THIÊN HOÀNG (TENNO)
Thiên hoàng là tên gọi các vị Hoàng đế của Nhật Bản, thời cổ đại còn gọi là Thần hoàng. Trước khi xưng là Thiên hoàng, người cầm quyền cao nhất ở nước Nhật xưng là Đại vương. Năm 607, trong thư của sứ giả Nhật Bản gửi lên nhà Tùy ở Trung Quốc, lần đầu tiên sử dụng câu văn đối ngoại: “Đông Thiên hoàng kính gửi Tây Hoàng đế”.
Năm 646, Nhật Bản phỏng theo chế độ phong kiến nhà Đường ở Trung quốc, thực hiện cuộc cải cách chính trị, kinh tế từ trên xuống dưới, trong sử chép là Đại Hóa cải tân. Năm 701 Thiên hoàng Văn Vũ ban bố pháp lệnh Đại Bảo nhất loạt đổi tên gọi Đại vương trước đây thành Thiên hoàng. Năm 712 và 720 biên soạn sách Cổ sự ký và Nhật Bản thư ký, trong đó có chép mục Thiên hoàng thần thoại. Thần thoại ghi: “Trên Trời cao” ở Thượng giới có hai vị thần nam nữ, các vị đã tạo ra đất nước Nhật Bản, lại sinh ra các thần, cuối cùng sinh ra ba vị thần, trong đó có một nữ thần là Thiên Chiếu đại thần tượng trưng cho mặt trời. Thiên Chiếu đại thần là tổ tiên của Hoàng thất Nhật Bản. Bà phái con cháu là Thiên tôn cho xuống Nhật Bản. Cháu của Thiên tôn chính là Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản: Thiên hoàng Thần Vũ. Thiên hoàng Thần Vũ lập ra nước Nippon (Đại Hoà) và lên ngôi vào năm 660 trước Công nguyên. Cho nên Nhật Bản là “Thần Quốc”, Thiên hoàng là con cháu của thần.
Từ giữa thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XIX, quyền lực của Thiên hoàng dần suy yếu đi trái lại với sự lớn mạnh của các thế lực phong kiến. Trên thực tế, chính quyền rơi vào trong tay các Tướng quân (Shogun) của Mạc Phủ, Thiên hoàng chỉ là người thống trị tối cao trên danh nghĩa. Thế kỷ XIX, sau Minh Trị duy tân (Cải cách Meiji), Mạc Phủ Tokugawa bị lật đổ, quyền hành trở lại tay của Thiên hoàng. Thiên hoàng lại trở thành người thống trị tối cao trong cả nước, Hiến pháp 1889 khẳng định quyền thống trị thần thánh của Thiên hoàng là bất khả xâm phạm. Đồng thời Thiên hoàng trở thành trụ cột tinh thần cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Bọn quân phiệt đưa vào uy thế của Thiên hoàng đã phát động chiến tránh xâm lược đối với nước ngoài. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, lòng tin đối với Thiên hoàng đã tan vỡ cùng với sự thất bại của đế quốc quân sự Nhật Bản. Năm 1946, Thiên hoàng Dụ Nhân (Hirohito) ra “tuyên ngôn”, thừa nhận Thiên hoàng là người chứ không phải là thần. Huyền thoại về các Thiên thần đã bị phủ định, nhưng hiến pháp mới của Nhật Bản lại quy định, Thiên hoàng là “tượng trưng của nước Nhật Bản, là tượng trưng của toàn thể quốc dân nhật Bản”, từ đó lại để cho Thiên hoàng có địa vị hợp pháp mới.