ĐẾ QUỐC BA TƯ
Khoảng 2000 năm trước Công nguyên các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn - Âu sống đông đảo trên miền thảo nguyên phía bắc biển Caspian và biển Aral chia nhau thiên di xuống phương Nam, chinh phục các bộ lạc thổ dân rồi định cư ở đó, sau trở thành người Iran và người Ấn Độ. Đầu tiên người Iran, chia làm nhiều bộ tộc, trong đó mạnh hơn hết là người Medie và người Ba Tư (Persia) . Người Medie là bộ tộc đã dựng nước đầu tiên. Năm 612 trước Công nguyên, họ hợp lực với người Chaldée lật đổ đế quốc Assur, lập ra một vương quốc ở vùng phía đông sông Tigre.
Đầu thế kỷ VI trước Công nguyên tộc Anshan thuộc người Ba Tư đã dựng lên vương quốc Ba Tư. Vương quốc này dần dần thống nhất các bộ tộc người Ba Tư khác rồi tự cường lên rất nhanh chóng. Năm 550 trước Công nguyên, vua Ba Tư là Cyrus lãnh đạo nhân dân Ba Tư đánh đổ vương quốc Medie và chiếm lấy đất đai, vương quốc Medie trở thành một bộ phận của đế quốc Ba Tư, người Medie hỗn hợp với người Ba Tư thành một bộ tộc duy nhất. Đế quốc Ba Tư nhanh chóng bành trướng thế lực Vua Cyrus hiếu chiến, học theo chính sách của bọn quí tộc quân sự Assur ngày trước thành lập một đạo quân thường trực. Đạo quân này gồm những đội xạ thủ lành nghề và những đội kỵ binh dũng mạnh. Nhờ có đội quân thiện chiến như vậy Cyrus đã không ngừng mở rộng xâm lược nước ngoài.
Trước sự cường thịnh của vương quốc Ba Tư, các nước ở Đông bộ Địa Trung Hải như Lydie, Chaldée Ai Cập và Sparta bèn liên hiệp lại với nhau, tổ chức đồng minh quân sự để tự vệ. Song liên quân của nước đồng minh này chưa kịp tập hợp lại với nhau thì quân đội Ba Tư đã ào tới. Năm 546 trước Công nguyên, vua Cyrus đem quân vây đánh thủ đô Lydie là Sardes, bắt sống vua Crusus. Liền sau đó, quân đội Ba Tư lại chiếm các thành bang Hy Lạp ở vùng bờ biển Tiểu Á và suốt dải đất Syrie. Năm 538 trước Công nguyên, Cyrus thừa thắng không đánh mà chiếm được Babilone, thủ đô của vương quốc Chaldée. Trong vòng chưa đầy mười hai năm, vương quốc Ba Tư đã thống nhất được cả miền Tây bộ châu Á.
Năm 525 trước Công nguyên con Cyrus là Cambyse, đem quân chinh phục Ai Cập, cả lưu vực sông Nil bị nhập vào bản đồ đế quốc Ba Tư. Năm 513, vua Ba Tư là Darius chinh phục được xứ Thrace tức bắc bộ bán đảo Hy Lạp. Dưới thời Darius, đế quốc Ba Tư phát triển cực thịnh; biên giới phía đông giáp với sông Ấn; phía tây đến tận bờ biển Egéc; phía bắc lên đến biển Aral, Caspian, Hắc Hải; phía nam giáp vịnh Ba Tư và bao gồm cả Ai Cập, hơn tất cả mấy trung tâm văn minh cổ đại phương Đông vào làm một mối. Để cai trị đế quốc rộng lớn này có hiệu quả, Darius đặt ra một chế độ hành chính địa phương rất chặt chẽ. Ngoài lưu vực Lưỡng Hà và Ai Cập trực tiếp lệ thuộc nhà vua, còn tất cả những đất đai khác đều đem chia thành các khu (Satrapies), mổi khu cử một tổng trấn (Strape) đến cai trị. Bên cạnh viên tổng trấn trông coi việc hành chính và tư pháp , nhà vua còn cử thêm một viên lãnh binh trông coi việc quân sự, cốt để cho hai bên kiềm chế và giám sát lẫn nhau . Nhà vua còn thường xuyên phái những viên ngự sử đi các nơi để nắm tình hình và phát hiện những âm mưu phiến lọan để kịp thời trấn áp.
Kinh đô của đế quốc Ba Tư là Suse, đô thành cũ của người Elam. Người Ba Tư còn xây dựng thêm một kinh đô ở Persepolis Darius cho mở mang một mạng lưới giao thông từ thủ đô Suse về các tỉnh. Trên các trục giao thông có đặt nhiều trạm dịch, có lính trạm phi ngựa truyền đạt mệnh lệnh hỏa tốc của nhà vua hoặc xem báo cáo ở các nơi về kinh đô. Có con đường dài đến 2400km nối kinh đô Suse đến Ephese, một thành bang Hy Lạp, nằm trên bờ biển Tiểu Á, gọi là đường “hoàng đạo” vẫn có các trạm thay nhau cử người chạy ngựa suốt ngày đêm để đưa tin, chỉ trong bảy ngày là có thể đến nơi.
Đế quốc Ba Tư còn trở thành một nước có lực lượng hải quân hùng mạnh. Darius đã dùng người Phénicie vốn thạo nghề sông nước để tổ chức một hạm đội gồm mấy trăm chiến thuyền, tranh bá quyền trên biển ở Đông bộ Địa Trung Hải với người Hy Lạp . Darius còn tập trung dân công vét sông, mở lại con sông đào ở eo đất Suez do vua Ai Cập đã cho đào từ xa xưa nay đã tắc lại khai thông đường thủy giữa Địa Trung Hải với Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Mậu dịch trên biển giữa Ấn Độ và khu vực Địa Trung Hải dần dần phồn thịnh trở lại.
Sự thống nhất về chính trị và sự mở mang đường giao thông liên lạc của đế quốc Ba Tư đã thúc đầy cho sự phát triển thương nghiệp và giao lưu văn hoá giữa các nước phương Đông. Việc thành lập đế quốc Ba Tư của dòng họ Achéménides đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử cổ đại phương Đông. Tuy vậy, giống như một số đế quốc trước kia, đế quốc Ba Tư được xây dựng bằng vũ lực và được duy trì trên cơ sở áp bức bộ tộc, trên lãnh thổ đế quốc những kẻ ở vào địa vị thống trị đều thuộc giai cấp quí tộc người Ba Tư. Đế quốc Ba Tư chỉ là một tổ chức hỗn hợp của các bộ tộc rất phức tạp, thiếu cơ sở kinh tế, văn hoá thống nhất. Mặt khác, mâu thuẫn giữa các bộ tộc đi chinh phục và các bộ tộc bị chinh phục, mâu thuẫn giữa bọn quí tộc với nô lệ ngày một sâu sắc, gay gắt thêm: Bởi vậy đế quốc Ba Tư không duy trì được lâu, dễ bị tan vỡ nếu gặp phải sự tấn công ở bên ngoài vào. Đầu thế kỷ V trước Công nguyên, đế quốc Ba Tư ba lần mang quân đi chinh phục Hy Lạp nhưng đều bị thất bại thảm hại. Cuối cùng, đến năm 330 trước Công nguyên, đế quốc Ba Tư bị Alexandros, vua nước Hy Lạp - Macedonia đem quân sang tiêu diệt. Lịch sử đế quốc Ba Tư tạm thời kết thúc.