Tài liệu: Nhật Bản - Những hiểm họa tự nhiên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vị trí địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới
Nhật Bản - Những hiểm họa tự nhiên

Nội dung

Những hiểm họa tự nhiên

Vị trí địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới. Hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu 7.500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ, không thể nhận ra, nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Từ trận động đất Kanto chết chóc năm 1923, tới nay Nhật Bản đã trải qua 16 vụ động đất và sóng thần, trong đó có 7 vụ làm thiệt mạng trên 1.000 người. Vụ sóng thần khủng khiếp gần đây nhất xảy ra vào ngày 12 tháng 7 năm 1993 và hậu quả của một trận động đất 7,8 độ ríchte ở ngoài khơi phía tây nam đảo Hokkaido. Khi tràn tới hòn đảo nhỏ Okushiri, con sóng thần cao tới 30 m và di chuyển với vận tốc khoảng 500 km/h. Nó đã gây ra thiệt hại trên diện rộng, làm 230 người thiệt mạng và phá hủy 601 ngôi nhà.

Bão nhiệt đới

Bão nhiệt đới chủ yếu xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10. Đặc trưng của bão nhiệt đới là những cơn gió dữ dội với sức gió lên tới 200 km/h và mưa lớn có thể tới trên 300 mm trong ngày. Những cơn bão nhiệt đới này xuất phát từ Thái Bình Dương và tác động chủ yếu đến phía đông và tây nam đảo Honshu, đông bắc đảo Kyushu và quần đảo Nansei ở miền Nam. Bão nhiệt đới có thể gây ra thiệt hại đáng kể về nhà cửa, nhưng nông nghiệp thường phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn do bão làm đổ cây trồng.

Bão nhiệt đới cũng có thể gây ra lũ lụt. Các con sông ngắn và dốc của Nhật Bản bắt nguồn từ các lòng chảo ở vùng núi. Do đó, các cơn lũ lớn có thể hình thành nhanh chóng, gây ra ngập lụt ở các vùng đất thấp đã đô thị hóa cao độ. Chính phủ Nhật Bản đã phải chi một khoản tiền lớn để xây dựng các công trình ngăn lũ. Kết quả là chỉ còn lại vài con sông giữ được nét tự nhiên. Lũ lớn kết hợp với triều cường và gió thổi từ biển vào bờ thường gây ra lụt ở các vùng ven biển. Các công trình phòng chống lũ lụt lại được xây dựng trên diện rộng và thay vì một bãi biển tự nhiên, người ta thường biến bờ biển thành một kè chắn. Ngoài ra, mưa lớn và tuyết rơi dày là nguyên nhân của các vụ lở đất và lở tuyết thường gây thiệt hại cực bộ ở các vùng núi và khu dân cư lân cận, nhưng hiếm khi dẫn đến chết người.

Trận động đất ở Kobe

Trận động đất gần đây nhất xảy ra ở Kobe vào hồi 5 giờ 46 phút sáng 17 tháng giêng nằm 1995. Trận động đất mạnh 7,3 độ ríchte và gây ra sự tàn phá trên quy mô rộng. Những ngôi nhà gỗ truyền thống mái lợp ngói bị hư hại nặng, vì chúng được xây dựng từ trước khi xuất hiện loại móng nhà chịu được chấn động vào thập kỷ 1960. Thảm họa này để lại hậu quả vô cùng lớn: 1 triệu gia đình bị mất nguồn cung cấp nước, 110.000 hộ gia đình mất điện và 900.000 hộ không còn nguồn cung cấp khí đốt. Về tổng thiệt hại, có 500.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, trong đó có nhiều ngôi nhà bốc cháy do đổ bếp dầu. Động đất còn làm hư hỏng trên diện rộng các công trình, thiết bị cảng biển, đường sá, chẳng hạn như đường cao tốc Hanshin và một phần của Shinkansen (mạng lưới đường sắt cao tốc) ở Tokaido. Theo thông báo chính thức có 6.430 người thiệt mạng và 43.000 người bị thương. Sau vụ động đất đó, Kobe đã hội phục một cách đáng kinh ngạc: hầu hết cơ sở hạ tầng của thành phố được khôi phục, các ngôi nhà được xây dựng lại, bến cảng và kinh tế của thành phố lại có thể hoạt động như trước.

Công tác khắc phục thảm họa

Nhật Bản đã đầu tư nhiều tiền của cho công tác phòng chống và dự báo thiên tai, cũng như trong việc giảm tới mức tối đa các tác động do thiên tai gây ra. Một hệ thống thiết bị công nghệ cao đã được triển khai trên quy mô lớn, chẳng hạn máy ghi địa chấn có thể phát hiện những chấn động do động đất và hoạt động của núi lửa gây ra trên đất liền và trên biển. Mặc dù các thiết bị này không thể dự báo được động đất nhưng có thể đưa ra lời cảnh báo về sóng thần. Lời cảnh báo được chuyển ngay tới các tổ chức, ví dụ như các công ty khí đốt, để họ có thể ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn. Mạng lưới giao thông vận tải và các dịch vụ khẩn cấp cũng sẽ được đặt trong tình trạng báo động. Ngoài ra, hệ thống giám sát tinh vi đưa ra các dự báo để người dân có thể sơ tán an toàn khỏi những vùng có nguy cơ lũ lụt hoặc lở đất. Tất cả các khách sạn và tòa nhà công cộng đều có hướng dẫn về những điều cần làm trong trường hợp khẩn cấp. Mặc dù những biện pháp phòng ngừa trên không ngăn được thảm họa xảy ra, nhưng ít nhất cũng làm giảm tác động của thiên tai.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2850-02-633547616739696250/Canh-quan-thien-nhien-va-khi-hau/Nhung-hi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận