xa với người Malay.

            Có những nhóm như nhóm Orang Kanak ở bờ biển phía Tây của Johor chỉ có vỏn vẹn 40 người, và nhóm đông hơn là Orang Seletar ở vùng eo biển Johor, là con cháu của người Orang Laut, những ‘người của biển’ đã thành lập hải quân đầu tiên của vương quốc Melaka và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử khu vực.

            Trong số tất cả các dân tộc ở vùng bán đảo, người Orang Asli là chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sự tiến bộ. Trong khi nhiều dân tộc khác vẫn sống ở bìa rừng và tiếp tục săn bắt và hái lượm, những người trẻ Orang Asli đã được học hành và đang hướng ra thế giới bên ngoài với nhiều cơ hội và sự chọn lựa trong việc làm.

            Người Malay

            Việc theo đạo Hồi là điều không thể tách rời đối với người Maly. Mặc dù Hồi giáo bắt nguồn từ Ả Rập Saudi, người Malay không công nhận tất cả các giá trị văn hóa của người Ả Rập. Do đó có sự khác biệt trong việc theo đạo, giữa một bên là 'đạo Hồi vùng sa mạc' và một bên là 'đạo Hồi vùng nhiệt đới' .

            Mặc dù Hồi giáo là tôn giáo chính của người Malay từ hơn 500 năm nay, vẫn còn sót lại những tập tục của đạo Hindu trong văn hóa của họ. Những người Hồi giáo ở Malaysia hòa nhập cuộc sống của họ với những tôn giáo khác ở đây: đạo Phật, đạo Hindu, đạo của người Sinh, đạo Animis và đạo Thiên chúa.

            Những lễ hội của người Hồi giáo thay đổi theo dương lịch, vì lịch Hồi giáo theo mặt trăng (như kiểu Âm lịch của người Hoa) và có chu kỳ 30 năm (chu kỳ của Âm lịch là 60 năm). Tất cả 12 tháng trong năm đều được đặt tên theo tiếng Ả Rập.

            Người Hồi giáo có nhiều lễ hội. Lễ hội lớn nhất của họ là Hari Ray Haji. Trong dịp này người ta đi hành hương về Mecca, thánh địa của Hồi giáo. Tháng Ramadan cũng rất quan trọng với người Hồi giáo, là tháng người ta ăn chay. Trong tháng chay này người theo đạo chỉ được ăn vào buổi tối. Việc hút thuốc, quan hệ tình dục và nói chuyện gây gổ bị cấm trong thời gian chay tịnh ban ngày. Trong dịp này người ta làm những món ăn ngon nhất, mặc những loại quần áo đẹp nhất.

            Người Hoa

            Phần lớn người Hoa đến Malaysia vào thế kỷ thứ 19, do chiến tranh hoặc để tìm một cuộc sống mới. Thoạt đầu họ làm công nhân trong các mỏ thiếc hoặc buôn bán. Đầu tiên người Hoa định cư ở Penang, nhưng sau đó họ mở rộng địa bàn sang các bang khác. Về sau người Hoa sống chủ yếu bằng buôn bán hoặc công nghiệp.

            Người Hoa thờ tổ tiên, theo đạo Phật, đạo Khổng hoặc đạo Thiên chúa. Trong mỗi gia đình người Hoa đều có bàn thờ sơn đỏ. Những ngôi chùa của người Hoa với mô típ truyền thống rải rác khắp nơi tiên đất Malaysia.

            Các lễ hội chính của người Hoa ở Malaysia có ngày năm mới và ngày lễ Phật Đản

            Người Ấn Độ

            Người Ấn đầu tiên đến bán đảo Malaysia là để buôn bán vải vóc và gia vị. Họ rất thành công và một số theo Hồi giáo, số còn lại theo đạo Hindu Tamil. Trong số cộng đồng những người Ấn đầu tiên này, ngày nay chỉ còn lại một số ít. Họ theo phong tục Malay, kể cả ngôn ngữ, thực phẩm và cách ăn mặc.

            Khi người Anh cai trị ở Malaya, cuộc nhập cư lớn bắt đầu. Đầu tiên là những công nhân Tamil từ miền Nam Ấn Độ được đưa sang để làm đường hoặc làm việc trong các đồn điền trồng trà. Sau đó người ta tuyển công nhân từ Ấn Độ đến đây làm việc tự do trong các ngành công nghiệp cao su và dầu cọ.

            Những hậu duệ của họ nhiều người rất thành công trong nhiều lĩnh vực ở Malaysia. Ngày nay người Ấn chiếm khoảng 10% dân số Malaysla, trong số đó 80% là người Hindu, còn lại là người Tamil, Sikh và Malayalee.

            Những lễ hội của người Ấn cũng theo lịch riêng của họ. Lễ hội Panguni Utthiram, còn gọi là Lễ hội Đám cưới, là ngày Chúa Siva lấy nữ thần Meenakshi. Lễ hội cũng kỷ niệm ngày Chúa Subramanya lấy Theivanai. Trong ngày này người ta rước tượng thần trong các đường phố. Ngày năm mới thay đổi theo từng sắc tộc, từ người Bengali đến người Sikh và người Tamil đều có những ngày năm mới khác nhau. Ngoài ra còn có lễ hội Thaipusam, lễ hội Ponggal.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1997-02-633471486123437500/Van-hoa-xa-hoi/Cac-dan-toc-o-malaysia.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận