“QUỐC TẾ CA”
“Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên! Hỡi ai cực khổ bần hàn! Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi...''. Hàng triệu triệu con người trên Trái đất này đều rất quen thuộc với bài ''Quốc tế ca'' trang nghiêm, hùng tráng đó. Tác giả lời bài ca là Engine Pottier sáng tác nhạc là Pierre Degeyter.
Pottier xuất thân trong một gia đình công nhân nghèo ở Paris, mười ba tuổi đã phải đi làm thuê. Năm 1830, khi cuộc cách mạng tháng Bảy chống phong kiến nổ ra ở Paris, Pottier mới mười bốn tuổi nằng nặc xin được tham gia vào đội quân khởi nghĩa, nhưng không được toại nguyện vì còn nhỏ tuổi. Chàng thiếu niên Pottier chuyển sang tham gia chiến đấu bằng ngòi bút, đã viết thành công tác phẩm đầu tay Tự do muôn năm. Bão táp cách mạng đã tôi luyện Pottier trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà thơ vô sản nổi tiếng. Năm 187l, nhân dân Paris đứng lên khởi nghĩa, thành lập Công xã Paris Pottier được bầu vào ban lãnh đạo, đã tham gia cuộc chiến đấu đẫm máu bảo vệ Công xã. Sau khi Công xã thất bại, ngày thứ hai thoát khỏi lưới bủa vây của quân thù, trong căn gác xép tồi tàn của một gia đình công nhân Pottier đã phóng bút viết nên lời ca của bài Quốc tế ca với tất cả lòng căm thù quân địch và niềm tin son sắt đối với chủ nghĩa cộng sản. Sau này, Pottier bị buộc phải lưu vong ra nước ngoài, mãi đến năm 1880, sau khi chính phủ Pháp tuyên bố đại xá, ông mới có dịp trở về cố quốc. Khi đó, ông đã bước vào những năm cuối cùng của cuộc đời, sống trong cảnh nghèo nàn và bệnh tật. Song những công nhân Paris không quên người ca sĩ của mình, họ đã thu thập và xuất bản tập Những bài ca cách mạng trong đó có bài Quốc tế ca. Tháng 11 năm 1887, Pottier ốm chết, công nhân Paris đã tổ chức tang lễ trọng thể cho ông.
Tháng 6 năm 1888, Đảng cộng sản Pháp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Pottier, Pierre Degeyter đã đọc được lời bài ca này và ngay đêm hôm đó ông đã phổ nhạc cho lời bài ca. Ngày 23 tháng 6, Degeyter đích thân chỉ huy màn trình diễn trong các cuộc mít tinh. Từ đó, Quốc tế ca được lan truyền khắp thế giới.
Bài ca đã thể hiện được ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất của giai cấp vô sản, đã tuyên bố lời thề vĩ đại nhất định phải tiêu diệt đến cùng mọi giai cấp bóc lột trên thế giới. Nó đã được quần chúng công nhân nhiệt liệt hoan nghêng, nhanh chóng được phổ biến ở Pháp rồi lan khắp toàn cầu, trở thành bài ca chiến đấu của giai cấp vô sản toàn thế giới, đang cổ vũ mọi người chiến đấu cho chân lý.