Máu đổi mới bằng cách nào?
Cũng như mọi cơ quan của chúng ta, máu, hoặc đúng hơn là các tế bào máu, già đi và chết. Hồng cầu sống được khoảng ba tháng, tiểu cầu chừng mười ngày. Phần lớn các bạch cầu chỉ sống được vài ngày. Chỉ một số, như bạch huyết bào T có trí nhớ, có thể sống dai hàng tháng hoặc hàng năm.
Như vậy có sự đổi mới thường xuyên các tế bào và quá trình này được điều hòa một cách tinh vi. Điều độc đáo là bản thân máu không tạo ra chúng. Ở thai nhi, chính gan và lách chịu trách nhiệm này. Ở người lớn, chúng được sinh ra và phân hóa thường xuyên trong tủy xương. Chỉ có một ngoại lệ là sự chuyên hóa của bạch huyết bào T diễn ra ở tuyến ức. Vì vậy, các xương của chúng ta như xương đùi, xương cánh tay, xương đòn, xương sườn, xương ức, xương chậu liên tục sản xuất máu mới. Tất cả đều bắt đầu bằng một tế bào gốc, gọi là đa năng, vì nó có thể sinh ra tất cả các dòng tế bào máu, sau đó, kế tiếp các giai đoạn khác nhau trong đó các tế bào máu được tạo ra, lúc đầu còn non, dần dần đạt được độ chuyên hóa. Số phận của tất cả các tế bào này được kiểm soát chặt chẽ bởi những phân tử như các nhân tố sinh trưởng hoặc intelơkin. Một hocmon gọi là EPO (điều trị suy thận hoặc được các vận động viên thể thao dùng làm chất kích thích), kích thích sản xuất hồng cầu. Trước khi được đổ vào máu, hồng cầu bị mất nhân. Toàn bộ quá trình này diễn ra một tuần đối với hồng cầu hai tuần đối với bạch cầu. Còn tiểu cầu được sinh ra rất kỳ lạ. Tế bào tiền thân không sinh ra hai tế bào con. Nó nhân đôi hàm lượng ADN mà không phân chia và trở thành một tế bào khổng lồ không phải có hai bộ nhiễm sắc thể, mà là 4, 8, 16, 32, thậm chí 64. Tế bào này kết thúc bằng cách có dạng bạch tuộc. Sau đó rất nhiều tua tế bào chất của nó tự phân đoạn để tạo ra rất nhiều tiểu cầu.
Cũng có trường hợp tủy xương không sản xuất đủ tế bào, hoặc bị các tế bào ung thư bao vây. Muốn sửa chữa những rối loạn rất nghiêm trọng này, người ta truyền vào người bệnh các tế bào gốc bắt nguồn từ tủy, hoặc từ máu (trong trường hợp này, trước hết người ta nuôi cấy số tế bào gốc hiếm hoi đang lưu thông), hoặc được tách ra từ dây rốn giàu tế bào gốc hơn. Ngoài ra, người ta phát hiện thấy tủy (cũng như hệ thần kinh) có chứa các tế bào gốc khác, lần này được gọi là toàn năng, vì chúng có thể tạo ra bất kỳ loại tế bào nào. Vì vậy tủy cũng có thể có chức năng tái tạo các mô.