Tài liệu: Califa

Tài liệu
Califa

Nội dung

CALIFA

Califa là tên gọi người thống trị tối cao nắm cả chính quyền và giáo quyền trong các quốc gia lslam giáo.

Năm 632, người sáng lập ra đạo Islam, “nhà tiên tri” Muhammad qua đời. Ông không có con, cũng không chỉ định rõ ràng ai là người kế thừa chức vị của ông. Bạn ông, Abu Bekr được chọn làm người kế vị. Do Abu Bekr đã làm công việc truyền đạo thay mặt cho nhà tiên tri nên ông tự xưng là Califa, có nghĩa là người kế thừa đấng tiên tri - sứ giả của thánh Allah. Năm 634, Abu Bekr tạ thế. Trước lúc lâm chung ông nói với những người gần gũi thân tín nhất là trong dòng họ, ông không chọn được người có thể kế thừa, nên ông cho rằng Omar là người kế thừa tốt nhất, mọi người hãy phục tùng Omar. Thế là Omar kế thừa một cách thuận lợi toàn bộ quyền lực của Abu Bekr, tự xưng là “Califa của Califa của sứ giả thánh Allah”. Do danh xưng này quá dài, nên ông đổi gọi là “Califa Emil Momini” có nghĩa là “Quan chỉ huy quân sự của các tín đồ, người kế thừa của sứ giả thánh Allah”. Như vậy Califa đã trở thành danh hiệu của người thống trị các quốc gia Islam giáo. Abu Bekr, Omar và hai Califa sau này là Osman và Ali được gọi là “Bốn Califa đại chính thống”.

Năm 661 Moavia được lập làm Califa, dựng nên vương triều Ommayades (661 - 750). Từ đấy về sau, Califa trở thành thế tập, không phải qua tuyển cử và trở thành nhà vua của  đế quốc Ả Rập. Sau này đế quốc Ả Rập bị chia cắt, người thống trị một số vương triều địa phương cũng vẫn dùng xưng hiệu Califa. Từ giữa thế kỷ X, Califa vương triều Abbasside (750 - 1258) của đế quốc Ả Rập đã mất quyền lực chính trị, chỉ còn giữ được địa vị là thủ lĩnh tôn giáo. Năm 1517 đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chinh phục Ai Cập. Họ cũng theo Islam giáo nên trên hình thức họ thừa nhận Califa là thủ lĩnh của Islam giáo. Năm 1924 nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bãi bỏ Califa.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/792-02-633366768408715000/Ngoi-vi-cua-nhung-nguoi-thong-tri-toi-cao-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận