Sao chổi được tạo nên từ những gì?
Dù được coi là chịu trách nhiệm về các thảm họa tệ hại nhất, nhưng sao chổi lại là các thiên thể cực nhỏ, nếu ta so sánh chúng với các hành tinh hoặc vệ tinh của chúng. Chẳng hạn, nhân của ''người đẹp Hyakutake'', là sao chổi đã đến thăm chúng ta năm 1996, dài chưa đến 2 km! Còn kích thước lớn nhất của sao chổi Halley nổi tiếng không quá 16 km. Sao chổi không những bé mà còn rất nhẹ: với tỷ trọng dưới 0,5 g/cm3, có lẽ Halley không nặng đến 100 tỷ tấn, tức chỉ bằng khoảng vài trăm phần tỷ của khối lượng Trái đất. Sao chổi thực ra chỉ là một loại tảng băng trôi lớn trên bầu trời. Từ năm 1950 nhà thiên văn học Mỹ Fred Whipple đã hiểu rằng sao chổi chủ yếu được cấu tạo từ nước đá (H2O) trộn với băng cacbonic (CO và CO2) và toàn bộ được hòa lẫn vào bụi giữa các hành tinh, là mô hình mà ông đại chúng hóa bằng cái tên ''hòn tuyết bẩn''. Tại sao lại bẩn? Đơn giản chỉ vì nếu tuyết và nước đá hoàn toàn trắng, phản chiếu hơn 95% ánh sáng mặt trời, thì sao chổi ngược lại rất tối, gần đen như than, phản chiếu chưa đến 5% ánh sáng.
Người ta ngày càng biết rõ thành phần hóa học của sao chổi. Ngoài nước đá ra, thành phần này gồm có bụi silicat và một tập hợp các phân tử khác nhau, trong đó các chất hữu cơ có tên khó đọc, biến đổi từ cacbon, hydro, nitơ và lưu huỳnh: S2, SO, HC3N, OCS, CS2, H2S, CH3CN, HCN, NH3, C2H6, C2H2, CH4, CH3OH, H2CO, v.v…