Tài liệu: Những nhu cầu đầu tiên của trẻ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một khám phá quan trọng của các nhà tâm lý học là ngay từ những ngày đầu tiên sau khi ra đời đứa trẻ có những nhu cầu tinh thần mà nếu được thỏa mãn, sự phát triển tinh thần của nó sẽ diễn ra tốt đẹp
Những nhu cầu đầu tiên của trẻ

Nội dung

Những nhu cầu đầu tiên của trẻ

Một khám phá quan trọng của các nhà tâm lý học là ngay từ những ngày đầu tiên sau khi ra đời đứa trẻ có những nhu cầu tinh thần mà nếu được thỏa mãn, sự phát triển tinh thần của nó sẽ diễn ra tốt đẹp. Ai cũng biết đứa trẻ có một số nhu cầu sinh học cần được thỏa mãn, cơ thể nó mới sống được. Đứa trẻ cần được ấm, no, không bị chấn thương bệnh tật... Tình hình cũng y hệt như vậy với các nhu cầu tinh thần. Mặc dù các nhu cầu này không đe doạ trực tiếp tính mệnh đứa trẻ nếu không được thoả mãn, tính cách nó có thể lệch lạc theo phương hướng xấu.

Khoa học còn chưa xác định rõ đứa trẻ có bao nhiêu nhu cầu tinh thần và đó là những nhu cầu gì. Chúng ta chưa biết mối quan hệ qua lại giữa các nhu cầu ấy, nhưng chúng ta đã có những dẫn liệu cho phép rút ra một số kết luận quan trọng để đứa trẻ phát triển được tốt đẹp. Những dẫn liệu này có được là nhờ nghiên cứu kỹ sự phát triển tinh thần của những đứa trẻ thiếu những tiếp xúc tự nhiên với bố mẹ. Trước hết chúng ta quan sát những đứa trẻ nuôi dạy từ tuổi sơ sinh đến khi tốt nghiệp phổ thông ở các trại trẻ mồ côi, các cơ sở chữa bệnh. Mặc dù đây là những cơ sở tốt, bọn trẻ vẫn có những vi phạm nặng nề về mặt tinh thần, thể hiện rõ ở thái độ của chúng đối với trẻ khác và người lớn, đối với học tập và công việc, đối với bạn bè khác giới... có khi những vi phạm này lộ rõ đến mức đứa trẻ khó lòng tìm được một chỗ đứng trong xã hội. Nhưng kết luận quan trọng nhất mà chúng ta rút ra được là những vi phạm trong sự phát triển tinh thần bình thường của bọn trẻ thường biểu lộ khi chúng mới được hơn một năm tuổi, nghĩa là cơ sở những vi phạm ấy đã có từ trước đó, từ tuổi sơ sinh. Cần nhấn mạnh rằng những vi phạm ấy không đa dạng và cá thể đến mức có thể giải thích bằng các đặc điểm di truyền (cơ sở di truyền bao giờ cũng hoàn toàn có tính chất cá thể đối với từng người). Không, ở một mức độ nào đó, những vi phạm chúng tôi ghi nhận được là chung cho tất cả những em được nuôi dạy không có bố mẹ, những vi phạm ấy có một số nét tiêu biểu qua đó chúng tôi kết luận rằng đó là do môi trường quá hiếm hoi những biểu lộ xúc cảm. Trên cơ sở phân tích các dẫn liệu thu lượm được, chúng tôi có thể xác định khá đầy đủ: nhu cầu tinh thần nào và ở giai đoạn phát triển nào của đứa trẻ không được thoả mãn, còn nhu cầu nào được thoả mãn một cách méo mó.

Chúng tôi còn xác định được rằng những vi phạm tương tự còn có ở những gia đình bên ngoài hạnh phúc, sống sung túc, nhưng các điều kiện sống bên trong không khác điều kiện sống ở các trại trẻ mồ côi: bố mẹ thờ ơ lãnh đạm với con cái.

Thật may mắn đối với tất cá chúng ta, ngày nay hiếm gặp “trẻ mồ côi” với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Nhưng ngày nay lại có rất nhiều “trẻ mồ côi khi cha mẹ còn sống”. Thật đáng lo ngại khi nhiều bố mẹ trẻ xử sự như thể họ không có con, do đó họ không chịu trách nhiệm gì về con cái. Những “bố mẹ” như thế thích gửi con vào nhà trẻ tuần, chứ không phải vào nhà trẻ ngày. Có khi đến ngày nghỉ hoặc ngày lễ, họ quên đón con luôn? Lý do là: đứa con cản trở tự do của họ. Họ còn rất trẻ nên họ muốn được sống thoải mái... Bên cạnh là cái lối bỏ mặc hoàn toàn con cái ấy, còn có nhiều cách không thô bạo công nhiên đến thế, mà được che đậy ít nhiều, cũng có thề ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển tinh thần bình thường của đứa trẻ. Trong bất kể trường hợp nào, chúng ta cũng đều gặp phải sự “cạnh tranh” giữa lợi ích của bố mẹ và lợi ích của đứa con, mà hễ đã đến mức cạnh tranh thì bao giờ đứa con cũng thua, nó không còn cách nào khác là đi đến nơi bố mẹ nó bắt đến để họ được sống thoải mái.

Bức tranh tương tự ta cũng có thể thấy ở những gia đình chỉ thoả mãn những nhu cầu sinh học của đứa trẻ, nhưng không làm gì để đứa trẻ vui sướng và khiến bố mẹ được hạnh phúc đầy đủ nhất như chúng tôi đã nói ở trên. Có thể những nhu cầu tinh thần của đứa trẻ không được thoả mãn là do bố mẹ không biết đứa trẻ trước hết cần gì, và cũng có thể do họ không có năng lực biểu lộ các tình cảm chân thành. Còn có một “loại” bố mẹ nữa: họ giấu giếm các tình cảm của họ vì sợ gây hại cho đứa trẻ hoặc ngược lại, vì sợ nuông chiều đứa trẻ quá. Họ sợ nếu họ quá quan tâm đến con hoặc quá công khai biểu lộ tình cảm với nó, nó sẽ không được chuẩn bị tốt để bước vào cuộc sống là nơi mà tiếc thay mọi người quá ít tế nhị, chăm sóc và quan tâm đến nhau...




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4313-02-633737426100314872/Nam-nam-qui-bau-cua-dua-Con/Nhung-nhu-cau...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận