Tài liệu: Chiến tranh nông dân Đức

Tài liệu
Chiến tranh nông dân Đức

Nội dung

CHIẾN TRANH NÔNG DÂN ĐỨC

Chiến tranh nông dân Đức bùng nổ vào các năm 1524 – 1525 là cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô lớn nhất thời Trung đại ở Tây Âu.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khởi nghĩa là phong trào Cải cách tôn giáo ở Đức. Năm 1517 Martin Luther, giáo sư thần học một trường đại học ở Zacson đã đưa ra bản luận cương để phá quyền uy của Giáo hội, đòi cải cách Giáo hội, giải phòng quảng đại quần chúng nhân dân về mặt tinh thần. Luận cương của Luther đã để lại một ấn tượng hết sức mãnh liệt trong đầu óc mọi người. Toàn nước Đức sôi động, hết thảy những người bất mãn với thực tế đều đồng tình với Lather. Ông kêu gọi mọi người đứng lên giết chết những tên cha cố đáng ghét. Giáo hoàng tuyên bố khai trừ Luther ra khỏi Giáo hội.

Phong trào chống Thiên chúa giáo vừa bắt đầu này gọi là Cải cách tôn giáo. Trong quá trình phát triển, phong trào Cải cách tôn giáo đã chia thành hai phái.  Luther chỉ giới hạn Cải cách tôn giáo trong phạm vi chống chúa phong kiến tôn giáo. Còn nông dân và dân nghèo thành thị đã kết hợp khẩu hiệu của Cải cách tôn giáo với yêu cầu bình quân tài sản, đó là Cải cách tôn giáo của nhân dân. Lãnh tụ nổi tiếng nhất của phái này là Thomas Muntzer. Muntzer vốn là một giáo sĩ bậc thấp, được hưởng thụ giáo dục tốt, tinh thông tiếng Hy Lạp và tiếng Latin, thông hiểu các tác phẩm cổ điển và học thuyết nhân văn chủ nghĩa. Muntzer khác với Luther ở chỗ ông không tán thành chỉ hạn chế phong trào cải cách trong phạm vi tôn giáo mà phải kết hợp Cải cách tôn giáo với cải cách xã hội. Ông không chỉ chống đối Giáo hội mà còn chủ trương lật đổ chế độ phong kiến, kêu gọi dùng cách mạng bạo lực để lật đổ xã hội hiện tại.

Được Muntzer tuyên truyền cổ động, phong trào Cải cách tôn giáo đã biến thành những cuộc khởi nghĩa. Cuối năm 1524, khởi nghĩa đầu tiên bùng nổ ở miền Nam Đức. Năm 1525 khởi nghĩa nhanh chóng lan ra toàn nước Đức. Hai phần ba nông dân trong cả nước được cuốn hút vào các cuộc khởi nghĩa. Chiến tranh nông dân đã bắt đầu. Các cuộc khởi nghĩa chủ yếu tập trung ở ba vùng Svabon, Franconia Zacson. Người tham gia ngoài nông dân còn có thợ mỏ và thợ dệt. Tháng 3 năm 1525 quân khởi nghĩa đánh chiếm được thành  Muhlberg, lật đổ bọn quý tộc thống trị, thành lập chính quyền cách mạng có tên là ''Nghị hội vĩnh cửu'', Muntzer được bầu làm chủ tịch. Ông tuyên bố: Tịch thu tài sản của Giáo hội, phế bỏ đặc quyền của quý tộc phong kiến, xóa bỏ các nghĩa vụ phong kiến mà nông dân phải gánh vác, thực hiện công hữu tài sản và người người bình đẳng.

Chiến tranh nông dân đã làm bọn quý tộc phong kiến khiếp sợ. Chúng bắt đầu liên hiệp với nhau để trấn áp nghĩa quân nông dân. Tháng 4 năm 1525, các quý tộc phong kiến đã tập trung được quân đội do bá tước Philippe bang Herzen cầm đầu. Ngày 16 tháng 5, nghĩa quân nông dân đã giao chiến dữ dội với liên quân của quý tộc phong kiến. Đội quân nông dân không có kinh nghiệm quân sự nên đã bị đánh bại. Muntzer bị bắt và bị xử tử sau khi đã bị tra tấn cực hình.

Cuộc khởi nghĩa của dân nghèo thành thị ở thành Munster giáp giới Flandre là tiếng vang cuối cùng của chiến tranh nông dân. Sau khi bị vây hãm lâu ngày, thành Munster cuối cùng đã bị quý tộc phong kiến chiếm đóng và tàn phá.

Chiến tranh nông dân Đức thất bại có nghĩa là thế lực phong kiến phản động đã thắng lợi. Thế lực ấy đã kìm hãm lâu dài sự phát triển của nước Đức.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/793-02-633366769670121250/Khoi-nghia-cua-no-le-va-nong-dan/Chien-tra...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận