Tài liệu: Cuộc khởi nghĩa nông dân đầu tiên ở Trung Quốc

Tài liệu
Cuộc khởi nghĩa nông dân đầu tiên ở Trung Quốc

Nội dung

CUỘC KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN ĐẦU TIÊN Ở TRUNG QUỐC

Xã hội cuối thời Tần xáo động không yên, dân chúng khắp nơi oán thán. Hình pháp của nhà Tần tàn khốc, mà tô thuế lại tăng gấp 20 lần, việc lao dịch tăng gấp 30 lần so với trước, càng làm cho người dân khó sống nổi.

Lúc đó Tần Thủy Hoàng vừa mới chết, con thứ là Hộ Hợi đoạt ngôi vua của người anh trưởng, lên ngôi Hoàng đế xưng là Tần Nhị Thế, bạo ngược tàn nhẫn hơn cả vua cha. Tháng 7 năm 209 trước Công nguyên, 900 nông dân nghèo khổ phải đi phu đến Ngư Dương ở phương Bắc để xây thành. Đến hương Đại Trạch (nay ở Đông nam huyện Túc tỉnh An Huy) thì gặp mưa to gió lớn liên miên mấy ngày, đường xá biến thành đầm lầy, không sao đến kịp Ngư Dương đúng kỳ hạn. Theo pháp luật nhà Tần, đến sai hẹn là bị chém đầu. Cái chết sang đe dọa từng người.

Trong đám dân phu lính thú ấy có một đội trưởng tên gọi Trần Thắng, người Đăng Phong, Hà Nam. Ông lúc nhỏ nhà nghèo, thường phải đi làm thuê cho người ta nhưng có chí lớn, rất bất bình với việc cai trị hà khắc của dương triều Tần. Trần Thắng liền cùng với một đội trưởng khác là Ngô Quảng bàn mưu nổi dậy chống nhà Tần. Dân phu lính thú cũng sôi động không yên. Thấy thời cơ đến, Trần Thắng liền đứng lên kêu gọi: “Chúng ta đã lỡ kỳ hạn, đến được Ngư Dương cũng sẽ bị chém đầu. Cho dù không bị mất đầu nhưng lên vùng biên ải có mấy người sống được mà về. Đằng nào cũng chết, tại sao lại không chết cho lẫm liệt oai phong. Chúng ta hãy đứng lên khởi nghĩa! Các Vương hầu quan tướng đâu có phải sinh ra đã là người cao quí”.

Dân phu lính thú liền ầm ầm hưởng ứng, chặt cây làm binh khí, lấy ngọn trúc làm cờ, đắp đàn tế trời, thề cùng chống Tần.

Quân khởi nghĩa chiếm ngay hương Đại Trạch, hạ được huyện Kỳ. Dân nghèo các nơi ào ào hưởng ứng. Khi tiến sang đất Trần (Hoài Hương, Hà Nam ngày nay) nghĩa quân đã có sáu bảy trăm cỗ bình xa, hơn nghìn kỵ binh, mấy vạn quân sĩ, thành một đội quân nông dân rất lớn, đằng đẵng khí thế. Nghĩa quân thành lập chính quyền ở đất Trần, đặt quốc hiệu là Trương Sở, Trần Thắng làm vua. Nông dân khắp nơi nổi dậy, giết bọn quan lại, đánh chiếm quận huyện hưởng ứng khởi nghĩa, nghĩa quân nhanh chóng phát triển tới mấy chục vạn người. Trần Thắng phái Ngô Quảng tiến đánh Vinh Dương, phái Chu Văn tiến đánh Quan Trung. Mùa thu năm ấy, Chu Văn dẫn quân tiến công đất Hý (phía đông huyện Lâm Chương, Thiểm Tây ngày ray) cách kinh đô Hàm Dương nhà Tần chỉ hơn 50 kilômét. Triều đình nhà Tần chấn động, vội vã điều binh khiển tướng, do Chương Hàm thống lĩnh, tấn công quân khởi nghĩa. Chu Văn không được nghĩa quân các lộ chi viện, thua trận, phải tự sát. Nội bộ nghĩa quân lại nảy sinh bè phái chia rẽ. Ngô Quảng bị một bộ tướng giết chết, cánh quân này cũng bị tan vỡ. Chương Hàm thúc quân tiến sát đất Trần, Trần Thắng chỉ huy nghĩa quân chống cự, nhưng quân ít không đánh lại được số quân đông, buộc phải rút lui, nửa đường bị  tên đánh xe phản bội sát hại.

            Khởi nghĩa Trần Thắng – Ngô Quảng là màn mở đầu cho các cuộc khởi nghĩa nông  dân quy mô lớn trong lịch sử Trung Quốc. Trần Thắng - Ngô Quảng tuy hy sinh, nhưng cuộc  đấu tranh chống Tần không kết thúc. Các cuộc chiến đấu do Lưu Bang, Hạng Vũ cầm đầu vẫn  tiếp tục, cuối cùng đã lật đổ được vương triều Tần.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/793-02-633366770269808750/Khoi-nghia-cua-no-le-va-nong-dan/Cuoc-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận