Tài liệu: Quyền thừa kế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sự thừa kế, nói theo của G. D. H. Cole, “là cách mà theo đó người sống sở hữu tài sản của người chết”
Quyền thừa kế

Nội dung

Quyền thừa kế

Sự thừa kế, nói theo của G. D. H. Cole, “là cách mà theo đó người sống sở hữu tài sản của người chết”.[1] Đó là một cách định nghĩa. Tuy nhiên, cách định nghĩa này chưa đề cập đến nhiều điều liên quan khác. Trong chương trước, tài sản được coi là gồm có (1) một đối tượng (vật thể hay phi vật thể) và (2) một mạng lưới quan hệ xã hội thiết lập giới hạn và xác định mối quan hệ giữa người và vật ấy. Mạng lưới các mối quan hệ này bao gồm các vai trò hoặc khuôn mẫu hành vi kèm theo các vị thế nhất định liên quan đến đối tượng tài sản. Vì vậy, quyền sở hữu là một phức hợp của những vị thế và các vai trò, cho phép một vài người nào đó cái đặc quyền đã được giới hạn kiểm soát và được xã hội công nhận trong việc sử dụng hay xếp đặt các đối tượng tài sản đó. Quyền này, dù có giới hạn, thiết lập các quan hệ chủ động và tích cực của người sở hữu đối với đối tượng tài sản. Những người không có quyền sở hữu tài sản này phải có nghĩa vụ là không được sử dụng, hoặc ít nhất họ bị ngăn cấm tiếp cận với tài sản. Nói cách khác, trong quan hệ tài sản, vị thế và các vai trò của A tương ứng với đối tượng tài sản là riêng biệt và cụ thể, khác với vị thế và vai trò của X, Y, hay Z.

Được phân tích theo các thuật ngữ của lý thuyết văn hóa, quyền thừa kế không phải là sự chuyển nhượng quyền chiếm hữu; đó là sự chuyển nhượng các vị thế. Và mặc dù quyền thừa kế bao hàm một sự chuyển nhượng sau khi một người đã qua đời, nhiều vị thế có thể được chuyển nhượng giữa những người đang còn sống. Các con trai của các thủ lãnh người Nyakyusa “thừa kế đất nước”, nghĩa là họ nhận lấy quyền lãnh đạo, ngay khi các người cha của họ còn sống. Con cái của người Ifugao thừa kế các ruộng lúa của cha mẹ họ khi họ lập gia đình. Nhưng dĩ nhiên không phải tất cả những sự chuyển nhượng vị thế đều được chúng ta nhìn nhận là quyền thừa kế. Các thủ lãnh hòa bình của người Cheyenne trong Hội Đồng Bốn Mươi Bốn sau mười năm được thay thế bằng cách tuyển chọn lại chớ không phải bằng thừa kế. Chức vụ tổng thống của Hoa Kỳ bao hàm một sự chuyển nhượng vị thế mỗi lần chúng ta thay đổi chính phủ, nhưng chức vụ thì không thừa kế được.

Vì vậy, quyền thừa kế có nghĩa là một sự chuyển nhượng căn cứ trên quan hệ đã có trước đó giữa một tiền nhân và một người kế tục. Mối quan hệ này là riêng tư và thường có tính truyền thống.

Radcliffe-Brown, trong cuộc khảo sát sự kế tục trong chế độ phụ hay mẫu hệ trong các xã hội sơ khai, đã đến rất gần với nhận thức này khi ông kết luận: “Nói chung, dù có một ít ngoại lệ, sự chuyển giao tài sản là theo cùng một cách như sự chuyển giao vị thế.”[2] Lý do là chuyển giao tài sản là chuyển giao vị thế. Theo đó nếu hầu hết loại vị thế được chuyển tiếp xuống một dòng này hay dòng khác, thì các vị thế của tài sản cũng theo cùng một dòng đó. Bởi vậy, một tương quan gần gũi giữa kiểu loại tổ chức xã hội và sự chuyển giao tài sản sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

Lập chúc thư

Trong nhiều trường hợp một cá nhân muốn chuyển nhượng vị thế tài sản của mình cho một người khác, vốn không được coi là người thừa kế theo tập tục hay luật pháp, thì có thể lập chúc thư. Đây là điều mà chúng ta thường gọi là “làm di chúc”. Việc lập chúc thư có lẽ đã tồn tại trong các xã hội sơ khai, mặc dù vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Trong các xã hội có tồn tại tập quán lập chúc thư, thì việc này lại không được áp dụng ngang nhau cho tất cả mọi hình thức tài sản. Ví dụ, việc phân chia vườn đất thường theo các qui luật về thừa kế chứ không theo cách giải quyết có tính cá nhân. Đồng thời, một người đàn ông hay một phụ nữ có thể sử dụng chúc thư tùy ý thay đổi các đường lối bình thường trong việc thừa kế những động sản cá nhân (movables). Trong vài trường hợp, di chúc nói miệng sẽ không được chấp nhận; với những trường hợp khác, nó có thể bị người sống gạt sang bên vì cho là trái với luật pháp hay tập quán. Về điểm này thế nào là thích hợp và thế nào là không thích hợp thường là một vấn đề rắc rối khó giải quyết đối với những dân tộc sơ khai cũng như ngay cả với chúng ta hiện nay[3]. Một trường hợp xảy ra trong cộng đồng người Ashanti ở Ghana vào năm 1942 là một ví dụ điển hình. Với người Ashanti, quyền thừa kế đất đai được truyền xuống theo dòng mẹ; và phải đi từ một người nam xuống đến em trai (cũng thuộc cùng một thị tộc theo chế độ mẫu hệ) rồi xuống đến con trai của chị hay em gái, chứ không phải truyền sang con trai của các anh em trai kia, vì đứa con trai này thuộc về một thị tộc khác. Một người đàn ông sắp chết trối lại rằng ông muốn để lại cho đứa con trai một trong các nông trại trồng cocoa của mình, và thề độc buộc người em trai là người thừa kế hợp pháp phải thực hiện ý muốn của ông. Ông bảo người em: “Nếu chú không giao mảnh vườn đó cho thằng con tôi, tôi sẽ lôi chú cùng xuống diêm vương để tổ tiên xét xử.”

… Người đàn ông qua đời, em trai của ông thừa kế tài sản, nhưng cùng với sự nhất trí của các thành viên khác trong gia đình, anh ta không giao miếng vườn cho đứa con trai của người anh đã chết. Ba tháng sau, trong làng xảy ra một trận hỏa hoạn, người em trong lục trèo lên mái nhà chữa lửa không may rơi xuống đất bị thương nơi chân, và sau đó thì chết. Trước khi chết, anh ta nói với gia đình mình rằng anh ta tin là mình bị người anh đã chết trước kia bắt xuống âm phủ vì đã không tuân theo lời trối trăng của người anh. Mọi người đều tin cái chết của người em là do không chịu thực hiện ý muốn của người anh. Cho nên, người thừa kế tài sản tiếp theo đó đã phải giao miếng vườn cho con trai người anh đã chết.[4]

Trong những xã hội đơn sơ nhất, người ta không nghĩ nhiều đến quyền thừa kế. Những người săn bắn và hái lượm du cư chẳng có được bao nhiêu của cải mà hầu hết những thứ họ có đều là công cụ kiếm ăn cá nhân. Do niềm tin phổ biến vào cuộc sống đời sau, nhiều dân tộc sơ khai cho rằng người chết cần và muốn mang theo của cải của họ sang bên kia thế giới. Kết quả là, theo như Radcliffe-Brown ghi nhận: Với chúng ta, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc nối truyền dòng dõi và sự chuyển giao tài sản theo quyền thừa kế. Thế nhưng trong vài xã hội đơn sơ nhất thì chuyện này không quan trọng gì cả. Trong một bộ lạc ở Úc, chẳng hạn, một người sở hữu vài món vũ khí, công cụ, đồ dùng, và vài món trang sức cá nhân, những thứ không có mấy giá trị và cũng chẳng lâu bền. Khi người đó chết, một số đồ vật có thể được chôn theo anh ta, những thứ khác được phân phối cho thân nhân hay bạn bè. Nhưng những thứ họ chôn theo người chết nếu không có liên quan đến nghi lễ thì cũng không có giá trị bao nhiêu, thường khó mà biết được họ có những qui luật nào khác về các tập tục (đối với người chết).[5]

Có thể nói tương tự như vậy về người Bushmen ở châu Phi, thổ dân trên đảo Andaman, người Semang, người Eskimo, và người Shoshone.

Tục phá hủy tài sản

Về trường hợp người Comanche:

Trong tục hủy bỏ tài sản của người chết chỉ có một quy luật đáng chú ý không thay đổi: cùng với cái chết của lột người, tất cả tài sản cá nhân của người đó cũng phải được hủy bỏ. Những thứ tài sản này gồm vũ khí, yên ngựa, dụng cụ, đồ đạc lặt vặt, và ngựa mà khi còn sống người ấy thường cưỡi... Hơn thế nữa, ngay cả cái lều mà anh ta cùng vợ con đã sống trong đó cũng đều phải tiêu hủy; đối với người chết là trẻ con - không phải là hài nhi - cũng vậy. Các vật dụng cần thiết của người chết sẽ được chôn theo. Những thứ ít quan trọng hơn thì đốt bỏ. Những thứ dùng làm thuốc thì được ném xuống sông, hoặc treo lên các cây ít người đến để cho mục rữa.[6]

Thổ dân Ali vùng bình nguyên cũng có những qui luật tương tự. Những thứ còn lại được xử lý theo nhiều cách khác nhau. Với người Comanche, điền trang hoặc thổ cư được để lại cho vợ người quá cố, và người quả phụ này sẽ có nghĩa vụ phải chia một ít vật thừa kế đó cho bè bạn và thân nhân của người chồng, và nhất là cho những người không có quan hệ bà con thân thuộc đang bu quanh than khóc; họ than khóc, và than khóc mãi cho đến khi nào được tang gia chủ chia quà cho mới thôi. Theo thực tế mà nói, tục hưởng thừa kế của những người không bà con thân thích là một điểm đặc biệt của vùng bình nguyên. Một gia đình làm trọn lễ theo đám tang thì trở thành tay trắng, lâm cảnh đói khổ, cho đến khi bạn bè hoặc bà con thân nhân trợ cấp lại cho.

Ở những trình độ văn hóa thấp hơn, khó mà tổng quát hóa một cách chính xác qui luật về quyền thừa kế. Thường là không có một qui luật đơn giản nào về quyền thừa kế áp dụng cho tất cả tình huống, hoặc không có một tập tục đơn giản nào theo qui định của luật pháp cả. Một người Cheyenne khôn ngoan và từng trải, chuyên cung cấp thông tin cho chúng tôi, tên là Bê Cái, cảnh báo: “không phải gia đình nào cũng xử sự giống như nhau đâu.”

Những sự phân biệt theo giới tính

Nhìn chung, có thể nói rằng trong thế giới sơ khai, vợ chồng không hưởng thừa kế lẫn nhau. Đây là một kết quả dễ hiểu từ bản chất của hôn nhân như một liên minh của hai nhóm dòng họ. Những gì do người chồng hay vợ chết để lại đều được giao lại cho bên dòng họ của người quá cố. Của cải của đàn ông được bên nam thừa kế, của đàn bà do bên nữ thừa kế[7]. Hai yếu tố hiện đang còn ở mức độ sơ khai là nguyên nhân của những tình trạng này. Yếu tố thứ nhất là sự thiếu vắng một nền kinh tế thị trường và tiền tệ phát triển. Của cải không thể bị tách rời khỏi sự sử dụng mà không gây bất ổn. Chúng chưa được hoán đổi trở lại thành vốn lưu động. Vì vậy, chúng phải thuộc sở hữu của một người có khả năng sử dụng; sự phân chia giới tính trong lao động ngăn cản quyền thừa kế tài sản liên hệ đến giới tính của những người khác phái. Thứ hai, trong tất cả các xã hội sơ khai, một cá nhân bị ràng buộc chặt chẽ vào dòng họ của anh ta hay chị ta hơn là với người bạn đời. Sự đòi hỏi quyền lợi của những người bà con thân thuộc còn sống mạnh hơn của người hôn phối còn sống[8].

Tác động của dòng dõi đơn tuyến

Trong trường hợp, cái chết sẽ xảy ra tục nối dây bên chồng hay bên vợ, tài sản dịch chuyển được của người chồng hay vợ chết vẫn được giữ lại trong hộ gia đình của người vợ hay chồng còn sống, và tài sản về đất đai thì vẫn thuộc về người hôn phối còn sống. Nhưng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của sự đồng nhất vị thế giữa người hôn phối đã chết và người thế chỗ người chết ấy trong gia đình. Quyền thừa kế truyền từ người vợ đã chết đến người em gái thế chỗ cho chị, chớ không phái từ người vợ đã chết truyền lại cho người chồng rồi từ đó truyền đến người vợ thứ hai.

Sự thừa kế quyến sử dụng đất được truyền theo cách thức rất rõ ràng. Với những cộng đồng nông dân theo chế độ mẫu hệ, những nơi mà người phụ nữ đảm nhận công việc cày cấy thì quyền thừa kế truyền từ mẹ sang con gái. Trong tình huống phức tạp hơn, với tổ chức theo chế độ mẫu hệ kèm theo việc ở rể và người đàn ông phụ trách công việc nương rẫy (như trên các đảo Trobriand), thì quyền thừa kế truyền từ anh em trai của mẹ đến con trai của chị em gái của mẹ. Nhiều nơi ở Melanesia, mặc dù đất đai được thừa kế theo dòng mẹ, các cây ăn trái do nam giới sở hữu thì lại được thừa kế theo dòng cha.

Hình thức tổ chức dù là theo chế độ phụ hệ hay mẫu bệ cũng đều ảnh hưởng một cách sâu sắc đến các nguyên tắc thừa kế các loại động sản và tài sản phi vật thể. Các xã hội theo chế độ phụ hệ thường dành quyền thừa kế cho con cái nói chung... Các xã hội theo chế độ mẫu hệ lại dành quyền thừa kế từ người cậu sang con trai của chị hay em gái của mẹ. Một bộ lạc hoàn toàn có thể đặt một số hình thức tài sản thừa kế theo bên cậu, và những hình thức tài sản khác được tiếp nhận theo dòng cha. Hệ thống thừa kế không nhất thiết phải tuyệt đối theo một nguyên tắc nào cả.

Sự tương đương giới tính trong hôn nhân của anh hay em trai được phản ánh trong sự tương đương với mối liên hệ của họ đối với tài sản. Như thế, sự thừa kế bàng hệ, hay sự thừa kế bởi các anh em trai hay các chị em gái từ người anh/em trai hay chị/em gái hơn là từ các con, cho thấy rằng các thành viên của một tình anh em gắn bó cao hơn trong gia đình do hôn nhân. Những tộc thổ dân vùng Bình Nguyên áp dụng qui luật này đặc biệt trong việc hưởng thừa kế các con ngựa. Sự ràng buộc của tình anh em là quan trọng hơn con cái hay là bên cậu. Điều này có thể củng cố thêm sự thừa kế về chính trị trong chức vụ thủ lãnh, một tình trạng được qui định thích hợp để ngăn ngừa tình trạng chiếc áo lãnh đạo rơi vào một thanh niên chưa đủ lông đủ cánh.

Các tài sản phi vật thể, đặc biệt là các công thức ma thuật hay phép thuật chữa bệnh phải được truyền lại phần nào trước khi con người nắm giữ những bí quyết đó chết đi. Một người có thể truyền lại bùa phép hay những bài ca cho con trai mình hay cho cháu trai để làm quà, mà không cần phải nghĩ đến lúc mình phải rời bỏ cõi đời. Đó sẽ là một thứ quà tặng lúc sinh thời, có thể không phải là điều thừa kế. Hoặc những kiến thức cần thiết được truyền thụ lại mà không trao quyền sử dụng cho đến sau khi người truyền dạy chết đi, thì đó đúng là một món quà tử hậu (sau khi chết), một món quà được thực hiện trong viễn cảnh sắp chết, và có thể là một khía cạnh của sự thừa kế.

Chế độ con trưởng thừa kế

Trong những xã hội đang tăng dân số mà tài nguyên đất từ vườn tược hay nền nông nghiệp có hạn, thì luôn luôn xảy ra vấn đề tài sản gia đình bị phân tán vì có quá nhiều người thừa kế. Chế độ con trai trưởng hưởng thừa kế là giải pháp được một số dân tộc áp dụng. Tất cả tài sản được chuyển giao cho con trai trưởng, là người có bổn phận hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình để đổi lấy công sức lao động của những người này. Một gia đình phải có một trung tâm mạnh mẽ. Đó là lời của những người Ifugao. Tuy vậy, chế độ con trưởng hưởng thừa kế thường được áp dụng trong chức vụ lãnh đạo nhiều hơn trong việc kế thừa tài sản đất đai. Quyền lực siêu nhiên của người thủ lãnh ở Polynesia được truyền cho con trai trưởng trong một chuỗi thừa kế không bao giờ dứt. Qui luật con trai trưởng thừa kế của người Maori ở Neo Zealand là rất mạnh mẽ đến nỗi một người con gái đầu lòng phải lấy tên đàn ông và giữ vị thế một người con trai trưởng.

Chế độ con trai trưởng thừa kế có thể là một sức mạnh trong một phong trào bành trướng. Quyền lực và vinh quang có thể đến với những người con trai thứ, là những người thoát ly đi khai phá những vùng đất mới để tạo ra của cải và đẳng cấp cho chính mình, và là kẻ thiết lập các dòng họ mới bằng cách dẫn đầu một nhóm người đến vùng đất chưa ai khai thác.

Người Maori là một bằng chứng rất rõ, và chúng ta có thể suy ra rằng chế độ con trai trưởng thừa kế là một sức mạnh ở Polynesia thúc đẩy các con trai thứ đi khai phá thuộc địa bên ngoài lãnh thổ quốc gia.[9]

Trách nhiệm xây dựng đế quốc của những người con trai thứ của vương triều nước Anh nặng nề ra sao, khi họ bị đẩy ra ngoài do các luật qui định quyền thừa kế của người con trưởng? Với chủ nghĩa kinh tế bất can thiệp của nước Anh vào thế kỷ mười chín, chế độ con trưởng thừa kế được đề cao như một biện pháp xã hội lưỡng toàn: vừa tránh được việc phân chia quyền thừa kế trong gia đình, vừa buộc các con thứ phải tự bảo vệ lấy mình, do đó các nỗ lực phấn đấu của họ đã làm cho xã hội giàu có và phong phú hơn. Những dân tộc sơ khai áp dụng chế độ con trưởng thừa kế nhận ra các lợi ích thứ nhất, nhưng có thể là họ không ý thức được những mối lợi thứ hai. Chế độ con trai trưởng thừa kế không được xã hội tây phương hiện nay tán thành. Chế độ phong kiến đã qua đi, và chế độ tư bản trong kinh doanh thì lại không thích hợp với chế độ con trưởng thừa kế.

Chế độ con trai út thừa kế. Một vài bộ lạc lại hoàn toàn thay đổi tình thế. Với chế độ con trai út thừa kế, người con út hưởng phần lớn nhất trong tài sản của gia đình. Trong một số dân tộc nhất định ở Ấn Độ, châu Á, và châu Phi, các người anh được giao cho các đàn gia súc hoặc nhà cửa trong số tài sản của gia đình như phấn sính lễ cưới vợ cho họ. Những gì còn lại khi người cha qua đời đều chuyển giao hết cho người con trai út, với lý do con út là đứa thiệt thòi nhất trong cuộc sống.

Nên thận trọng trong kết luận về chế độ con trưởng và chế độ con út thừa kế. Phần lớn các xã hội không hoàn toàn theo chế độ nào trong hai loại qui luật này cả.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2591-02-633540707975438750/Tang-pham-thuong-mai-va-quyen-thua-ke/Quy...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận