PAGAN – KYF QUAN NGHỆ THUẬT CỦA ĐẤT NƯỚC MYANMA
Người Miến nói rằng, ai tới Miến Điện mà chưa tới Pagan thì chẳng khác gì người khát nước chưa tìm tới được nguồn nước. Pagan là cội nguồn của đất nước Miến Điện là khởi đầu của mọi sự bắt đầu Văn hóa, tinh thần và Nhà nước của Miến Điện - tất cả đều bắt nguồn từ đây.
Một thời, Pagan là vương quốc hùng mạnh; còn giờ đây chỉ là một thành phố không người nằm ngủ bên bờ Sông Iravađi. Nơi đây là thành phố của hàng nghìn đền chùa. Pagan nằm chính giữa đất nước Miến Điện, trên những con đường buôn thời cổ từ Ấn Độ tới Trung Quốc.
Thời kỳ rực rỡ của Pagan thường được gọi là Thế kỷ hoàng kim của lịch sử Miến Điện. Truyền thuyết cho rằng từ năm 168, 55 vị Vua đã kế tiếp nhau trị vì tại đây trong suốt 12 thế kỷ. Nhưng lịch sử thực sự được ghi chép bằng văn bản của Pagan chỉ bắt đầu từ thế kỷ XI, sự hưng thịnh của đô thành này gắn liền với tên tuổi của Vua Aniruđa và con trai, người kế vị của ông, Vua Sandita. Aniruđa đã thống nhất đất nước và biến Pagan thành Thủ đô của Vương quốc. Ông theo Phật giáo và cùng với Đạo Phật, văn tự Miến cũng ra đời. Để có Kinh sách Phật giáo, Aniruđa đã chinh phục Vương quốc láng giềng Thaton, bắt Vua và hàng ngàn thợ thủ công ở đó đem về Pagan. Những người thợ Thaton và hàng vạn người Miến khác, theo lệnh Aniruđa, đã phải đêm ngày xây dựng chùa, tháp ở Pagan.
Theo truyền thuyết, cứ mỗi ngày ở Pagan mọc lên 40 chùa. Nếu tin vào truyền thuyết thì mỗi năm các Vua Pagan xây dựng ở Pagan tới 15 nghìn chùa tháp; còn cả một thời kỳ 300 năm tồn tại của Vương quốc thì ở Pagan phải có đến 4 triệu ngôi chùa. Tất nhiên đây chỉ là truyền thuyết, nhưng qua đó cũng ẩn giấu một phần sự thật.
Đến Pagan hôm nay, những người cuồng tín nhất cũng phải bàng hoàng, thảng thốt và thán phục tài nghệ của những người thợ vô danh thời xưa đã để lại cho nhân loại biết bao nhiêu đền tháp kỳ diệu. Nhưng ai mà không cảm thấy băn khoăn khi thấy cả một khối lượng công sức đồ sộ như vậy của hàng vạn, hàng vạn người đổ ra chỉ để phục vụ một mục đích duy nhất - ngợi ca và đề cao Đức Phật và giáo lý của Ngài.
Suốt hơn năm cây số dọc theo bờ Sông Iravađi nổi lên từng cụm, từng cụm đền tháp. Những hình thù đường nét tinh vi của chúng cứ nối tiếp hiện lên và kéo dài tới tận chân trời. Cả vùng cao nguyên bằng phẳng, nơi mọc lên những ngôi chùa tháp đó, thỉnh thoảng bị cắt ra bởi các khe và những dòng suối khô cạn. Chỉ vào mùa mưa những dòng suối này mới đầy nước và dữ dội. Trên cao nguyên đó, chỉ có cọ và xương rồng. Lác đác đây đó xuất hiện một vài làng xóm và những ốc đảo xanh. Vào mùa khô nóng, cả cao nguyên phủ một lớp bụi vàng thẫm và vô vàn những chiếc gai xương rồng dài, sắc và cứng như thép. Thỉnh thoảng những trận mưa lớn trút xuống rửa sạch bụi bặm trên các lá cọ, các bụi xương rồng và đưa lại cho cao nguyên đôi chút màu xanh êm dịu của sự sống. Ấy thế mà, hàng trăm năm nay những ngôi đền tháp vẫn trầm lặng soi bóng thi gan cùng tuế nguyệt chứng kiến những đổi thay của gió bụi thời gian. Ở đây, hầu hết các chùa tháp này đều có màu tối hoặc đỏ thẫm và thường là đã bị hư hại. Chỉ một số ít còn giữ lại được màu trắng của tường vôi và ánh vàng rực rỡ của những đỉnh chóp dát vàng.
Sử sách ghi lại rằng, Vương triều Pagan tồn tại gần ba thế kỷ và bị sụp đổ bởi bàn tay xâm lược của quân Mông Cổ do Hulibai Khan (Hốt Tất Liệt) chỉ huy. Marxco Polo tham gia trận đánh lịch sử vào Pagan đã để lại cho hậu thế những ghi chép quý giá về ngày cuối cùng của đô thành này. Ông cho biết, những con voi nặng nề chở quân Pagan đã phải khiếp sợ bỏ chạy trước sự tấn công như vũ bão của kỵ binh Mông Cổ và trước những trận mưa tên khủng khiếp của các chiến binh thiện xạ phương Bắc. Pagan thất thủ. Quân xâm lược đã tàn phá hủy diệt Đô thành Pagan rồi rút về phương Bắc. Từ đó Pagan không bao giờ phục hồi lại được. Năm 1300, cư dân cuối cùng đã dời bỏ Thành Pagan. Từ bấy đến nay Pagan là một thành phố chết. Nhưng, khoa học và tri thức hiện đại đã khám phá ra những giá trị văn hóa, nghệ thuật có tầm cỡ nhân loại của Pagan. Nhiều nhà khoa học đã có lý khi xếp Pagan vào danh mục những kỳ quan của thế giới. Vậy hiện trạng của Pagan như thế nào?
Diện tích của Pagan rất rộng (khoảng 40km2). Số lượng các công trình kiến trúc được cơ quan khảo cổ của Miến Điện xác định là 2.300. Nếu tính cả những di tích đã đổ vỡ thì con số các công trình hiện có ở Pagan lên tới gần 5.000. Trong số những đền, chùa, tháp, miếu đó, có một số công trình đồ sộ cao tới 50 - 60m. Nhiều công trình được coi là những kiệt tác kiến trúc. Nhiều đền tháp Pagan còn giữ lại những bích họa và những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng.
Những dấu tích khảo cổ học đã cho biết, vào thời kỳ hưng thịnh, Pagan là một đô thị có quy hoạch độc đáo. Vùng trung tâm hay thành nội chiếm 1,5km2 được bao bọc bởi tường cao, hào sâu. Phía ngoài thành nội, trong phạm vi bán kính 6 - 7 cây số là nhấp nhô hàng trăm chùa tháp. Tại một loạt địa điểm, các di tích quây quần thành cụm. Trong số đó có hai cụm kiến trúc dinh thự. Cạnh các chùa tháp là các dấu vết của nhiều cụm dân cư và hệ thống thủy lợi. Nhưng những công trình dân sự đó, do làm bằng vật liệu thô sơ nay đã không còn. Bởi vậy, hầu hết những gì tồn tại ở Pagan là công trình thờ tự.
Theo biên niên sử, Thành Pagan được dựng vào năm 849 và là đô thị đầu tiên ở Miến Điện có quy hoạch bình đồ vuông (mỗi mặt dài 1,2km). Pagan được dựng lên bên bờ Sông Iravađi và hướng bốn mặt về bốn hướng chính. Hiện nay, dòng sông đã liếm đi mất một phần tư diện tích thành nội. Các dãy tường thành bằng gạch đều được xây trên các bờ đất cao. Tường thành lại được bao bọc bởi hào nước sâu, rộng. Mỗi mặt thành có từ một đến ba cổng.
Hiện nay, ở Pagan còn lại những cổng thành phía Đông Sahara. Trên mặt tường cổng vẫn còn những cột ốp, với các hình trang trí bằng vôi vữa, hai rãnh cửa lớn và phần dưới của vòm mái. Mặt ngoài ở hai bên cổng, có hai ô khám chứa hai vị Thần bảo hộ cho đô thành (Mahagari Nát), hai anh hùng huyền thoại: chàng thợ rèn và cô em gái xinh đẹp của chàng. Hai anh em thợ rèn tài ba đó đã bị chết bởi bàn tay tàn bạo của một ông Vua phản phúc. Sau khi chết, hai anh em biến thành hai Nát hùng mạnh, hai vị thiên Thần bảo hộ cho Pagan và cả Vương quốc.
Từ phế tích này, do dùng phương pháp chụp hình bằng máy bay; người ta nhận thấy bên trong Thành Pagan ngày xưa, tồn tại một mạng lưới đường sá hình chữ nhật. Hoàng cung xưa nằm ngay chính giữa khu thành nội. Về hình dáng của Thành Pagan, phần nào có thể nhận biết được qua việc mô tả, những bức bích họa thể hiện các đô thị xuất hiện muộn về sau. Pagan xưa là những dãy tường nối các chòi tháp cao này với các chòi tháp cao khác, nối cổng đỉnh tháp này với đỉnh tháp khác, tất cả đều soi mình xuống mặt nước của hào nước rộng bao quanh. Bên ngoài tường thành là các khối gạch đá khổng lồ, với nhiều chùa tháp nhấp nhô chạy dài tít tắp tận chân trời.
2300 chùa tháp hiện còn của Pagan là cả một bộ bách khoa đồ sộ về kiến trúc cổ của Miến Điện. Theo tính toán của nhiều nhà khoa học, số chùa tháp ở Pagan còn lớn hơn tất cả những đền chùa, tháp miếu mà các triều Vua chúa trước và sau thời Pagan xây dựng cộng lại. Điều này càng nói lên giá trị có một không hai của Pagan đối với đất nước Myanma.
TS. NGÔ VĂN DOANH