Tài liệu: Đế quốc Mông cổ (Mongol)

Tài liệu
Đế quốc Mông cổ (Mongol)

Nội dung

ĐẾ QUỐC MÔNG CỔ (MONGOL)

Cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, những người Mông Cổ sống thành các bộ lạc, liên minh bộ lạc trên vùng thảo nguyên châu Á rộng lớn từ hồ Baikal và sông Amur phía đông đến thượng lưu các sông Irtych, sông Ienisséi phía tây, từ miền nam Sibéria đến Vạn lý trường thành phía nam. Danh từ Mông Cổ (Mongol) chính thức xuất hiện trong sách vở sau khi Tringhit Khan (Thành Cát Tư hãn) lập nên quốc gia Mông Cổ thống nhất (1206).

Trước thế kỷ XIII, các nhà sử học A Rập, Ba Tư, Arménia, Nga đều gọi người Mông Cổ là người Tartares. Sử sách Trung Quốc gọi là người Thát.

Từ thế kỷ XII, các bộ lạc, liên minh bộ lạc đấu tranh với nhau gay gắt để cướp súc vật, của cải, nô lệ, đồng cỏ. Những bộ lạc thua trận trở nên phụ thuộc và quí tộc bộ lạc trở thành chư hầu của quốc vương (hãn) và quí tộc của bộ lạc chiến thắng. Trong cuộc đấu tranh khốc liệt lâu dài đó dần dần hình thành quốc gia Mông Cổ với sự chiến thắng của liên minh bộ lạc do Temujin (Thiết Mộc Chân) cầm đầu. Năm 1206, bên bờ sông Hannam đã có cuộc “đại tụ hội” (tiếng Mông Cổ gọi là Khurintai) của các thủ lĩnh các bộ lạc Mông Cổ. Ở đại hội này Tumujin được cử làm người thống trị tối cao của toàn Mông Cổ và tôn xưng ông là Tringhit Khan (Thành Cát Tư hãn) có nghĩa là “vị vua hùng mạnh”.

            Sau khi thống nhất với một tổ chức quân sự mạnh, thiện chiến, Tringhit Khan và tập đoàn quí tộc dốc tất cả lực lượng của bộ tộc Mông Cổ vào những cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô mang tính chất phá hoại khủng khiếp.

            Đầu tiên người Mông Cổ chinh phục các bộ lạc miền Nam Sibéria, rồi tiến xuống Bắc Trung Quốc đánh người Nữ Chân. Năm 1215 họ chiếm Bắc Kinh và một bộ phận lãnh thổ nước Kim. Sau đó Tringhit Khan đem đại quân tiến sang Trung Á. Vua Khorassan bỏ chạy. Quân Mông Cổ kéo vào các thành thị, tàn sát dã man chưa từng thấy, đàn ông bị chặt đầu, phụ nữ và trẻ em bị biến thành nô lệ. Nhiều khu vực ở Trung Á đã biến thành bãi đất hoang.

            Sau khi vương quốc Khorassan bị đánh tan, quân tiên phong của Mông Cổ đã tiến tới vùng đồng cổ Nam Nga (tức Nam Ucraina bây giờ) đánh tan liên quân ở các vương công Nga. Họ bắt trói các vương công Nga, lấy ván gỗ đặt lên trên rồi ngồi ở đó ăn tiệc mừng chiến thắng.

            Năm 1227 Tringhit Khan mất, con là Ogodey lên ngôi Hãn và sau đó những người kế tục như Mongke, Hunbilai (Hốt Tất Liệt) tiếp tục mở cuộc viễn chinh xâm lược đẫm máu về phía tây, phía đông rồi tràn xuống phương Nam.

            Năm 1235, Ba Tư (Bạt Đô) cháu của Tringhit Khan đem quân xâm chiếm nước Nga, rồi xâm nhập Ba Lan, chiếm thủ đô Ba Lan Krakov, rồi lại tiến sang Hungari, chiếm thủ đô Budapest đốt trụi thành phố này. Người Mông Cổ tàn sát rất ghê gớm ở Ba Lan và Hungari.

            Một người cháu của Tringhit Khan là Hulagu tấn công Iran. Năm 1258, quân Mông Cổ đã chiếm được Baghdad. Baghdad bị tàn phá dữ dội. Califa Abasside cuối cùng bị quân Mông Cổ bắt sống đem xử tử. Đất đai Syria và vùng Lưỡng Hà biến thành một nơi hoang tàn. Người Mông Cổ từ Lưỡng Hà tiếp tục tiến sang phía Tây, chiếm phần lớn lãnh địa của người Seljuk ở tiểu Á tới tận bờ Địa Trung Hải. Các đất đai người Mông Cổ đã chiếm hợp thành một quốc gia lấy Iran làm trung tâm. Đó là vương quốc của Hulagu.

            Về phía đông, quân Mông Cổ tiêu diệt nước Kim ở Bắc Trung Quốc (1234), xâm chiếm Triều Tiên, đánh Tống. Năm 1278, dưới quyền chỉ huy của  Hubilai (Hốt Tất Liệt) quân Mông Cổ đã tiêu diệt Nam Tống, toàn bộ Trung Quốc đặt dưới sự thống trị của Hubilai, sau trở thành Nguyên Thế Tổ, người khai sáng ra triều đại nhà Nguyên. Nhật Bản cũng bị hai lần tấn công. Miến Điện (nay là Myanmar) sau ba lần bị xâm lược đã phải chịu thuần phục. Nước Đại Việt nhỏ bé phải ba lần tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Cả miền Đông Nam Á xa xôi với những hòn đảo bị biển lớn ngăn cách với đại lục như Java cũng bị uy hiếp nghiêm trọng và cũng không thoát khỏi trận cuồng phong máu lửa đó.

            Thế là trong quá trình xuất hiện, đế quốc Mông Cổ đã chia thành bốn nước lớn: Bản địa Mông Cổ và Trung Quốc. Quốc gia Tchagatai (Sát Hợp Đài) ở vùng Trung Á – Kim trướng Hãn quốc là quốc gia của Batu ở miền đất nước Nga và Đông Âu – Quốc gia của Hulagu ở vùng Trung Cận Đông. Tuy có một “đại hãn” đứng đầu, cao hơn các “hãn” khác, nhưng trên thực tế bốn quốc gia này độc lập với nhau, thậm chí còn đánh lẫn nhau.

            Chiến thắng của người Mông Cổ trong thế kỷ XIII làm rung chuyển cả một khu vực rộng lớn từ phương Đông cho đến miền cực Tây của thế giới lúc bấy giờ. Bọn quý tộc Mông Cổ đã lợi dụng những phẩm chất anh dũng, gan dạ, quả cảm, hy sinh quên mình cùng tài cưỡi ngựa phóng lao, thiện chiến và đức tính chất phác của các bộ tộc du mục người Mông Cổ để lao vào cuộc cướp bóc và giết hại cư dân các nước khác. Cuộc xâm lược của người Mông Cổ có tác dụng phá hoại rất lớn, kìm hãm sự phát triển của nước bị chinh phục vốn là những nước tiên tiến hơn Mông Cổ. Những cuộc xâm lược ấy không mang lại lợi ích gì cho cư dân Mông Cổ, thậm chí của cải của các nước bị chinh phục cũng không chở về Mông Cổ.

Một đặc điểm của cuộc xâm lược của người Mông Cổ là không hình thành một bộ tộc Mông Cổ ở tất cả các nước bị xâm lược, thậm chí tiếng Mông Cổ cũng mất đi mau chóng. Họ không để lại một chút ảnh hưởng nào về văn hoá và ngừ ngôn, trái lại họ dần dần bị đồng hoá với cư dân bản địa. Đó là hiện tượng tất nhiên khi một bộ tộc lạc hậu xâm lược các nước tiên tiến.

Đế quốc Mông Cổ rộng lớn dầu dần chia năm sẻ bảy, ngày một suy yếu và cuối cùng thì tan rã.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/791-02-633366755059027500/Nhung-de-quoc-hung-manh-mot-thoi/De-quoc-M...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận