KHỞI NGHĨA “MỒNG MỘT THÁNG BA” Ở TRIỀU TIÊN
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau chiến tranh Trung Nhật và chiến tranh Nhật Nga, nước Nhật đã dần dần đẩy lui thế lực vương triều Mãn Thanh và nước Nga ra khỏi bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên trở thành nước Nhật “bảo hộ”. Tháng 8 năm 1910, Nhật Bản công bố Điều ước hợp nhất Nhật Hàn, chính thức tính Triều Tiên, Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật Bản.
Ngày 22 tháng 1 năm 1919, Hoàng đế Lý Hy của Triều Tiên đã bị Nhật Bản phế truất trước đây bỗng nhiên tử vong. Lý Hy lúc sinh thời không cam tâm làm phận bù nhìn, năm 1890 ông đã chạy vào Sứ quán Nga xin tỵ nạn. Năm 1907, nhân Hội nghị hòa bình thế giới khoá II họp ở La Haye, ông bí mật phái sứ thần đến La Haye kêu cứu với Hội nghị, yêu cầu thừa nhận nên độc lập của Triều Tiên, bãi bỏ chế độ bảo hộ của Nhật Bản. Vì vậy đã làm cho bọn thống trị Nhật Bản tức giận, phế truất ông, sau đó bị giam cầm lâu dài trong ngục tối. Đồn rằng, Lý Hy đã bị người Nhật đầu độc chết. Tin này truyền đi, làm cả nước Triều Tiên chấn động. Học sinh Triều Tiên lưu học ở Nhật Bản dẫn đầu nổi dậy. Ngày 8 tháng 2, hơn 6 vạn lưu học sinh Triều Tiên tập hợp ở Tokyo Nhật Bản phát biểu Tuyên ngôn Độc lập. Đồng thời cùng giới trí thức đứng đầu là Tôn Bỉnh Hy giáo chủ Thiên đạo giáo và nhân sĩ các giới tôn giáo tổ chức ra Bộ chỉ huy phong trào Độc lập, chuẩn bị triển khai cuộc thị uy chống Nhật nhân ngày quốc táng nhà vua. Trong Tuyên ngôn Độc lập do họ khởi nghĩa, việc đầu tiên định ra phương châm cho cuộc vận động là phi bạo lực.
Ngày mồng 1 tháng 3 năm 1919, hàng ngàn quần chúng tập hợp tại công viên Tháp Đồng ở Hán Thành (Seoul). Trong cuộc mít tinh, đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy khí thế hùng dũng. Bộ chỉ huy phong trào Độc lập thấy cuộc vận động đã vượt khỏi phạm vi mà họ có thể khống chế, liền lập tức rút lui khỏi phong trào, Tôn Bỉnh Hy còn tỏ rỏ thái độ với viên Toàn quyền Nhật Bản là “Chúng tôi không muốn dùng vũ lực để khôi phục tự do cho quốc gia...”, nhưng phong trào không vì sự thỏa hiệp của họ mà dừng lại. Trung tuần tháng 3, cuộc biểu tình thị uy mở đầu ở Hán Thành đã lan rộng khắp nơi trong cả nước. Các cuộc biểu tình thị uy hòa bình mà lực lượng chính là thanh niên học sinh và cư dân thành thị đã chuyển dần thành các cuộc bạo động mà chủ lực là tầng lớp công nông. Phong trào đấu tranh đã lan ra 218 phủ, quận, quần chúng tham gia có tới trên 2 triệu người. Bọn thống trị đã tiến hành đàn áp đẫm máu, hơn 8 nghìn người bị giết hại, 5,2 vạn người bị bắt bớ, tù đày. Phong trào tuy thất bại, nhưng bọn thống trị Nhật Bản cũng thật sự hoảng sợ, khiến cho chúng phải thay đổi chính sách chính trị vũ lực bằng chính trị văn hoá đối với Triều Tiên.