NGUỒN GỐC CỦA TỪ “PHÁT – XÍT”
Từ ''phát - xít'' đã có hơn 2000 năm trước đây ở Roma cổ đại. Thời bấy giờ, mỗi khi quan chấp chính tối cao của Nhà nước đi tuần thú, thường có 24 Tùy tùng theo hầu, mỗi người vác trên một bó roi quấn chặt bằng những sợi dây da, giữa cắm một lưỡi rìu sáng loáng. ''Bó roi'' tiếng Latin là ''phát - xít'', nó là biểu tượng của quyền lực tối cao của Nhà nước Roma, tượng trưng cho bạo lực và uy quyền.
Đến sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, từ “phát-xít” lại xuất hiện. Trước tiên là Mussolini, thành lập ở Italia một đảng tên là “đảng phát-xít'', đảng này đã cướp được chính quyền nhà nước. Đối nội, Mussolini đàn áp dã man Đảng Cộng sản và quần chúng nhân dân, tước đoạt mọi quyền dân chủ của nhân dân, thực hành thống trị độc tài, khủng bố. Đối ngoại, y mở rộng xâm lược hòng chinh phục thế giới. Vì thế, tư tưởng và chủ trương đó được gọi là ''chủ nghĩa phát - xít'' và một chính quyền như vậy được gọi là chính quyền phát xít. Sau này, Đức và Nhật cũng thi hành chủ nghĩa phát – xít. Chính ba nước phát xít này đã gây ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai.
Chủ nghĩa phát - xít là một sản phẩm dã man nhất, phản ứng nhất khi xã hội tư bản lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nó cổ vũ cho chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan. Đồng nghĩa với khủng bố, độc tài, phản ứng, từ ''phát - xít'' bị mọi người căm ghét, lên án. Phát - xít Đức, Nhật, Ý, trước sức tấn công của nhân dân toàn thế giới đã bị đánh tan cùng với sự kết thúc của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai.