ĐẢNG BOLCHEVIK THÀNH LẬP
“Bolchevik”, tiếng Nga có nghĩa là “phái đa số”. Đảng Bolchevik là một chính đảng mác – xít do Lênin sáng lập ra.
Năm 1883, dưới sự lãnh đạo của Plekhanov, “Tổ chức giải phóng lao động” – một tổ chức mác – xít đầu tiên, được thành lập ở Nga. Tháng 5 năm 1895, Lenin gặp Plekhanov ở Geneva (Thụy Sĩ), đặt được mối liên hệ và Tổ chức giải phóng lao động. Mùa thu năm đó, Lenin trở về nước Nga, thống nhất các nhóm mac – xít ở S. Pétersbourg thành “Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân”. Tổ chức này thành lập chưa được bao lâu thì Lenin bị bắt, sau đó bị lưu đày đi Sibérie, do đó không tham gia được Đại hội đại biểu lần thứ nhất của đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tổ chức ngày 1 tháng 3 năm 1898. Đại hội lần này chưa hoàn thành được nhiệm vụ là đề ra Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng.
Năm 1900, mãn hạn lưu đầy, Lenin ra nước ngoài dồn sức cho công việc sáng lập báo chí cách mạng. Tháng 12 cùng năm, báo “Tia lửa”, tờ báo chính trị mác - xít cách mạng đầu tiên của nước Nga đã ra mắt tại nước ngoài. Trên tờ ''Tia lửa'', Lenin đã viết rất nhiều bài tuyên truyền cho học thuyết mác - xít về xây dựng Đảng. Năm 1901 - 1902, Lenin lại viết tác phẩm ''Làm gì'', đặt cơ sở tư tưởng cho việc xây dựng một chính đảng mác xít. Tháng 7 năm 1903, Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga được triệu tập ở Brussels (Bỉ). Chủ tịch Đoàn chủ tịch đại hội là Plekhanov, phó chủ tịch là Lenin. Nội dung chính của đại hội là thông qua Cương lĩnh và Điều lệ của đảng. Trong Cương lĩnh, vấn đề nên hay không nên đưa yêu sách ''chuyên chính vô sản'' vào, cũng như trong Điều lệ có nêu vấn đề tư cách đảng viên hay không, là những vấn đề tranh cãi kịch liệt. Kết quả bỏ phiếu biểu quyết là: về vấn đề Cương lĩnh của Đảng, đại hội thông qua ý kiến của Lenin là đưa yêu sách ''chuyên chính vô sản'' vào; còn về vấn đế tư cách đảng viên, ý kiến của Lenin bị phủ quyết. Chỉ tới lúc cuối cùng, khi bầu cơ quan lãnh đạo trung ương của Đảng, do số đại biểu phản đối Lenin rút khỏi đại hội nên số đại biểu ủng hộ Lenin trở thành phái đa số. Từ đó, trong Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga hình thành hai phái: phái đa số (Bolchevik) và phái thiểu số (Menchevik). Hai phái này, cho tới trước năm 1912 vẫn chưa công khai phân biệt.
Năm 1912, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 6. Tại đại hội này, phái ''Bolchevik'' và phái ''Mẹnchevik'' công khai phân liệt. Kể từ đây, phái ''Bolchevik'' trở thành một chính đảng mác – xít độc lập, có tên là Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga (B). Sau Cách mạng tháng Mười, tại Đại hội đại biểu lần thứ 7 của Đảng họp tháng 3 năm 1918, theo đề nghị của Lenin, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga (B) đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (B). Tháng 4 năm 1925, Đại hội đại biểu lần thứ 14 của Đảng đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Nga (B) thành Đảng Cộng sản Liên Xô.