Tài liệu: Đế quốc Tần

Tài liệu
Đế quốc Tần

Nội dung

ĐẾ QUỐC TẦN

Thời Chiến Quốc ở Trung Quốc có bảy nước lớn là Tần, Sở, Yên , Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, tranh nhau giành quyền lực, gây ra chiến tranh liên miên và tàn khốc. Nhân dân phải chịu nhiều tai họa nặng nề, nên khao khát sống trong hòa bình, yên ổn.

Năm 246 trước Công nguyên, vua Tần là Doanh Chính lên ngôi. Bấy giờ lãnh thổ của nước Tần đã rộng lớn, bao gồm các miền Thiểm Tây, Tứ Xuyên, miền Tây - nam Hà Nam và miền Bắc Hà Bắc. Chỉ trong vòng mười năm, từ năm 230 đến 221 trước Công nguyên, nước Tần đã lần lượt tiêu diệt sáu nước: Hàn (năm 230), Triệu (năm 228), Ngụy (năm 225), Sở (năm 223), Yên (năm 222) và Tề (năng 221) - thống nhất lãnh thổ Trung Quốc, chấm dứt tình trạng hỗn chiến lâu dài thời Xuân Thu - Chiến Quốc, lập ra đế quốc Tần (221 trước Công nguyên), đế quốc thống nhất đầu tiên xuất hiện trong lích sử Trung Quốc. Tần Doanh Chính cho đóng đô ở Hàm Dương (tỉnh Thiểm Tây), không xưng Vương mà lấy danh hiệu là Hoàng đế, hy vọng Đế nghiệp của mình sẽ truyền lại cho con cháu đời đời kiếp kiếp, ông tự xưng là Thủy Hoàng đế (Hoàng đế đầu tiên), người đời sau gọi là Tần Thủy Hoàng. Nhưng đế quốc Tần chỉ truyền được ba đời với ba hoàng đế, lập nước được 15 năm. Cương vực của đế quốc Tần, phía đông giáp biển lớn, phía tây tới Cam Túc. Tứ Xuyên ngày nay, tây nam tới Vân Nam, Quảng Tây ngày nay, phía bắc tới Trường Thành.

Tần Thủy Hoàng tập trung nắm trong tay các quyền lớn về chính trị, kinh tế, quân sự. Ở triều đình, đặt các chức quan Thừa tướng, Thái uy Ngự sử đại phu để phò tá Hoàng đế cai trị. Ở địa phương thì phế bỏ chế độ phân phong có từ thời Tây Chu, ban hành chế độ quận huyện, chia lãnh thổ cả nước thành 36 quận (sau tăng lên thành 40 quận). Dưới quận là các huyện, do Hoàng đế phái các huyện lệnh đến cai trị.

Tần Thủy Hoàng đã ban hành loại tiền có hình tròn lỗ vuông để thống nhất tiền tệ trong cả nước, dùng loại chữ triện làm kiểu chữ chuẩn, thống nhất các hệ thống đo lường. Tất cả những việc đó đã thúc đẩy cho sự giao lưu và phát triển kinh tế văn hoá trong mọi miền của đất nước. Tần Thủy Hoàng còn tu sửa, xây dựng rất nhiều đường xá. Hai trục đường lớn thông sang vùng đất Yên Tề ở phía đông và vùng đất Ngô Sở ở phía đông nam được gọi là “trì đạo” (đường rộng, xe ngựa phóng nhanh được).

Triều Tần còn chinh phục vùng đất Lĩnh Nam, đưa hàng chục vạn dân chúng sang cư trú ở những nơi này. Về phía Bắc,  triều Tần cho tu sửa Trường thành mà hai nước Yên, Triệu đã xây đắp từ trước, đắp mới thêm làm Vạn lý Trường thành, đưa quân đến đóng giữ, đề phòng người Hung Nô kéo xuống cướp phá, bảo vệ cho sự phát triển kinh tế văn hóa của vùng biên khu phương bắc.

Để củng cố nền thống trị của vương triều, Tần Thủy Hoàng ra lệnh tiêu hủy các thứ binh khí vốn có của sáu nước ở phía đông, lấy đồng đem đúc thành mười hai pho tượng người đồng rất lớn. Ông còn bắt buộc quí tộc sáu nước phải đến cư trú ở cùng phụ cận kinh đô Hàm Vương để tiện khống chế.

Để hạn chế và thống nhất tư tưởng; Tần Thủy Hoàng đã chấp nhận kiến nghị của Thừa tướng Lý Tư là trừ các sách sử nước Tần, sách thuốc, sách bói toán ra còn tất cả các sách khác như Thi, Thư cùng các sách của bách gia - chư tử lưu hành trong dân gian đều phải đem đốt hết. Ai còn dám bàn luận về Thi Thư phải chém đầu, người nào còn cho ngày xưa đúng, ngày nay sai phải xử chém treo ngoài cửa. Thế là bao nhiêu sách vở điển tích văn hoá đã biến thành một đống tro tàn. Tần Thủy Hoàng còn khép tội cho các nho sinh, phương sĩ đã dùng lời lẽ xằng bậy mê hoặc chúng dân, chỉ trích phi báng Hoàng đế, để bắt 460 nho sinh đem chôn sống cùng một lúc. Đó thành là sự kiện đốt sách chôn học trò (phần thư khanh nho) nổi tiếng trong lịch sử.

Thuế khóa sưu dịch dưới triều Tần rất nặng nề. Để thỏa mãn sự hưởng thụ khôn cùng  của mình, Tần Thủy Hoàng đã trưng tập hàng loạt dân chúng đi xây dựng đền đài cung điện, trong đó có tới hơn 70 vạn người xây dựng cung A Phòng. Ông cho xây sẵn lăng mộ của  mình ở Ly Sơn, trong mộ dùng châu ngọc khảm thành mặt trời mặt trăng và các vì sao,  dùng thủy ngân làm thành hồ đầm sông biển. Nhân khẩu lúc đó của nhà Tần có khoảng 20 triệu người, mỗi năm bắt đi làm phu phen sai dịch không dưới 2 triệu người, đàn ông không đủ còn  bắt cả đàn bà đi phu. Đồng ruộng bị bỏ hoang, nông dân chịu sưu thuế nặng nề, sống trong  cảnh lầm than khốn khổ, ai có ý phản kháng là bị trừng trị thảm khốc.

Năm 210 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng ốm chết, Tần Nhị Thế kế vị. Năm 209  trước Công nguyên, 900 nông dân bị bắt đi làm lính thú ở biên giới phía bắc dưới sự lãnh đạo  của Trần Thắng, Ngô Quảng đã khởi nghĩa tại Đại Trạch hương. Nhiều quý tộc cũ của sáu nước cũng nhân đó dấy quân chống Tần.

Cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng, Ngô Quảng bị thất bại, các nghĩa quân dưới sự lãnh  đạo của Lưu Bang, Hạng Vũ tiếp tục chống lại nhà Tần. Lúc này Tần Nhị Thế bị Triệu Cao  hãm hại, ngay sau đó Vương tử Anh lại giết chết Triệu Cao. Nền thống trị của đế quốc Tần  tan vở. Tháng 10 năm 207 trước Công nguyên, Lưu Bang chỉ huy quân khởi nghĩa tiến vào  Hàm Dương. Vương tử Anh đầu hàng. Đế quốc Tần diệt vong.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/791-02-633366755295433750/Nhung-de-quoc-hung-manh-mot-thoi/De-quoc-T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận