Tài liệu: Nền văn minh cổ ở Trung Mỹ

Tài liệu
Nền văn minh cổ ở Trung Mỹ

Nội dung

NỀN VĂN MINH CỔ Ở TRUNG MỸ

NỀN VĂN MINH CỦA NGƯỜI MAYA

Trên bán đảo Yukatan ở Trung Mỹ thuộc Đông nam Mexico, Bắc Guatemala và Hondusas ngày nay, trên 2000 năm trước đây đã có người Maya, một bộ tộc người Indian (người da đỏ) sinh sống. Họ đã tạo dựng nên một nền văn minh cổ đại đạt tới trình độ phát triển cao. Người ta gọi đó là nền văn minh của người maya.

Dựa trên những phát hiện khảo cổ học và những di tích lịch sử văn hóa khác, ta biết rằng vào thế kỷ I tr CN, các quốc gia – thành thị của người Maya đã ra đời. Trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm, các quốc gia – thành thị trên bán đảo Yukatan vẫn tồn tại cho đến khi thực dân Tây Ban Nha đến xâm lược vùng đất này ở đầu thế kỷ XVI. Bọn xâm lược đã tàn sát cư dân, phá hủy nghiêm trọng nền văn hóa của người Maya. Tuy vậy những di tích đền đài cung điện đồ sộ, các bản khắc văn bia còn lại cùng những tác phẩm điêu khắc trên vách hang động và các công cụ lao động do khảo cổ học phát hiện cũng đã nói lên phần nào về nền văn minh cổ đại lâu đời ở vùng Trung Mỹ này.

            Người Maya sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng kỷ thuật canh tác còn lạc hậu. Họ chặt cây, đốt rẫy, chọc lỗ tra hạt. Cây trồng chính là ngô, đậu, cà chua, ca cao, bí đỏ, ớt. Ngoài ra họ còn trồng loại cây bông, gai để lấy sợi dệt vải.

            Để có nước tưới cho cây trồng, người Maya đã biết xây dựng các công trình thủy lợi. Ở Etga vẫn còn di tích một hệ thống thủy lợi xây dựng cách đây gần 2000 năm, gồm có các đê, đập, cống với hệ thống kênh dẫn nước dài tới 20km. Kênh chính rộng 50m, sâu 1,5m, những kênh này thông tới các hồ đầm chứa nước rất lớn. Địa điểm cư trú của người Maya đều ở gần các nguồn nước, tiện cho việc trồng trọt, sinh hoạt và đi lại.

            Nghề chăn nuôi cũng khá phát triển, chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Maya. Họ chăn nuôi nhiều loài vật như: chó, gà, hưu nai, ong, ngoài ra họ còn săn bắn thú rừng và đánh cá ở ven sông suối.

            Về thủ công nghiệp, người Maya chú trọng nhiều tới các nghề dệt, mộc, đồ đá, đồ gốm, đồ trang sức. Họ còn biết làm một hệ thống kênh rạch đặc biệt để sản xuất ra muối ăn.

            Về phương diện xã hội, người Maya được phân chia thành hai lớp là dân tự do và nô lệ. Nô lệ có số lượng đáng kể, địa vị thấp kém, phải làm những công việc nặng nhọc như chặt cây, đốt rẫy, làm đường xá, xây dựng đền đài cung điện. Chiếm số đông dân tự do là những người lao động sản xuất, còn một bộ phận nhỏ là tầng lớp thống trị bao gồm quí tộc quân sự, các quan chức và tăng lữ. Đứng đầu nhà nước là một vị “vua” (Khalacvinit) có quyền lực tối cao, kể cả quyền bổ nhiệm những người đứng đầu các quốc gia phụ thuộc. Giúp cho việc “vua” là một tăng lữ. Vị tăng lữ này được cử các tăng lữ dưới quyền mình.

            Về tôn giáo, người Maya tôn thờ các vị thần tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp: Thần Mặt trời, Thần mưa, Thần nước... Họ đã xây dựng nhiều đền để thờ và việc cúng tế được tổ chức rất cẩn thận.

            Người Maya đã đạt được những thành tựu rực rỡ về phương diện văn hóa. Họ đã sáng tạo ra một loài văn tự kết hợp giữa tượng âm và tượng hình, là văn tự viết duy nhất trong các hệ thống văn tự cổ của người Indian ở châu Mỹ. Tiếc rằng những tài liệu chữ viết của người Maya đã bị hủy hoại nặng nề sau khi thực dân Tây Ban Nha chiếm được Trung Mỹ. Năm 1672 vị giáo chủ Diego do Landa đã ra lệnh đốt hết những bản chép tay của người Maya. Đến nay chỉ còn tìm thấy bốn bản chép tay bốn bộ luật của người Maya và trên các bia đá còn sót lại cũng tìm được di tích của thứ chữ viết này. Cho mãi tới giữa thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu mới  tìm cách đọc được các văn bia này. Nhờ đó chúng ta hiểu được phần nào quá trình lịch sử của người Maya trong một thời kỳ dài hàng nghìn năm.

            Người Maya là những nhà xây dựng tài ba. Họ đã xây dựng rất nhiều thành phố, trong đó có những thành phố lơn như: Teotikuacan, Copan Chile, Chikali... thành phố nào cũng là một tập hợp quần thể kiến trúc bằng đá bao gồm cung điện, đền thờ, nhà ở và sân vận động, thành phố Teotikuacan mà các nhà khảo cổ học phát hiện được vào năm 1919 là thành phố cổ nhất của người Maya được xây dựng ở thế kỷ I trong một thung lũng ở vùng Azteca. Hầu hết nhà cửa ở đây đều được xây dựng bằng đá hoặc đất nung, được chạm khắc công phu. Trong những công trình kiến trúc này đáng chú ý có hai Kim tự tháp Mặt trời và Mặt trăng xây bằng đá khá cao, mang tính nghệ thuật độc đáo. Tiếc rằng, thành phố này đã bị tai nạn núi lửa chôn vùi vào khoảng năm 620 – 650.

            Thành phố còn lưu giữ nhiều nhất những di sản kiến trúc của người Maya là thành phố Copan nằm trên lãnh thổ nước Guatemala ngày nay. Ở đây cũng có nhiều loại hình kiến trúc nhưng đáng chú ý nhất là Kim tự tháp đồng thời là những đền thờ, được xây dựng trong một quần thể kiến trúc có nhiều tấm bia và nhiều pho tượng chạm khắc công phu ở chung quanh. Điêu khắc đã phát triển đa dạng với những hoa văn chạm trổ trên tường, những bức phù điêu và những pho tượng thần, tượng người bằng đất nung.

            Người Maya còn đạt tới trình độ hiểu biết về thiên văn học rất cao. Điều này thể hiện rất rõ trong việc xây dựng các công trình kiến trúc và trong hệ thống lịch thời gian của họ. Kim tự tháp Mặt trời ở thành phố cổ Teotihuacan giống như một thứ lịch để tính năm và tính mùa dựa theo ánh sáng mặt trời chiếu trên tháp và bóng tháp.

            Người Maya cổ đã xác định được với độ chính xác thật đáng kinh ngạc, chu kỳ vận động của một số thiên thể. Họ đã tính ra một tháng Mặt trăng dài 29,53020 ngày hoặc 29,53086 ngày, trong khi thiên văn học hiện đại với các dụng cụ đo đạc chính xác nhất xác định rằng thánh Mặt trăng dài 29,53059 ngày.Người Maya cũng xác định năm Mặt trời dài 365,242129 ngày, còn tính toán hiện đại là 365,242198 ngày. Người Maya cũng đã tính được quĩ đạo của sao Kim là 584 ngày gần đúng với kết quả tính toán của các nhà thiên văn học hiện đại. Đây quả là một điều bí ẩn mà chúng ta còn phải tiếp tục khám phá.

 

NỀN VĂN MINH CỦA NGƯỜI AZTECA

 

            Người Azteca, một tộc người da đỏ sống ở Bắc Mỹ, đã di cư xuống Trung Mỹ vào đầu thế kỷ XIV và định cư trên một vùng đất thuộc Mexico  ngày nay. Ở đây, quốc gia của người Azteca được hình thành và phát triển đạt  tới thời kỳ cực thịnh vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.

            Lịch sử của người Azteca không dài so với lich sử của đế quốc Inca và Maya nhưng họ đã tạo dựng được một nền văn minh đặc sắc.

            Người Azteca sống chính bằng nghề nông. Họ trồng ngô và biến ngô thành lương thực chủ yếu nuôi sống toàn bộ cư dân bản địa, ngoài ra còn trồng thêm khoai, sắn, đậu, cà chua, ca cao, rau và đặc biệt là thuốc lá và bông. Người Azteca đã biết xây dựng những công trình thủy lợi, hệ thống mương máng. Bên cạnh nghề nông, người Azteca còn làm nhiều nghề thủ công như khai mỏ, luyện kim, làm các đồ mỹ nghệ bằng vàng, bạc, gỗ, đá quí. Tuy chưa biết đến sắt, nhưng việc sản xuất các đồ dùng bằng đồng rất phổ biến. Họ đã biết sử dụng hợp kim đồng và thiếc để cắt gọt kim loại, đá cứng và chế tác nông cụ trong khi ở một số bộ tộc khác còn dùng đá và gỗ làm công cụ sản xuất. Đối với người Azteca, vàng là thứ kim loại thiêng của thần Mặt trời, chỉ dành riêng cho thủ lĩnh (vua). Người Azteca còn biết dùng lông chim may quần áo và trang trí nhà cửa.

            Xã hội người Azteca phân hóa thành hai giai cấp rõ rệt: quí tộc chủ nô và nô lệ. Bên cạnh đó còn tầng lớp tăng lữ, thương dân và dân tự do. Nô lệ chiếm số đông, có nguồn gốc từ tù binh, tội phạm và do bị đem đi mua bán. Chủ nô giàu có, nắm giữ nhiều quyền hành. Người đứng đầu nhà Nước có quyền lực rất lớn và được thần thánh hóa. Các quí tộc và tăng lữ đặt ra khá nhiều nghi lễ để chứng tỏ mối liên quan giữa người đứng đầu Nhà nước với các vị thần đã ban cho họ quyền lực dưới dạng vàng.

Về văn hóa, người Azteca để lại một di sản ít hơn so với người Inca và  người Maya. Trong số những di tích văn hóa còn sót lại, đáng chú ý hơn cả là  những công trình kiến trúc. Thành phố Tenochtilan, kinh đô cổ của người Azteca (sau đổi thành Mexico), là một thành phố đồ sộ với nhiều công trình  kiến trúc hoành tráng và cư dân đông đúc với 6 vạn ngôi nhà. Dinh thự của vua và các quan đều to đẹp. Nhà dân thì nhỏ và nghèo nhưng vẫn có 2, 3 hay  10 người ở. Thành phố xây dựng trên vùng đất ngập nước có ba loại đường rộng và xinh xắn: đường bộ, đường thủy, đường nửa bộ nửa thủy. . . Những ngọn tháp và đền đài trong thành phố được xây dựng bề thế, trang trí bằng  vàng với khối lượng lớn. Chẳng hạn, trong một ngôi đền, người ta đã gắn lên  trần những ngôi sao bằng vàng, những con chuồn chuồn, bươm bướm, chim chóc cũng bằng vàng trông rất sống động như đang bay lượn trên đầu du  khách đến xem.

Những ngôi đền đó có hình trụ, hình tháp, có thềm bậc thang  lên cửa, nhiều tháp nối tiếp có trang trí các phù chú (tabu) , chạm trổ tinh vi gây ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt nhất là những ngôi đền hình Kim tự tháp mà các  mặt là những bậc hình thang, trong số đó, Kim tự tháp Moteaban là một công  trình kiến trúc tiêu biểu. Khác với các Kim tự tháp ở Ai Cập là những khối ba  mặt phẳng có chóp nhọn, Kim tự tháp Azteca hay Maya thường có nhiều mặt, hình bậc thang, mái chóp chẳng, lợp ngói cuốn. . . Nghệ thuật điêu khắc gắn liền với các công trình kiến trúc này cũng đạt đến độ tinh tế, đặc sắc. Qua các  pho tượng và các bức phù điêu còn lại, người ta có thể hình dung khá rõ  những cảnh bất tù binh, những lễ hội đầu năm của người đương thời và tín ngưỡng, tôn giáo của người Azteca. Pho tượng đá khổng lồ ngoài trời nặng 24  tấn là thần Mặt trờì. Người Azteea cũng thờ thần Mặt trăng và tôn sùng sức mạnh thiên nhiên như sấm,chớp, mây, mưa. . . Người Azteca có thiên hướng trận mạc, coi thần Chiến tranh Huitji - lopochthi là đấng thần linh quyền uy.

Người Azteca cũng như người Maya đã sáng tạo ra chữ viết riêng của mình ở dạng họa hình (pictographe) hay tượng hình (hiéroglyphe) . Với chữ  viết độc đáo đó cùng với lịch pháp và chữ số do họ sáng tạo ra, người Azteca đã ghi lại những qui chế của nhà nước, sự kiện lịch sử, truyện thần thoại và các bài ca.

Người Azteca cũng đạt tới trình độ cao về hiểu biết thiên văn. Ở thủ đô Mexico hiện nay vẫn còn giữ được một tấm lịch bằng đá nặng 20 tấn của người Azteca. Theo lịch này, người Azteca chia mỗi năm thành 365 ngày, gồm 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, cuối năm có 5 ngày bổ sung. Nếu so sánh  với lịch châu Âu cùng thời thì lịch mặt trời của người Azteca chính xác hơn.

Còn bao nhiêu thành tựu văn hoá khác nữa nói lên trình độ văn minh của  người Azteca cũng như của các cư dân da đỏ vùng Trung Mỹ. Tuy nhiên mặt  hạn chế của người Azteca cũng như của các tộc người da đỏ khác nói chung là  thiếu thống nhất, cơ sở kinh tế còn lạc hậu nên đã bị thất bại trước cuộc xâm  lược của thực dân Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XVI. Sự sụp đổ của họ không  phải là kết quả của quá trình vận động nội tại mà là hậu quả của công cuộc  chinh phục mang tính diệt chủng của thực dân phương Tây. Sau khi chiếm được Mexico vào năm 1521, bọn thực dân đã biến dần bản địa thành nô lệ.  Chúng tàn phá, hủy diệt các công trình văn hoá của người Maya cũng như của  người Azteca, tiếp tục mở rộng cuộc xâm lăng sang các vùng lân cận. Ba năm  sau, chúng đã chiến tất cả đất đai ở Trung Mỹ từ Mexico đến Panama.

Nền văn minh Azteca cũng như văn minh Maya bị xếp vào. Những  nền văn minh đã mai một. (Tên một tác phẩm của A. Kondratov - Varsawa 1973) .

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/790-02-633366182846683750/Cai-noi-cua-nen-van-minh-nhan-loai/Nen-van...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận