NÔNG NGHIỆP
Với diện tích rất nhỏ, cả nước chỉ bằng khoảng một phần ba diện tích Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Singapore vẫn phát triển được một mức độ nông nghiệp của mình bằng cách tập trung thâm canh để đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước.
Trong số những con đường cao cấp của Singapore, có một đường tên là Orchard (vườn cây), vì nguyên thủy hai bạn đường là những vườn cây trĩu quả và những luống rau xanh tươi. Với quy hoạch đô thị để phát triển công nghiệp và thương mại, diện tích dành cho nông nghiệp vốn đã nhỏ ngày càng bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, ngoài số lượng rau quả và thịt cá nhập từ các nước lân cận, Singapore cũng tự túc được một phần nhu cầu trong đó có thịt gia cầm, trứng, thịt heo, rau, nấm và cá. Kỹ thuật cao cũng được quan tâm nghiên cứu để đưa vào ứng dụng trong canh tác nhân đạt tới sản lượng cao nhất trên một diện tích nhỏ nhất.
Dù với diện tích nhỏ như vậy nhưng có những sản phẩm nông nghiệp như phong lan và cây cảnh đã được Singapore xuất khẩu sang các thị trường Tây Âu, Nhật, Úc và Mỹ.
SỐ LIỆU CỦA NĂM 2001
Với những tăng trưởng và suy thoái trong từng giai đoạn ngắn, nền kinh tế Singapore nhìn ở góc độ tổng quát của cả quá trình lịch sử vẫn theo hướng ngày một phát triển cao hơn. Có thể đối chiếu cả quá trình chung với tình hình cụ thể của một năm, năm 2001.
TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC
Kinh tế Singapore suy thoái khoảng 2%, sau khi đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2000. Sự thay đổi nhanh này chủ yếu do tình hình sụt giảm về mức cầu ở bên ngoài về hàng tiêu dùng, đồng thời tình hình đầu tư vào kinh doanh cũng góp phần ảnh hưởng đến sự suy thoái đó.
Những khu vực kinh tế then chốt cũng đạt sự tăng trưởng thấp so với năm trước. Cụ thể, khu vực sản xuất giảm 12%, một sự sụt giảm lớn so với mức gia tăng 15% của năm 2000. Khu vực xây dựng giảm 2,1%. Và do tình hình kinh tế không ổn định cũng như mức tiêu dùng thấp cả nội địa và trong khu vực, khu vực bán buôn và bán lẻ giảm 2,8%. Khu vực vận tải và thông tin liên lạc tăng trưởng 2,7%. Khu vực các dịch vụ tài chính tăng 2,2%. Khu vực dịch vụ kinh doanh tăng trưởng 2,8%.
LẠM PHÁT
Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 1,0%. Giá cả gia tăng chỉ do ảnh hưởng của những yếu tố nội địa. Những yếu tố nội địa làm giá cả gia tăng 1,2% trong khi những yếu tố từ bên ngoài làm giảm giá 0,2%. Chỉ số của các lĩnh vực đều tăng, chỉ trừ vận tải và thông tin liên lạc. Những mặt hàng làm tăng mặt bằng giá là các tour du lịch trọn gói, thuốc lá, thực phẩm nấu sẵn và điện sinh hoạt, trong đó một phần được bù đắp lại qua sự giảm giá của ô tô, xăng dầu và điện thoại di động. Giá thành sản xuất của hầu hết các mặt hàng trong năm 2001 đều giảm do sự giảm giá dầu thô. Với sự cân bằng của giá hàng nhập khẩu giảm, giá cả nói chung giảm từ 1,6% đến 3,8%.
LAO ĐỘNG
Thị trường lao động ở Singapore trong năm 2001 bị tác động bởi sự suy thoái của môi trường ngoại vi. Sự suy thoái trong hoạt động kinh tế dẫn đến việc cắt giảm số lượng lao động là 25.838 người. Số lượng lao động trong các xí nghiệp có quá trình sản xuất tốt bị giảm mạnh, tuy nhiên tình hình này được cân đối lại phần nào qua số lao động gia tăng trong các khu vực dịch vụ. Trong cả năm 2001, mức thất nghiệp trung bình ở Singapore là 3,3%.
CÁN CÂN THANH TOÁN
Cán cân thanh toán trong năm 2001 được ghi nhận là bội chi 1,6 tỉ đô la, so với mức bội thu năm 2000 là 11,8 tỉ đô la. Mặc dù có mức bội thu trong các tài khoản tiền gửi, nhưng mức xuất ngân ở các tài khoản khác lại cao hơn. Việc xuất chi vào các khoản đầu tư trực tiếp là cân đối, tuy nhiên với những khoản đầu tư không ổn định khác thì mức xuất ngân tăng 20,2 tỉ đô la so với năm trước. Tuy nhiên mức dự trữ nước ngoài đã lên đến mức 140 tỉ đô la, cân đối lại với ảnh hưởng của mức bội chi trong cán cần thanh toán.
NỢ NƯỚC NGOÀI
Đến cuối năm 2001, chính quyền Singapore không phải chịu khoản nợ nước ngoài nào.
TỈ GIÁ HỐI ĐOÁI
Trong năm 2001 đồng đô la Singapore yếu đi so với đô la Mỹ và đồng Euro, nhưng lại mạnh lên so với tiền của hầu hết các nước Đông Nam Á. Thị trường cũng bị ảnh hưởng theo sự suy giảm về kinh tế. Trong những tháng trước ngày 11 tháng 9, đồng tiền của Singapore phục hồi tỉ giá so với đô la Mỹ theo mức của cuối tháng Giêng năm 2001, phản ánh mức sụt giá của đô la Mỹ so với đồng Yen và đồng Euro. Cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 đã kéo đồng đô la Mỹ xuống và đến cuối tháng 9 đồng đô la Singapore đã tăng giá 3,1% tính từ cuối tháng 6. Tuy nhiên từ tháng 10 tình hình lại đảo ngược, đồng đô Singapore lại sụt giá chung với đồng Yen Nhật.
Nhìn chung, đô la Singapore sụt giá 3,8% so với đô la Mỹ và 0,8% so với đồng Euro, tuy nhiên lại tăng giá 1,3% so với đồng bảng Anh và 8,5% so với đồng Yen Nhật.
LÃI SUẤT
Cùng với mức cắt giảm lãi suất ồ ạt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, mức lãi suất nội địa của Singapore cũng có khuynh hướng giảm dần trong hầu hết năm 2001. Trong nửa năm đầu 2001, mức lãi suất của đồng đô la Mỹ cho kỳ hạn 3 tháng của Liên Ngân hàng Singapore đã giảm đều từ 6,39% của cuối năm 2000 xuống còn 4,88% vào cuối tháng 3 năm 2001 và còn 3,83% vào cuối tháng 6. Tình hình này kéo theo mức giảm lãi suất của đồng tiền nội địa Singapore từ 2,81% cho kỳ hạn 3 tháng vào cuối năm 2000 xuống còn 2,25% vào cuối tháng 6 năm 2001. Sau đó, phản ánh sự tăng cường cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, lãi suất của Liên Ngân hàng Singapore tiếp tục giảm, đến cuối tháng 9, sau cuộc tấn công ngày 11, lãi suất của đô la Mỹ theo Liên Ngân hàng Singapore dừng ở mức 2.60%, và của đồng đô la Singapore là 1,81%. Đến cuối năm 2001, do ảnh hưởng của sự bất ổn định về kinh tế toàn cầu, lãi suất cho kỳ hạn 3 tháng của đô la Mỹ ở Singapore giảm còn 1,88% và của đô la Singapore và 1,25%, mức thấp nhất trong vòng gần 20 năm trở về trước.
CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH
Chính sách tài chính của nhà nước nhằm tạo môi trường thúc đẩy một khu vực kinh tế tư nhân năng động, tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, lực lượng lao động tốt và đẩy mạnh sự phát triển của Singapore.
Trọng tâm trong việc chi tiêu ngân sách của nhà nước được đặt vào việc cung ứng các loại hàng hóa và dịch vụ công cộng thiết yếu, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục nhà ở, cơ sở hạ tầng kinh tế, y tế cơ bản và an ninh quốc gia. Giống như năm trước, gánh nặng ngân sách của nhà nước dồn vào công cuộc phát triển xã hội (42%) và lĩnh vực an ninh và đối ngoại (37%). Việc phát triển kinh tế chiếm 16% trong tổng ngân sách nhà nước.
Trong thu nhập của nhà nước, chính sách thuế năm 2001 tiếp tục hướng trọng tâm vào một cơ cấu thuế có sức bị cạnh tranh quốc tế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư và nhân lực. Mặc dù có sự suy thoái mạnh trong môi trường bên ngoài cũng như tình hình chững bước trong kinh tế Singapore, những thu nhập cần thiết vẫn được tiến hành để làm nguồn tài chính cho các hoạt động của nhà nước và chi tiêu vào việc phát triển.
CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Chính sách tiền tệ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc duy trì một mức lạm phát thấp và ổn định, trong khi đó hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong giai đoạn mức cầu từ bên ngoài suy giảm và dưới sức ép của một mức lạm phát nhẹ.
Vào tháng Giêng năm 2001, cơ quan phụ trách tiền tệ của Singapore quyết định duy trì một mức tăng giá thật nhẹ đối với đồng đô la Singapore. Mục đích là để vượt qua sức ép lạm phát trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong giai đoạn mức tăng trưởng đang suy giảm. Vào tháng 7, chính sách tiền tệ ở đây là giữ mức trung tính trong tỉ giá hối đoái, với chỉ số tăng giá của đồng đô la Singapore là 0%.
NHỮNG CẢI CÁCH NHẰM TĂNG CƯỜNG THỊ TRƯỜNG
Những Thỏa Thuận về Tự Do Mậu Dịch
Singapore là một trong những nước ủng hộ mạnh nhất cho hệ thống mậu dịch đa phương trong Tổ Chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó Singapore cũng xúc tiến mậu dịch tự do để tiến tới áp dụng mậu dịch và đầu tư tự do trước năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và trước năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Singapore là thành viên của AFTA và đã ký kết Thỏa thuận Mậu dịch Tự do với New Zealand và Nhật Bản vào cuối năm 2001.
Hệ Thống Kinh Tế Các Doanh Nghiệp
Singapore đã thực hiện những bước khởi đầu để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi động, lớn mạnh và phát đạt. Singapore đang phát triển thành một trung tâm tài chính cho kinh doanh với hàng loạt các loại quỹ tiền tệ nhằm hỗ trợ cho việc thành lập và tăng trưởng của các doanh nghiệp. Việc khích lệ các doanh nghiệp khai thác nguồn tài nguyên về tri thức cũng đã được áp dụng. Một trung tâm khoa học gần với các trường đại học và các viện nghiên cứu sẽ được phát triển để làm môi trường hội tụ của những tài năng và các công ty.
Khoa Học Và Công Nghệ
Chương trình Khoa học & Công nghệ 2005 cho 5 năm tới đã được thực hiện từ năm 2000 với 2 tỉ đô la Singapore dành cho việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp. Theo thống kê, trong 5 năm từ 1996 đến 2000, cứ l đô la chi phí cho chương trình nghiên cứu và phát triển đã thu lợi được 4 đô la từ các hoạt động công nghiệp. Đây là một nguyên tắc quan trọng đảm bảo quỹ nghiên cứu và phát triển được phát huy đúng hướng phục vụ cho kinh tế. Mục tiêu của chương trình 2005 là chi phí hai phần ba quỹ nghiên cứu cho khu vực kinh tế tư nhân.
Việc Tự Do Hóa Các Đơn Vị Cung Cấp Điện Năng Và Khí Đốt
Singapore đã triển khai thị trường tự do về cung cấp năng lượng để thúc đẩy sự cạnh tranh trong việc sản xuất và bán lẻ năng lượng điện và khí đốt. Người tiêu dùng sẽ có cơ hội chọn lựa một đơn vị cung cấp tốt với giá rẻ để hợp đồng mua điện hoặc khí đốt. Những doanh nghiệp độc quyền trong việc truyền tải điện và vận chuyển khí đốt sẽ được tiếp tục chỉnh đốn.