“PHONG TRÀO RÀO ĐẤT”, “CỪU ĂN THỊT NGƯỜI”
Khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, trong lòng nước Anh bắt đầu có những biến đổi to lớn. Quan hệ phong kiến tan rã trong khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Thêm vào đó, việc tìm ra những đường hàng hải mới càng thúc đẩy sự phát triển của công thương nghiệp Anh. Nước Anh lại nằm ở đông bắc Đại Tây Dương, rất thuận lợi trong việc buôn bán, do đó ngành dệt len của Anh đặc biệt phát đạt. Để ngành này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần phải có đầy đủ nguyên liệu. Nhưng nước Anh lúc bấy giờ sản lượng lông cừu có hạn, dẫn đến tình trạng giá lông cừu tăng vọt. Nhiều quý tộc địa chủ thấy chăn cừu đem lại nhiều lợi hơn so với trồng cây lương thực nên đã đổ xô vào việc rào khoanh ruộng đất công và tư lại, thậm chí dùng bạo lực chiến đoạt ruộng vườn của nông dân để làm thành bãi chăn nuôi lớn nuôi hàng ngàn con cừu. Những người nông dân bị mất đất, hết đường sinh sống, phải lang thang khắp nơi để kiếm ăn.
Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản Anh, người ta gọi đó là phong trào rào đất. Còn Thomas More (1478 - 1535) đã ví hiện tượng này là cừu ăn thịt người. Ông nói: ''Con cừu vốn rất hiền lành thế mà bây giờ thành ra rất tham lam và hung dữ, thậm chí ăn cả người''.
Ở Anh, nạn rào đất bắt đầu từ cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX mới kết thúc, kéo dài hơn 300 năm. Trong quá trình này, quý tộc địa chủ Anh đã dần trở thành giai cấp tư sản, còn những nông dân mất đất biến thành kẻ lang thang thì lại bị luật pháp khắc nghiệt của chính phủ Anh bức hại, như bị đóng dấu bằng sắt nung, cắt tai, đánh đập bằng roi gậy v.v. . . Trong tình cảnh người nông dân lưu lạc buộc phải vào làm trong các công trường thủ công hay các bãi chăn nuôi của nhà tư bản, trở thành công nhân làm thuê.
Phong trào rào đất đã đẩy mạnh quá trình tích lủy tư bản nguyên thủy, thúc đẩy sự ra đời và phát triển chủ nghĩa tư bản. Nước Anh nhờ đó đã dần dần trở thành một cường quốc tư bản chủ nghĩa.