Người ta đã phát hiện ra các nhóm máu như thế nào?
Ở thế kỷ XVII, người ta đã thử truyền máu nhiều lần nhưng thường gây tử vong, đến mức vua Louis XIV (Pháp) phải cấm cách làm này.
Sau đó đến năm 1900, chàng thanh niên Karl Landsteiner ở Vienne (áo) đã lấy máu của các cộng sự của mình. Ông trộn huyết thanh của người này với hồng cầu của người khác và nhận thấy xảy ra trường hợp huyết thanh dính kết hồng cầu, những khối này có thể gây tai nạn trong khi truyền máu. Từ đó ông đã phát hiện ra các nhóm máu đầu tiên, gọi là hệ ABO. Sau đó, người ta hiểu khá nhanh là con người được chia thành bốn nhóm, tùy theo họ có kháng nguyên A, B, hai kháng nguyên A và B, hoặc không có kháng nguyên nào trong số này, được gọi là nhóm O (thật ra, đối với nhóm O, có một kháng nguyên gọi là H). Chúng ta đều có các kháng thể chống lại các kháng nguyên thuộc những nhóm khác với chúng ta. Những kháng thể này được gọi là tự nhiên, vì không được hình thành từ rất sớm trong đời, nhất là vì hệ vi khuẩn sống trong ruột mang các kháng nguyên ABO này. Cũng chính K. Landsteiner đã phát hiện ra yếu tố rhesus (Rh) vào năm 1939, sau khi ông trộn hỗn hợp của ông với hồng cầu của khỉ rhesus. Một trong số học trò của ông đã chứng minh mối quan hệ giữa yếu tố này với bệnh tiêu máu rất trầm trọng ở trẻ sơ sinh. Bệnh này xảy ra là do số không tương hợp giữa các nhân tố Rh của mẹ và của con. Hiện nay, người ta biết rằng hệ Rh gồm có nhiều nhóm phụ. Một giai đoạn quan trọng thứ ba là phát hiện của Jean Dausset năm 1952 về phức hợp chính của sự tương hợp mô (CMH). Ngày nay, người ta gọi phức hợp này là hệ HLA. Đó là những dấu hiệu có ở bạch cầu và cả ở các tế bào của các mô, có ý nghĩa rất quan trọng khi ghép cơ quan. Hệ HLA vô cùng phức tạp và xác định ''căn cước'' của chúng ta: hiện nay người ta đã biết 600 triệu tổ hợp HLA. Trên thực tế còn có hàng chục hệ nhóm máu khác, nhưng chúng không gây trở ngại cho sự truyền máu.