Tài liệu: Đế quốc A Rập

Tài liệu
Đế quốc A Rập

Nội dung

ĐẾ QUỐC A RẬP

Đế quốc A Rập mà trong sách sử cổ đại Trung Quốc gọi là “Đại Thực”, thông thường dùng để chỉ chung các quốc gia Islam giáo do người A Rập lập ra từ thế kỷ VII - thế kỷ XIII.

Giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương có một bán đảo lớn là bán đảo A Rập. Từ xưa trên bán này có bộ tộc du mục nói tiếng Semites sinh sống, trong lịch sử gọi là người A Rập (Arabia). Đầu thế kỷ VII, trên bán đảo A Rập lúc này, xã hội thị tộc dần dần tan rã, hình thành xã hội có giai cấp. Mâu thuẫn xã hội giữa tầng lớp phú thương, chủ nô và bọn cho vay nặng lãi với những người dân đói khổ cùng quẫn biến thành nô lệ ngày một sâu sắc. Ở Mekka lúc này là một thành phố thương nghiệp, mọi người mong muốn việc buôn bán được thuận lợi, thị trường sầm uất, chấm dứt tình trạng hỗn loạn, các thương đội tranh giành cướp bóc lẫn nhau, hy vọng tiến tới sự thống nhất và ổn định về chính trị.

Chính vào lúc đó, Muhammad đã đứng lên dương cao ngọn cờ thống nhất bán đảo A Rập và là người sáng lập ra đạo Islam, một trong ba tôn giáo lớn của thế giới. Năm 622, Muhammad rời thành Mekka đi nhiều nơi truyền bá đạo Islam. Ông tự xưng là sứ giả của Thánh Allah, là “đấng tiên tri”. Sau mười năm rời chinh chiến, đấu tranh phức tạp, nếm đủ mọi mùi gian khổ, cuối cùng Muhammad đã xây dựng được một quốc gia thống nhất giữa tôn giáo và chính trị. Năm 632, ông thống lĩnh 10 vạn tín đồ hành hương về thánh địa Mekka. Tháng 6 năm ấy, Muhammad lâm bệnh, qua đời tại Médina. Lúc này bán đảo A Rập về đại thể đã được thống nhất.

Người kế thừa Muhammad gọi là Califa, có nghĩa là “người thay thế đấng tiên tri”. Các tín đồ đạo Islam gọi là Muslin, tiếng A Rập có nghĩa là “người tôn thờ thánh Allah”. Califa không chỉ là lãnh tụ tôn giáo mà còn là thủ lĩnh chính trị và quân sự của quốc gia A Rập. Lúc đầu Califa do tuyển cử bầu ra. Sau khi gia tộc Ommayades nhận thức Califa thì chế độ bầu cử chuyển thành chế độ quân chủ thế lập (cha truyền con nối). Từ đây bắt đầu thời kỳ thống trị của vương triều Ommayades (661 – 750), thủ đô đặt tại Damas thuộc Syria. Trong thời gian này, A Rập giương ngọn cờ “Thánh chiến”, chinh đông phạt tây, ra sức bành tướng. Phía đông đánh tới lưu vực sông Ấn (Indus) và biên giới phía tây của nhà Đường (Trung Quốc) . Phía tây, chiếm lĩnh Trung bộ và Bắc bộ châu Phi, vượt qua eo biển Cibraltar tiến vào Tây Ban Nha. Đến giữa thế kỷ VIII đã lập nên đế quốc A Rập rộng lớn trải dài trên ba châu lục Âu, Á, Phi, phía đông đến Ấn Độ và biên giới Trung Quốc, phía tây tiếp giáp với Đại Tây Dương. Bản đồ đế quốc Ả Rập đã rộng mở, vượt xa cả đế quốc Ba Tư, đế quốc Alexandros, đế quốc Roma hùng mạnh một thời.

Năm 750, đế quốc hình thành chưa được bao lâu thì vương triều Ommayades bị các cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ. Sau đó là bắt đầu thời kỳ thống trị của vương triều Abbasside. Năm 762, Abbasside dời đô về Baghdad. Ít lâu sau, đế quốc A Rập rơi vào tình trạng phân liệt. Đầu thế kỷ X, con cháu của dòng họ Ommayades đã khôi phục được nền thống trị của vương triều Ommayades tại Tây Ban Nha. Tín đồ của một giáo phái Islam giáo lập ra vương triều Fatima ở Bắc Phi. Vương triều Fatima đã chinh phục được những miền đất nay là Tunisie, Algeria, Syria, palestine, Ai Cập, đảo Sicilia, đảo Sardeigna. Năm 973, vương triều Fatima dời đô về Cairo. Đây là quốc gia Ả Rập cường thịnh nhất trong ba quốc gia A Rập hình thành sau khi đế quốc đã phân liệt.

Từ khi bị chia cắt, đế quốc A Rập đã suy yếu đi. Năm 1055, một thủ lĩnh người Thổ Nhĩ Kỳ (Turk) là Seljuk, sử sách thường gọi là người Turk - Seljuk, đem quân xâm nhập Baghdad, thực tế là xóa bỏ vương triều Abbasside, nền thống tri của Califa hầu như không còn nữa. Người Turk - Seljuk cũng theo Islam giáo nên trên hình thức họ thừa nhận Califa chỉ là thủ lĩnh tôn giáo chứ không còn có thực quyền gì nữa.

Năm 1285 người Mông Cổ sau khi đã chiếm nhiều nước châu Âu, họ tiến xuống phía  nam, chiếm lĩnh Baghdad. Đế quốc Islam giáo này bị diệt vong.

Đế quốc A Rập cường thịnh một thời này đã có những đóng góp lớn vào kho tàng văn  hoá của nhân loại. Do đế quốc được xây dựng trên nền tảng của mấy trung tâm của nền văn  minh cổ đại thế giới, nên đã kế thừa di sản của các nền văn minh này, khiến cho nền văn hoá  A Rập đạt được những thành tựu huy hoàng.

Cư dân các nước bị người A Rập chinh phục đều chịu theo đạo Islam và đã tiếp thu  chữ viết A Rập. Cư dân Ai Cập, Syria, Palestine, Lưỡng Hà còn hoàn toàn tiếp thu tiếng nói Ả Rập là thứ tiếng rất gần gũi với tiếng nói của bản thân họ trước kia.

Về phương diện toán học, người A Rập đã tiếp thu phương pháp ghi số 10 chữ số của người Ấn Độ rồi truyền bá rộng rãi sang châu Âu mà đến nay nhiều người vẫn lầm tưởng đó  là chữ số Ả Rập. Họ còn sáng lập ra môn đại số học hoàn chỉnh. Thủ đô Baghdad dưới thời Abbasside trở thành một trung tâm khoa học và văn hoá lớn của thế giới lúc đó. Cuốn sách “70 chương” của Giabia (tên Latin gọi là Geber)  một loại bách khoa toàn thư về thần học,  chính trị học, khoa học tự nhiên. Nhà bác học Ipn – xin viết sách Quy tắc của khoa y học (Y điển) và Sách thuốc trị bệnh. Tác phẩm này rất được phổ biến ở Tây Âu và trở thành tài liệu hướng dẫn chính của các thầy thuốc cho mãi đến thế kỷ XVII. Về phương diện văn học tác phẩm nổi tiếng nhất là Nghìn lẻ một đêm tập hợp rất nhiều câu chuyện dân gian kỳ diệu và  cảm động của nhiều dân tộc. Về phương diện tôn giáo, A Rập là nơi phát sinh ra đạo Islam, một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới. Kinh Coran còn được xem là tác phẩm văn học đồ sộ  có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần các dân tộc A Rập . Người A Rập còn có công là đã  đem những phát minh đặc sắc của các nước phương Đông về làm giấy, ấn loát, la bàn, thuốc súng... truyền sang châu Âu.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/791-02-633366754596371250/Nhung-de-quoc-hung-manh-mot-thoi/De-quoc-A...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận