CẢI CÁCH CHẾ ĐỘ NÔNG NÔ Ở NGA
Giữa thế kỷ XIX, nước Nga Sa hoàng vẫn là một nước quân chủ phong kiến lấy chế độ nông nô làm cơ sở. Chế độ nông nô là một chế độ cực kỳ lạc hậu và tàn bạo. Đông đảo nông nô nước Nga chẳng những bị địa chủ bóc lột nặng nề về địa tô và lao dịch mà còn không được hưởng bất cứ quyền tự do nào. Tất cả tài sản, kể con cái của nông nô đều là sở hữu của địa chủ.
Ở các nước châu Âu chủ yếu thời bấy giờ, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đều tương đối phát triển. Nhiều nước sau khi làm cách mạng tư sản đã bước lên con đường phát triển hùng mạnh thì ở nước Nga, chế độ nông nô đã là vật cản trở nền kinh tế Nga đi lên. Sane xuất nông nghiệp bị đình đốn, một số ngành công nghiệp tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện nhưng thiếu nhân công, nguyên liệu nên cũng không phát triển được. Chế độ nông nô ở Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc.
Từ năm 1853 đến năm 1856, nước Nga Sa hoàng phải đương đầu với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tranh Crưm. Hai nước Anh, Pháp đã giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ vì mục đích bảo vệ những quyền lợi của họ ở Thổ. Nước Nga Sa hoàng đã từng một thời là xứ sở bất khả chiến bại, đã bị thua trong cuộc chiến tranh này. Khi cuộc chiến nổ ra, quân đội Nga ngay cả một tấm bản đồ quân sự chi tiết về chiến trường Crưm cũng không có, binh lính và vật tư quân dụng phải vận chuyển bằng xe bò, trang bị vũ khí lại càng lạc hậu so với Anh Pháp. Chiến tranh Crưm là một cuộc chiến tranh đáng xấu hổ nhất trong lịch sử cận đại nước Nga. Nó bộc lộ tính chất lạc hậu và thối nát của chế độ nông nô Nga. Gánh nặng và nỗi nhục nhã do cuộc chiến tranh mang lại đã dẫn đến những xung đột giai cấp gay gắt ở nước Nga. Chỉ trong vòng ba năm, từ 1858 - 1860, nước Nga đã nổ ra 280 cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Trong tình hình đó Sa, hoàng Alexandre II cảm nhận sâu sắc rằng: để nông dân tự giải phóng theo kiểu từ dưới lên không bằng hãy giải phóng cho họ theo cách từ trên xuống. Và để cứu vãn chế độ phong kiến thống trị, chính phủ Sa hoàng quyết định áp dụng biện pháp cải cách.
Ngày 3 tháng 3 năm 1861, người đại diện cao nhất của chủ nô là Sa hoàng Alexandre II đã chính thức ký vào Bản chiếu thư đặc biệt và pháp lệnh xóa bỏ chế độ nông nô, tuyên bố thủ tiêu quan hệ lệ thuộc về thân thể của nông nô đối với địa chủ, nông nô trở thành nông dân tự do, những nông dân sau khi được giải phóng có quyền hoạt động trong lĩnh vực công thương và có thể bỏ tiền ra mua phần ruộng đất làm sở hữu của riêng mình. Năm công bố pháp lệnh, có hơn 10 triệu nông dân được giải phóng, cung cấp nguồn lao động tự do cho sự phát triển công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Vì vậy cuộc cải cách chế độ nông nô trở thành bước ngoặt lịch sử để nước Nga từ xã hội phong kiến quá độ sang xã hội tư bản. Mặc dù cuộc cải cách này chưa triệt để, giai cấp địa chủ vẫn chiếm đại bộ phận ruộng đất, chế độ Sa hoàng chuyên chế vẫn còn duy trì, nhưng từ đây nước Nga đã bước lên con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản.