Tài liệu: Nam nữ khác nhau về mặt gì và vì sao chúng ta yêu nhau

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nếu như ở đâu đó trong chốn sâu thẳm của vũ trụ có tồn tại cuộc sống thì mặc dù chưa biết một chút gì về những hình thức của cuộc sống đó
Nam nữ khác nhau về mặt gì và vì sao chúng ta yêu nhau

Nội dung

Nam nữ khác nhau về mặt gì và vì sao chúng ta yêu nhau

Nếu như ở đâu đó trong chốn sâu thẳm của vũ trụ có tồn tại cuộc sống thì mặc dù chưa biết một chút gì về những hình thức của cuộc sống đó, chúng ta vẫn có thể quả quyết rằng cuộc sống ấy được xây dựng trên cơ sở chia thành hai giới: nam và nữ. Do đâu chúng ta có thể quả quyết như vậy? Chẳng qua là vì thiên nhiên, bằng cách “sáng tạo” ra đồng thời hai giới đối lập nhau, đã đạt tới sự hoàn thiện trong quá trình tự phát triển của mình, một mức độ hoàn thiện đến nỗi không thể nghĩ ra được một cái gì hoàn thiện hơn. Thiên nhiên không cần thiết phải “nghĩ ra” một cái gì đó mới mẻ để cho mới mẻ nữa, bởi vì cái mà thiên nhiên đã một lần tạo ra, bảo đảm cho thiên nhiên tồn tại mãi mãi.

Bạn có thể hỏi tại sao là hai giới? Tại sao không phải là một hoặc ba? Dù bạn đứng trên góc độ nào mà xem xét thì một giới vẫn là sự tự lặp lại, là “giẫm chân tại chỗ”, là thiếu vắng mọi sự tiến bộ và bởi vậy, là phụ thuộc hoàn toàn vào những “đỏng đảnh” của môi trường xung quanh. Môi trường xung quanh mà thuận lợi thì giới này sẽ tự lặp lại với vẻ đơn điệu hiểm hoạ, môi trường mà thay đổi thì giới này sẽ nhanh chóng chết đi vì không có trong bản thân mình một yếu tố gì giúp cho nó sống sót trong những điều kiện đã thay đổi. Về phương diện này thì ba giới, nếu như điều đó có thể xảy ra, tưởng như cơ cấu năng động hơn, cho phép có nhiều phương án thuận lợi hơn, và do đó, cho phép các cơ thể được ba giới tạo ra thích ứng tốt hơn với những điều kiện của môi trường đã thay đổi.

Những sự tiến bộ ở đây chỉ là ảo, về thực chất, sự tiến bộ đó rất mong manh và không chắc chắn. Việc có ba giới sẽ dẫn đến tình trạng hoàn toàn hỗn hợp, sẽ dẫn tới khả năng tạo ra những nhóm thù địch nhau bên trong “liên minh tay ba” và kết quả sẽ dẫn tới việc biến mất cả ba giới trong vòng vài thế hệ.

Hai giới là sáng tạo thực sự thiên tài của tự nhiên, cho phép tự nhiên đạt được sự hài hoà cao nhất trong thể thống nhất và đấu tranh vĩnh viễn giữa các mặt đối lập ánh sáng và bóng tối, cái sống và cái chết, điều thiện và điều ác, tình yêu và căm thù - mọi hiện tượng trong cuộc sống đều được xây dựng trên cơ sở cái này phủ định cái kia và cái này khẳng định cái kia. Xét theo ý nghĩa này thì việc cùng tồn tại hai giới đối lập không phải là ngoại lệ. Ngay ở cấp độ các cơ thể đơn giản nhất ta cũng đã quan sát thấy cuộc đấu tranh của giới này. Nhằm chiếm đoạt giới khác mặc dù cuộc đấu tranh này giống một sự tìm kiếm khốc liệt và đẫm máu hơn. Sự tiến hóa càng phát triển thì cuộc đấu tranh đó không hề dịu đi mà bùng lên mạnh mẽ hơn; máu đổ và tóc râu bay tứ phía chẳng những theo nghĩa bóng mà theo nghĩa đen của những từ ấy.

Trong cuộc đấu tranh vĩnh cửu này - đấu tranh giới này nhằm chiếm đoạt giới khác - lịch sử phát triển nhân loại không phải là một “ngoại lệ dễ chịu”. Quả thật con người đã làm đa dạng thêm ít nhiều cuộc đấu tranh này, một sự đa dạng mà cho tới nay không sinh vật nào “nghĩ đến”. Thật vậy, sau khi cảm thấy mình có sức mạnh, và cùng với sức mạnh là mọi quyền lực mà quyền lực thì thật thú vị khi áp đặt cho kẻ yếu, người đàn ông mau chóng hạ thấp địa vị người phụ nữ tới hàng đồ vật để người phụ nữ không nghĩ đến chuyện tổ chức một chế độ mẫu hệ mới. Theo quan niệm của người đàn ông, thì đồ vật sẽ càng quí mến nếu có thể rút từ đó ra nhiều lợi lộc. Bởi vậy người phụ nữ trong các giai đoạn phát triển đầu tiên của nhân loại ít khi bị hạ thấp hơn giá trị của con bò hoặc con cừu, mà bò, cừu v.v... vào thời công xã nguyên thuỷ được định giá rất cao.

Càng về sau thì “giá trị” của phụ nữ càng không ngừng tăng lên (tăng lên bởi một lý do là người phụ nữ lại cho “ông chủ” của mình kẻ kế nghiệp mà “ông chủ” có thể giao phó toàn bộ của cải của ông ta, không sợ ông ta chết, của cải ấy bị kẻ thù chiếm đoạt hoặc tan thành mây khói) cho đến khi biến thành một loại con mồi ngon lành. Mà bất kỳ con mồi nào - mà lại ngon lành nữa - không những đòi hỏi các trận đấu cao thượng của giới hiệp sĩ mà còn đòi hỏi những mưu mô, những độc kế, những đòn đánh lớn, những trận giao chiến công khai và những cuộc chiến tranh thật sự. Phụ nữ bị bắt cóc, phụ nữ bị đem bán, vì phụ nữ mà đâu chỉ dân thường, cả những người thượng lưu quý tộc cũng đập vỡ sọ nhau, cắt cổ nhau, và phá huy tất cả những gì trong tầm tay trong lúc giận dữ, những gì phải vất vả lắm mới tạo nên được trong vòng vài thế hệ trước đó.

Quả là những thời kỳ vinh quang! Đàn ông chỉ chăm chăm một ý nghĩ ngốn hết sức lực và thời gian của đàn ông là để chiếm đoạt, chiếm đoạt càng nhiều càng tốt, biến thành của riêng của mình và chỉ của riêng của mình thôi! Với thái độ vô trách nhiệm như vậy của đàn ông thời đó, phụ nữ chỉ còn cách trông chờ vào những thay đổi sắp tới trong cuộc đời mình, biết đâu, cả bản thân mình rồi cũng sẽ bị bắt cóc, bị đẩy vào một hoàn cảnh nhục nhã, mà ở đây thì mặc kệ hết - đôi vai mảnh dẻ sẽ phải gánh vác một công việc mới nặng quá sức.

Nhưng, những thời kỳ man rợ vinh quang ấy đã vĩnh viễn lùi sâu vào quá khứ, đến thay thế là một cái gì đó hoàn toàn khó hiểu và mới mẻ mà sau này con người sẽ gọi là nền văn minh. Người đàn ông rút cục đã đạt đến mức giàu có tới nỗi có thể tự cho phép mình hưởng một thứ xa xỉ là không cần làm gì hết và đồng thời cho phép cả người phụ nữ của mình cũng nhàn rỗi chút ít. Vào lúc rỗi rãi, khi ngắm nhìn vật sở hữu của mình, người đàn ông chợt phát hiện ra rằng vật sở hữu này không những nâng niu chiều chuộng mình, không những đem lại cho mình những đứa trẻ ngộ nghĩnh gợi nhớ tới thời kỳ thơ bé xa xưa (chà, thời gian trôi nhanh thật?) mà ngoài những ưu điểm khác, lại còn đẹp nữa. Thế là lại bùng lên cuộc chiến đấu mới nhằm chiếm đoạt phụ nữ. Đỉnh cao của chiến đấu mới này vào thời kỳ sơ khởi của văn minh là cuộc chiến tranh Tơroa nổ ra do việc bắt cóc nàng Hêlen kiều diễm, vợ của thủ lĩnh tộc Xpáctơ là nàng Mêlêlớt và con gái của chính thượng thần Dớt và nàng Lêđa. (Trong mớ lộn xộn về gia đình này, đáng chú ý đến chi tiết sau đây: Lêđa, mẹ của Hêlen, lại không phải là vợ của tượng thần Dớt mà là vợ của một thủ lĩnh Xpáctơ khác là Tinđarây. Đó, dù các bạn nói gì thì nói, thì đàn ông, ngay cả những người đã vươn tới cấp thượng thần, cũng chẳng có trí tưởng tượng phong phú gì lắm trong vấn đề lựa chọn phương tiện để chiếm hữu phụ nữ).  

Sắc đẹp, dù điều này nghe có vẻ thật man rợ đối với người phụ nữ hiện đại, cũng mau chóng biến thành đồ vật trong mắt người đàn ông. Một đồ vật đắt giá, đúng thế. Nhưng điều gì có thể ngăn chặn người đàn ông giàu có trước muốn trở nên giàu có hơn nữa? Không một thứ gì hết. Và người đàn ông trong thời gian không xảy ra chiến tranh chỉ chuyên chú vào việc ngắm nghía vẻ đẹp của vật mình sở hữu, chợt muốn đưa vào công việc khó khăn này đối với ông ta một vẻ đa dạng dễ chịu: ông ta bắt đầu tăng số vợ của mình lên để có điều kiện ngắm nghía không phải một sắc đẹp duy nhất mà là nhiều sắc đẹp cùng một lúc. Chà, lúc đầu, việc đó ve vuốt tính kiêu hãnh của ông ta biết bao nhiêu! Ông ta giàu có như vậy, hùng mạnh như vậy, hãy nhìn xem, biết bao báu vật tuyệt đẹp ở trong tay ông ta!

“Hãy nhìn xem” ư? Vậy ai có quyền đó, cái quyền được nhìn kho báu của ông ta? Hôm nay họ chỉ nhìn mà thôi, họ thán phục cùng với ông ta, họ ghen, nhưng ngày mai, khi ông ta trở nên già yếu và đau ốm... Thật khủng khiếp hình dung thấy chuyện gì xảy ra vào ngày mai! Và lão già giàu có sau khi đưa vào hậu cung của mình một cô gái trẻ trung xinh đẹp như thiên thần, bỗng cảm thấy nhức buốt vì ghen ty. Làm sao có thể không ghen tỵ được nếu báu vật của ông ta không hiểu sao lại thở dài nhiều hơn, không hiểu sao lại giày vò day dứt và không thấy hài lòng với ý nghĩ rằng ông ta, vị chúa tể và ông chủ của cô, đã ban ân huệ cho cô dù chỉ bằng cách ngắm nghía cô. Bất kỳ một người bình thường khác sẽ hành động ra sao nếu vào địa vị lão già giàu có đang sắp từ biệt cõi đời này? Chúng tôi không biết con người bình thường sẽ hành động ra sao, nhưng lão già giàu có kia đã hành động theo kiểu riêng của lão: lão phái một gã đầy tớ trung thành nhất, liêm khiết nhất, sẵn sàng nhảy vào lửa vì lão, đến canh giữ các báu vật của lão. Phái đến thì cứ phái đến, nhưng để gã đầy tớ cái gì cũng “nhất” này không tìm cách chống lại chủ mình, lão đem thiến gã trước đi.

Từ lúc đó nỗi nhức nhối vì ghen tỵ trong tâm hồn gã đàn ông chiếm hữu đã phát triển thành một vết loét thật sự: suy nghĩ của lão chỉ quy về một điều: cái gì của ta thì chỉ riêng là của ta thôi, mà nếu không phải là của ta thì sẽ chẳng là của ai hết. Gã hoạn quan trong hậu cung là bằng chứng hiển nhiên về sự hẹp hòi của nam giới và là bằng chứng cho thấy rằng người đàn ông mù quáng vì ghen tuông sẽ không cảm thấy một chút đồng cảm nào với những người cùng giới.

Chúng ta hãy bỏ qua một vài thế kỷ và bước vào thời hiện đại hiện nay. Giới phụ nữ ngán ngẩm hết sức khi thấy đám đàn ông cứ đấu tranh và đấu tranh hoài vì họ mà không hỏi ý kiến họ xem họ cần những kẻ hay gây go đó không. Biết đâu họ mơ ước một kẻ khác, một kẻ thứ ba, thì sao? Tại sao chính họ lại không đấu tranh vì kẻ thứ ba này trong khi hai kẻ kia đang làm rõ mối quan hệ với nhau, và tại sao họ không cố giành lấy thiện cảm của kẻ thứ ba đó? Nhưng bằng cách nào? Trong vấn đề này (cũng như trong mọi vấn đề khác) phụ nữ đã mau chóng tìm được phương pháp tuyệt đối chắc chắn mà ngày nay họ vẫn đang sử dụng thành công. Họ làm việc này hết sức độc đáo, với thói ranh mãnh chỉ phụ nữ mới có, họ làm cho đàn ông tưởng rằng chính đàn ông lựa chọn họ, mặc dù tiếng nói quyết định bao giờ cũng thuộc về họ... Rất ít phụ nữ không nhận thức được ưu thế lớn lao của mình và có quyền lực lựa chọn bạn đời theo “khẩu vị” của mình. Chàng thanh niên cứ việc đi loanh quanh, hết đỏ mặt lại tái mặt, rình mò cô gái cạnh nhà và cạnh trường, mũi giày xới tung nền đường lên cứ như nền đường giấu kín quyết tâm của anh ta, còn cô gái mặc dù chưa biết rõ anh ta, thậm chí cả tên anh ta nữa, nhưng đã biết trước là cô sẽ nói với anh ta “đồng ý” hay “không”. Hãy lưu ý một điều: cô gái thường vững tin nhìn vào tương lai của mình còn chàng trai phải khắc phục trong bản thân mình nỗi sợ hãi trước thất bại có thể xảy ra, nỗi sợ hãi do kinh nghiệm của các thế hệ trước gieo vào lòng anh ta. Bước đầu thì cô gái chỉ cần đẹp, nếu không đẹp tới mức trở thành hoa hậu thế giới thì chỉ cần hấp dẫn bề ngoài mà thôi. Đối với chàng trai thì hoàn toàn không như vậy. Chỉ có vẻ ngoài hấp dẫn thôi chưa đủ (về vẻ đẹp chúng tôi chưa kịp nói đến: ít thấy chàng trai nào khi soi gương lại có thể thừa nhận hết sức chân thành: “Chà, mình đẹp trai quá!”. Đây là điều khác với rất nhiều cô gái). Ngay từ đầu, anh ta còn phải có cả thẩm mỹ tuyệt vời, cả trí tuệ sắc sảo, phải có phong thái dễ ưa và ngoài ra, phải biết cách làm xiêu lòng cô gái nữa. Anh ta cũng phải chủ động làm quen để rồi mồ hôi vã ra, chờ đợi một cái gật đầu mơ hồ đáp lại, một cái gật đầu có thể lý giải theo nhiều cách: “Đồng ý” cũng được, “không” cũng được, mà “để xem đã” cũng được. Theo chúng tôi được biết - và các nhà tâm lý học cũng xác nhận điều này, - thì người đàn ông có được vẻ vững tin khi làm quen chỉ ở lứa tuổi mà về thực chất, không cần đến sự làm quen đó nữa.

Nếu vào những thời kỳ xa xưa đàn ông suốt đời đấu tranh để giành quyền chiếm hữu phụ nữ về thể xác thì giờ đây đàn ông đấu tranh giành lấy quyền làm chủ phụ nữ trước hết về tinh thần. Bất kỳ người đàn ông hiện đại nào cũng hiểu rằng nếu không biết cách làm phụ nữ ưa thích thì cơ hội thành công của mình bằng con số không.

Vậy cô gái hiện đại thì sao? Cô ta chỉ chăm chăm một việc là làm ra vẻ cô ta không phải là người lựa chọn mà là người bị lựa chọn hay sao? Không, cả cô ta cũng bước vào cuộc đấu tranh. Và cô ta tiến hành cuộc đấu tranh này không kém phần quyết liệt so với chàng trai hiện đại. Quả thật, phụ nữ đấu tranh hoàn toàn không phải vì mục đích mà trước đây vì mục đích đó giới đàn ông đã đánh gãy răng nhau (đó là trong trường hợp tốt nhất; thường xảy ra nhiều hơn là đàn ông đặt lên ván bài cả tính mạng của mình). Tức là chúng ta muốn nói rằng ngày nay, phụ nữ tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt hoàn toàn không phải vì họ muốn chiếm được người họ lựa chọn bằng bất kỳ phương tiện gì. Phụ nữ hiện đại (và đàn ông hiện đại nữa) - chúng ta hãy công bằng đấu tranh vì điều chủ yếu nhất làm nảy sinh mối liên kết giữa hai giới đối lập - vì tình yêu chân chính của mình.

Cuộc chiến đấu vừa âm thầm vừa công khai vì tình yêu Chân Chính này, cuộc đấu tranh với các nữ đối thủ khác và với các bậc cha mẹ, cuộc đấu tranh với chính bản thân người yêu, vầng hào quang của chủ nghĩa lãng mạn cao cả bao trùm lên tình yêu chân chính - tất cả những cái đó ngày nay đã trở thành ý nghĩa và nội dung của sự đối kháng vĩnh viễn giữa hai giới đối lập.

Ta hãy làm thế nào để cuộc đấu tranh duy nhất này trong số tất cả các cuộc đấu tranh khác không bao giờ ngừng lại. Nếu trong cuộc chiến đấu vĩ đại này, tình yêu Chân Chính, thứ hoà bình xám xịt giành được thắng lợi thì trên trái đất sẽ ngự trị nỗi buồn chán không thể tưởng tượng nổi, một nỗi buồn chán rút cuộc chẳng những sẽ giết chết tình yêu Chân Chính mà còn giết chết cả bản thân cuộc sống trên trái đất.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4299-02-633737385125817672/Nam-va-Nu-khac-nhau-ve-mat-gi-va-vi-sao-c...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận