Tài liệu: Nước Đức - Cải cách giáo dục

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, môi trường dạy học cũng như việc kèm cặp luyện thi cho từng học sinh,
Nước Đức - Cải cách giáo dục

Nội dung

Cải cách giáo dục

            Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, môi trường dạy học cũng như việc kèm cặp luyện thi cho từng học sinh, đã có những kế hoạch học tập cả ngày dành cho học sinh. Trong giai đoạn 2003-2007 Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Đức đã để ra số kinh phí 4 tỉ Euro để chi tiêu cho các phương tiện học tập cả ngày ở các trường tiểu học và trường trung học phổ thông giai đoạn 1. Chính quyền trung ương và các bang phải thỏa thuận với nhau trong việc đưa ra các chuẩn mực giáo dục được công nhận trong cả nước. Trong các chuẩn mực này có cả các kỹ năng chuyên biệt của các môn học mà các trường phải đào tạo cho học sinh nhằm giúp đạt được mục tiêu tập trung hóa giáo dục. Những điều này phải được đánh giá qua các kỳ thi để xác định xem hệ thống giáo dục có thực hiện đúng chức năng của nó chưa.

Giáo dục hướng nghiệp

            Hệ thống kép

            Cho đến nay đại đa số các thanh niên ở Đức - chiếm khoảng 70% những người tốt nghiệp trung học - được học một ngành nghề được nhà nước công nhận, trong một hệ thống đào tạo hướng nghiệp gọi là hệ thống kép. Trong hệ thống này các kiến thức lý thuyết được học ở nhà trường và việc đào tạo thực hành được thực hiện ngay tại nơi làm việc hoặc bằng các phương tiện đào tạo đặc biệt. Sự kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành này đảm bảo một chất lượng cao được quốc tế công nhận đối với những thợ thủ công và những công nhân chuyên nghiệp.

            Những nghề nghiệp được đào tạo theo hệ thống kép được quyết định theo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương, các bang, các cơ sở công nghiệp và các đoàn thể của công nhân. Nội dung đào tạo được hướng theo yêu cầu của thị trường lao động, và các kiến thức lý thuyết mở rộng sẽ đảm bảo cho những thanh niên này có một khả năng cơ động cao trong nghề nghiệp của họ.

            Tùy theo từng ngành nghề, việc đào tạo sẽ kéo dài trong thời gian từ 2 đến 3 năm. Các cơ sở đào tạo trả một khoản phụ cấp cho học viên. Hệ thống kép này được tài trợ bởi các công ty và chính quyền của bang. Hệ thống kép này khác với việc giáo dục hướng nghiệp ở nhiều nước khác: việc học trong tuần sẽ chiếm từ 3 đến 4 ngày ở công ty và từ 1 đến 2 ngày ở trường hướng nghiệp.

            Việc đào tạo hướng nghiệp ở các cơ sở được thực hiện trong các điều kiện được kiểm soát chặt chẽ và với những máy móc và thiết bị hiện đại. Những cơ sở lớn đào tạo học viên tại các phân xưởng và ngay tại nơi làm việc. Các học viên ở những cơ sở nhỏ hơn được đào tạo trực tiếp trong công việc của họ. Các cơ sở được chuyên môn hóa cao độ để có thể truyền đạt tất cả những kiến thức cần thiết sẽ được hỗ trợ bởi những trung tâm đào tạo liên công ty.

            Nhiệm vụ của việc giảng dạy tại trường hướng nghiệp là hỗ trợ cho việc đào tạo trực tiếp trong công việc với sự cung ứng những kiến thức đặc biệt và mở rộng kiến thức phổ thông cho các thanh niên. Hai phần ba khối lượng nội dung giảng dạy tại trường tập trung vào việc đào tạo chuyên ngành, và một phần ba tập trung vào giáo dục phổ thông. Trong năm 2002 có 1,8 triệu thanh niên đến học tại các trường loại này. Những người đước 18 tuổi chưa thể ký các hợp đồng đào tạo nhưng theo yêu cầu của luật định phải tham gia các lớp bán thời gian cũng có thể dự học ở các trường hướng nghiệp này.

            Hệ thống kép này luôn luôn được nâng cấp để có thêm nhiều ngành nghề mới và chương trình đào tạo hiện đại hóa đối với những ngành nghề đã có. Trong những năm vừa qua, những nghề mới cần có sự đào tạo đã phát triển đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đa truyền thông.

            Nội dung đào tạo hướng nghiệp hiện nay có khoảng 350 ngành nghề được công nhận, có liên quan với 600.000 cơ sở thuộc đủ các lĩnh vực kinh doanh, của nhà nước cũng như của tư nhân. Có một điểm nổi bật là có đến trên 50% nam học viên và trên 70% nữ học viên chọn lựa chỉ trong vòng 20 nghề thuộc 355 nghề đòi hỏi phải có sự đào tạo.

            Những ngành nghề sau đây là phổ biến nhất đối với các nam học viên: cơ khí ô tô, thợ sơn và trang trí, thợ điện và nhân viên bán lẻ. Trong khi đó các nữ học viên đăng ký học nhiều nhất ở các nghề: nhân viên thương mại, nhân viên bán lẻ, thợ làm tóc và phụ tá bác sĩ và nha sĩ.

            Đào tạo Sau Hướng nghiệp

            Ngày nay việc hoàn tất một khóa học hướng nghiệp chưa phải là kết thúc quá trình học hỏi. Có rất nhiều cơ sở cung ứng những cơ hội cho học viên được đào tạo sâu hơn nữa. Hơn một nửa các khóa đào tạo sau hướng nghiệp được tổ chức và tài trợ bởi các công ty. Hình thức đào tạo này được hỗ trợ bởi một dải rộng các tổ chức liên công ty và phi công ty. Phòng Thương mại và Công nghiệp cũng như các hiệp hội kinh doanh và các cơ sở đào tạo đã tạo cơ hội cho việc đào tạo sau hướng nghiệp và tổ chức các kỳ thi để lấy các chứng chỉ chuyên ngành.

            Vào tháng Giêng năm 2002 một đạo luật mới đã được ban hành, ''Đạo luật Hỗ trợ Đào tạo Liên bang cho Thợ cả''. Những công nhân lành nghề muốn được đào tạo thêm sẽ được hỗ trợ giống như các sinh viên. Trong những năm sắp tới, chính quyền trung ương và các bang sẽ để ra thêm 45 triệu Euro để đầu tư vào công tác đào tạo này.

            Có rất nhiều người lớn tham dự vào chương trình đào tạo bổ sung này. Trong năm 2000, người ta thống kê số công nhân trong độ tuổi từ 19 đến 64, trong đó cứ 10 người thì đã có 4 tham dự vào một chương trình đào tạo loại này. Tính theo số lượng thì có 21,4 triệu người theo học các khóa học này, trong đó 14,4 triệu người học các chương trình đào tạo sau hướng nghiệp có liên quan đến ngành nghề của họ.

            Giáo dục Người lớn

            Công việc hàng ngày không phải là lĩnh vực duy nhất mà các kiến thức đã có ngày càng trở nên lạc lậu một cách nhanh chóng. Vì lý do đó việc đào tạo bổ túc theo ý nghĩa học hỏi cả đời đã trở nên ngày càng quan trọng để giúp người học hiểu thêm về những phát triển chung về chính trị và văn hóa.

            Ở Đức có rất nhiều cơ sở và tổ chức liên quan đến công tác giáo dục bổ túc. Các trường giáo dục người lớn, trong đó có khoảng l.000 trường có chương trình giáo dục cơ bản về kiến thức phổ thông, chính trị, văn hóa và đào tạo liên quan đến nghề nghiệp. Thường thì những cơ sở này là những trung tâm giáo dục bổ túc do chính quyền địa phương điều hành.

            Những tổ chức quan trọng nhất về giáo dục sau hướng nghiệp là các công ty. Những đơn vị này đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo tại phân xướng và cùng với các tổ chức giáo dục bổ túc liên công ty tiếp tục giáo dục cho công nhân của họ.Những học viện giáo dục bổ túc tư thục và thương mại tỏ ra rất năng động trong việc đào tạo liên quan đến nghề nghiệp, với các chương trình đào tạo về vi tính, ngoại ngữ. Các cơ sở giáo dục người lớn của tôn giáo thì tập trung vào các vấn đề đạo đức liên quan đến đời sống hàng ngày như việc nuôi dạy con cái, việc đi học, những vấn đề gia đình, y tế và các mối quan hệ. Các trường đại học, các học viện và cơ sở học thuật thì tập trung vào những chủ đề liên quan đến khoa học trong giáo dục bổ túc. Các nghiệp đoàn thì đặt trọng tâm vào việc giúp người ta có thể tham gia vào sinh hoạt chính trị và đại diện cho quyền lợi của công nhân trong các công ty. Các tổ chức từ thiện quan tâm đặc biệt đến việc truyền bá những kiến thức và kỹ năng phục vụ cho công tác xã hội, y tế và phát triển.

            Những bài học về giáo dục bổ túc không bị qui định bởi thời gian hay địa điểm học đã được cung ứng bởi khoảng 215 học viện tư thục về giáo dục từ xa. Những học viện này tập trung vào việc giáo dục bổ túc về kiến thức phổ thông cũng như đào tạo sau hướng nghiệp. Việc học tập ở đây có nhiều hình thức như thực tập nghề nghiệp theo kiểu cổ điển, các buổi hướng dẫn, các tài liệu để học viên có thể tự học theo tốc độ của mình, và ngày nay còn có một hình thức mới hơn nữa là học tập theo dạng điện tử.

            Các trung tâm của liên bang và của từng bang về giáo dục chính trị cũng như các cơ sở có mối liên quan mật thiết với các chính đảng cũng có một dải rộng những chương trình giáo dục bổ túc, tập trung vào những vấn đề chính trị hiện nay và những vấn đề cơ bản của một đất nước dân chủ. Các học viện liên bang về giáo dục văn hóa, âm nhạc và và các trường nghệ thuật dành cho thanh niên, các trung tâm văn hóa-xã hội và nhiều cơ sở khác về giáo dục văn hóa đã có các chương trình giáo dục bổ túc về tất cả các lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Các thư viện, nhà bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hát và tiệm sách cũng góp phần xúc tiến và đáp ứng cho các nhu cầu học tập.

            Qua các chương trình truyền thanh và truyền hình, mạng lưới phát sóng đã giúp phổ biến các thông tin về giáo dục và văn hóa. Học viện Giáo dục Người lớn Đức quốc được chú ý đặc biệt nhờ vào sự phát triển, chất lượng và bản chất chuyên môn về giáo dục người lớn ở cấp độ liên bang. Với tư cách là một học viện khoa học, cơ quan này đã tổ chức công tác giáo dục người lớn, vốn nối liền giữa khoa học và thực hành, cung ứng cơ sở cho những nghiên cứu thực tiễn và tiến hành những hoạt động phát triển nổi bật về mặt học thuật.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1975-02-633469633132343750/Giao-duc/Cai-cach-giao-duc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận