Tài liệu: Đại khởi nghĩa dân tộc Ấn Độ

Tài liệu
Đại khởi nghĩa dân tộc Ấn Độ

Nội dung

ĐẠI KHỞI NGHĨA DÂN TỘC ẤN ĐỘ

Ngày 10 tháng 5 năm 1857 bùng nổ cuộc khởi nghĩa của binh lính Ấn Độ  rồi nhanh chóng phát triển thành cuộc đại khởi nghĩa dân tộc lan tràn trong cả  nước. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa này là sự kiện sử dụng  dầu lau súng đạn. Sĩ quan Anh đã cưỡng ép những binh lính theo đạo Islam và  đạo Hindu dùng dầu chế biến từ mỡ lợn và mỡ bò để lau súng đạn, xúc phạm tình cảm tôn giáo của họ khiến cho binh lính phải chống đối lại. (Người theo  đạo Islam kiêng kỵ thịt lợn, người theo đạo Hindu kiêng kỵ thịt bò). Trên thực tế đây là vụ bùng nổ mâu thuẫn lớn đã tích lũy từ lâu giữa bọn thống trị thực dân  Anh với nhân dân Ấn Độ.

Kể từ ngày nước Anh thành lập Công ty Đông Ấn năm 1600, là Anh đã  bắt đầu xâm lược Ấn Độ, đến năm 1837 trên thực tế nước Anh đã khống chế  toàn bộ Ấn Độ. Vương triều Moghols và vương quốc quý tộc các bang chỉ là bù  nhìn của chính quyền thực dân. Thực dân Anh đã cướp đi khỏi Ấn Độ rất nhiều  của cải. Cách mạng công nghiệp ở Anh hoàn thành lại biến Ấn Độ thành thị  trường tiêu thụ hàng hoá của Anh, vì vậy đã hủy hoại nền thủ công nghiệp của Ấn Độ, nhất là nghề dệt. Sự thống trị của Anh đã làm cho kết cấu xã hội truyền thống của Ấn Độ bị phá hoại nghiêm trọng.

Năm 1848, Dalhousie nhận thức Toàn quyền Ấn Độ (năm 1848 - 1856), mưu đồ cải biến một bước nữa hiện trạng Ấn Độ. Một mặt, ông ta thực thi chính sách kiêm tính các bang ở Ấn Độ khiến cho vương công các bang lo lắng. Mặt khác, dựa theo quan điểm giá trị của xã hội phương Tây, ông bắt đầu phế bỏ và  công kích những phong tục tập quán truyền thống Ấn Độ, từ đó làm lung lay địa  vị chính thống của đạo Bà la môn trong xã hội Ấn Độ. Những việc đó khiến cho nhân dân Ấn Độ hiểu rằng nước Anh chẳng những thống trị họ mà còn hủy diệt tôn giáo của họ, làm cho Ấn Độ trở thành một quốc gia Thiên chúa giáo. Như vậy, sự xung đột về chính trị, kinh tế và tôn giáo chằng chéo với nhau làm cho  xã hội Ấn Độ chao đảo, sôi sục không yên.

Ngày 10 tháng 5 năm 1857, các binh lính Ấn Độ đóng ở Meerut vùng lên khởi nghĩađầu tiên. Ngày l1 tháng 5 đánh chiếm được Delhi, lập Bahadursa II vị Hoàng đế cuối cùng của vương triều Moghols lên làm vua, thành lập chính quyền khởi nghĩa. Ít lâu sau, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra hầu khắp các vùng ở Ấn Độ. Bọn thực dân cầm quyền điều động, tập trung binh lực để trấn áp quân khởi nghĩa. Tháng 9 năm 1857 Delhi thất thủ. Tháng 6 năm 1858, Nữ vương bang Jhansi hy sinh trong chiến đấu, Jhansi bị chiếm đóng. Quân khởi  nghĩa vẫn tiếp tục chiến tranh du kích đến cuối năm 1859. Tháng 6 năm 1858 cùng lúc trấn áp khởi nghĩa, Anh tuyên bố bãi bỏ Công ty Đông Ấn, đặt Ấn Độ dưới sự cai trị trực tiếp của Nữ hoàng Anh, lại đề ra việc phải “tôn trọng quyền  lợi, sự tôn nghiêm và vinh dự của các vương công địa phương” mưu đồ dùng biện pháp tăng cường thêm một bước liên minh với các thế lực phong kiến Ấn Độ để củng cố nền thống trị thực dân. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nhân dân Ấn Độ lại bắt đầu con đường dài dặc gập ghềnh để giành độc lập, tự do và dân chủ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/796-02-633366826641996250/Phong-trao-giai-phong-dan-toc/Dai-khoi-ngh...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận