Các mô hình theo vùng
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của ngành trồng trọt Pháp là tính đa dạng. Điều này khiến ta rất khó chia Pháp thành các vùng nông nghiệp. Tuy vậy, nếu đi khắp đất nước, ta thấy nổi rõ một số mô hình theo vùng. Nhìn chung, phía Bắc có nhiều đất trồng trọt hơn, còn phía Nam và phía Đông có nhiều đồng cỏ.
Dựa trên các sản phẩm ưu thế, ta có thể chia Pháp thành 5 vùng nông nghiệp. Các vùng này rất rộng và mỗi vùng lại có nhiều kiểu khác nhau. Ví dụ, vùng ''chủ yếu chăn nuôi gia súc'' bao gồm cả chăn nuôi bò tập trung trên vùng đất Normandie màu mỡ và chăn thả cừu tràn lan trên vùng đất khô cằn của dãy Massif Central. Tại vùng nông nghiệp hỗn hợp, nho được trồng rộng rãi và thậm chí trở thành sản phẩm chính của địa phương, ví dụ như ở Burgundy, bắc Dijon.
Diện tích trung bình của các trang trại cũng thay đổi đáng kể theo vùng. Nhìn chung, tại các vùng canh tác chủ yếu như bồn Paris, các trang trại rộng hơn, còn tại vùng núi và các vùng phía nam, như các huyện trồng rau xứ Provence và chăn thả cừu xứ Basque Tây – Nam Pháp, các trang trại nhỏ hơn. Mặc dù gần đây quy mô của các trang trại lớn hơn nhưng tại nhiều vùng vẫn còn các trang trại nhỏ truyền thống mang tính gia đình. Tuy nhiên, những sức ép về mặt thương mại khiến các trang trại truyền thống ngày càng khó khăn.
Các nông phẩm xuất khẩu hàng đầu tính theo giá trị
| % trong tổng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu |
1. Rượu vang 2. Lúa mì 3. Đồ uống 4. Pho mát | 15,4% 5,8% 5,7% 5,5% Nguồn: FAO |
Đấu tranh chống toàn cầu hóa ở Languedoc
Đoạn trích từ báo dưới đây cho chúng ta thấy một ví dụ cụ thể về sức ép thương mại đối với cộng đồng truyền thống ở Aniane, một ngôi làng miền Languedoc-Roussillon: Tờ Người Bảo vệ, ngày 18/5/2001.
“Gã khổng lồ trong ngành sản xuất rượu vang người California Robert Mondavi vừa rút lui khỏi một dự án lạ thường: sản xuất vang đỏ cao cấp ở miền Nam nước Pháp. Trước đó, nhà máy rượu Mondavi đã đạt được một thỏa thuận chuyển 50 hécta rừng sườn đồi tự nhiên thuộc làng Aniane thành vườn nho để sản xuất thứ rượu vang Laguedoc tuyệt hảo. Công ty dự định đầu tư 5,5 triệu USD vào việc cải tạo đất và gieo trồng, hiện đại hóa hợp tác xã sản xuất rượu vang lạc hậu của Aniane, xây dựng nhà xưởng, thiết bị bảo quản công nghệ cao và liên kết với 25 người trồng nho địa phương để sản xuất và bán 240.000 chai rượu một năm.
Hội đồng làng, quan chức vùng và hầu hết người trồng nho địa phương ban đầu đều hoan nghênh dự án của Mondavi. Tất cả đều thấy đây là cơ hội dể quảng bá hình ảnh của rượu vang Languedoc và xây dựng một thương hiệu quốc tế thực sự. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường địa phương và giới vận động hành lang lại phản đối. Họ cho rằng dự án sẽ phá hủy hệ sinh thái duy nhất còn nguyên vẹn của vùng sườn đồi Arboussas bên ngoài Aniane, đồng thời tạo ra tình trạng cạnh tranh khốc liệt cho người trồng nho trong vùng vốn hầu hết có vườn nho nhỏ”.
Bretagne: một câu chuyện thành công trong nông nghiệp
Cho đến những năm 1970, Bretagne vẫn là một vùng đất của các trang trại nhỏ truyền thống và có nền kinh tế nông thôn sa sút. Lĩnh vực duy nhất phát triển là cung cấp rau tươi đầu mùa cho các chợ đô thị. Ngày nay, 5 tỉnh Đông Bắc Pháp đã trở thành một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất đất nước.
Từ chỉ đạt 6% sản lượng nông nghiệp vùng, đến năm 1997 Bretagne sản xuất 14% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp quốc gia. Đây là vùng sản xuất sản phẩm từ vật nuôi nhiều nhất ở Pháp và cung cấp 25% lượng rau tươi. Sự thay đổi đáng kể này có được là nhờ sự hỗ trợ tài chính từ hai nguồn chủ yếu: các khoản trợ cấp của Chính sách Nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu; các khoản đầu tư của chính phủ Pháp nằm trong số các chính sách kế hoạch hóa nhằm hồi phục các vùng đang suy thoái.
Hỗ trợ tài chính đã thu được các kết quả chủ yếu sau:
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt, nên đi đến các thành phố thuận lợi hơn.
- Hình thành các nhà máy chế biến lương thực thực phẩm và các lò mổ hiện đại, nhờ đó nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất.
- Các hợp tác xã địa phương được thiết lập để cải thiện hoạt động marketing.
- Các chủ trang trại lớn tuổi được hỗ trợ tài chính để nghỉ, tạo điều kiện hình thành các trang trại lớn hơn.
- Gộp các cánh đồng rộng lại, tạo thành các lô đất rộng lớn và hiệu quả hơn.
- Sử dụng thức ăn gia súc nhiều hơn, nhất là ngô, để tăng năng suất của đàn gia súc.
- Những người làm vườn cung ứng cho thị trường ở rìa phía nam và phía bắc Bretagne đầu tư nhiều hơn vào nhà kính trồng rau, đường ống nhựa và hệ thống tưới tiêu.
Sự thay đổi dọc theo bờ biển Địa Trung Hải
Chuyên môn hóa các trang trại là một phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp Pháp. Tuy nhiên, tại một số nơi, hiện đại hóa lại dẫn tới xu hướng đa dạng hóa. Miền duyên hải Địa Trung Hải là một ví dụ điển hình.
40 năm trước, vùng đồng bằng ven biển Languedoc-Roussillon là một trong những vùng nghèo nhất nước Pháp. Các trang trại nhỏ (hầu hết rộng chưa tới 5 hecta), manh mún và chủ yếu trồng nho cho loại rượu vang chất lượng thấp. Tại một số nơi, trồng nho trở thành một hình thức độc canh. Với chính sách Nông nghiệp chung và hỗ trợ của chính phủ Pháp, vùng trồng nho thu nhỏ lại, chất lượng nho được nâng lên và nhiều loại cây mới được canh tác. Xây dựng hệ thống kênh đào và đường dẫn nước phục vụ cho tưới tiêu.
Nguồn nước dồi dào và khí hậu ôn hòa khiến số lượng vườn cây ăn quả và vườn rau tăng mạnh. Các trang trại nhỏ lẻ vẫn là một vấn đề, song người ta đã thành lập các hợp tác xã để mua, bán và tiếp thị hiệu quả hơn. Đường cao tốc giúp đi lại dễ dàng đến các thị trường thành phố khắp nước Pháp. Nho vẫn được trồng nhiều và vùng này sản xuất 30% lượng rượu vang của Pháp, nhưng quang cảnh đã thay đổi.
Trước đây, châu thổ sông Rhône, được biết đến với các tên Camargue, là khu vực đầm lầy chủ yếu chi chăn nuôi gia súc. Đến nay, hệ thống thoát nước quy mô lớn giúp mở rộng diện tích trồng lúa và các bãi chăn thả. Các chủ trang trại nuôi cừu vùng đồi Garrigues ở rìa vùng đồng bằng ven biển thường phải lùa đàn cừu của họ lên dãy núi gồ ghề Cévennes suốt mùa hè. Những thay đổi này tác động xấu đến môi trường. Cây cối và đồng cỏ mất đi, cùng với gia tăng sử dụng các chất hóa học trong nông nghiệp khiến đa dạng sinh học giảm. Đất trồng trọt tăng đồng nghĩa với việc chặt phá lớp cây cối che phủ khiến nước mưa đổ về các dòng suối nhanh hơn. Điều này dẫn tới nguy cơ lũ lụt cao hơn. Đẩy mạnh thâm canh trong nông nghiệp là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước do bùn thải của trang trại và hóa chất ngấm xuống tầng nước ngầm và các con suối. Đô thị hóa cũng khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Ví dụ các huyện trồng rau thương phẩm quy mô lớn quanh Nantes, phía nam Bretagne, đang bị đẩy ra xa do thành phố này mở rộng.