TÌM CHÂN LÝ NHƯ THẾ NÀO
Sự phát triển mạnh mẽ, bất ngờ của khoa học tự nhiên lại một lần nữa đặt ra vấn đề: thế nào là chân lý, thế nào là những tiêu chuẩn nguồn gốc của chân lý. Khoa học mới hướng tới việc tự nhận thức mình và hình thành ra phương pháp của mình. Điều đó thể hiện rõ hơn cả trong những tác phẩm triết học của Francis. Bacon (1561-1626) người Anh và Ren Descartes (1596 - 150) người Pháp. Cả Bacon lẫn Descartes đều xuất phát từ khẳng định chân lý là hiển nhiên. Cả Galilei cũng tán thành quan điểm ấy khi dùng hình ảnh ''một trăm Aristotle và một ngàn Demosthenes đều phải lặng thinh trước một trí óc tầm thường may mắn phát hiện ra chân lý''. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát hiện ra chân lý để sau đó chân lý ấy được xác nhận và biện giải cho chính nó. Về điểm này cả Bacon lẫn Descartes đều nhất trí với nhau, nhưng lại có quan điểm khác nhau ở chỗ làm thế nào tìm kiếm chân lý.
Theo phương pháp của Bacon phải vận động từng bước nhỏ, từ những quan sát cụ thể và thí nghiệm đến những vấn đề chung hơn, đồng thời tránh các khái quát hoá quá mức. Theo ông các nhà triết học kinh viện đã lạm dụng việc khái quát hoá, họ đã nhảy phắt từ cái cảm nhận riêng lẻ sang các luận điểm chung nhất rồi từ những luận điểm tối cao này, được coi như những chân lý bất di bất dịch, rút ra các luận điểm cao vừa (tức là các luận điểm vật lý). Phương pháp suy lý đi từ cái riêng đến cái chung gọi là phương pháp quy nạp (induction). Con đường ấy theo Bacon, chưa có ai thể nghiệm.
Descartes thì cho rằng đơn giản nhất là nêu lên những nguyên lý chung rồi từ đó tiến tới cái riêng nhờ các suy lý. Phương pháp của ông là phương pháp diễn dịch (deduction), tức là suy lý từ cái chung đến cái riêng.
Trong khoa học hiện đại người ta áp dụng kết hợp cả hai phương pháp, gọi là quy nạp - diễn dịch nghĩa là tuần tự đi từ cái riêng đến cái chung và ngược lại.
Theo Francis Bacon, thực nghiệm là điểm xuất phát của chân lý, là phương tiện duy nhất để đi tìm chân lý ''Tất nhiên, quan sát là một trong những cách chứng minh tốt nhất chừng nào nó còn chưa đi lệch khác những kết quả trực tiếp của thực nghiệm. Những quan sát mà vô tình ta bắt gặp là sự ngẫu nhiên; những quan sát mà ta đi tìm và tìm ra chính là thí nghiệm hoặc thực nghiệm''.
Mối quan tâm của Francis Bacon rất đa dạng và với tư cách cá nhân ông được những người cùng thời đánh giá rất trái ngược, từ cảm phục đến lên án về sự bịp bợm và phản bội. Sân khấu cũng hấp dẫn Bacon. Theo một giả thuyết, chính ông đã ẩn danh dưới bút hiệu Willian Shakespeare. Năm 1615, Bacon trở thành trưởng công tố vương quốc Anh; năm 1617, là người giữ ấn triện quốc gia; năm 1618, ông lên chức Pháp quan tối cao (Lord Chancellor) dưới triều vua James Đệ nhất. Thế nhưng đến năm l621, Viện Huân tước (tức Thượng Nghị Viện) kết tội ông ăn hối lộ và đưa ông ra toà. Bacon bị tước hết danh hiệu và chức vụ. Toà kết án tù ông và nhà vua ấn định thời hạn tù là bốn ngày. Năm 1624 ông được phục hồi các tước hiệu song sức khoẻ nhà triết học đã suy sụp và ông đã mất sau đó không lâu.
Về mặt phương pháp luận và về triết học khoa học, Francts Bacon tỏ nhìn xa thấy rộng với bộ óc đặc biệt thông minh. Thế nhưng, về từng môn khoa học riêng biệt thì ông lại kém sắc sảo.
Descartes là nhà bác học tuyệt vời với những luận điểm có ảnh hưởng nhiều hơn và rộng rãi hơn. Đặc biệt, đã tạo lập ra một phần mới trong toán học về sau có tên gọi chung là hình học giải tích.
Descartes cũng có những thành tựu quan trọng trong vật lý. Ông đã đặt vấn đề toán học hoá vật lý, nói chính xác hơn, hình học hoá vật lý, biến môn học này thành một khoa học có tiên đề tương tự như trong công trình ''Những nguyên lý'' của Euclid. Các quan niệm Vũ Trụ học của Descartes một thời gian dài cạnh tranh với triết học tự nhiên mang thiên hướng toán học của Newton.
Cũng như Bacon, Descartes coi vấn đề phương pháp là vấn đề thiết yếu nhất đối với nhân loại: quả tình ít ai trên đời không hài lòng với trí tuệ của mình ai cũng cho rằng mình được trời phú cho không tồi. Tuy nhiên không nhiều người biết sử dụng đúng trí tuệ của mình. Phương pháp Descartes dựa vào 4 quy tắc sau đây:
Một là đừng bao giờ coi là chân lý bất cứ điều gì mà mình không thừa nhận là chân lý một cách hiển nhiên, tức là phải thận trọng tránh nóng vội và định kiến ngay từ đầu; khi định phán xét, chỉ đưa vào lập luận của mình những gì đã rõ ràng, minh bạch đối với trí óc mình mà không thể có nguyên có nào để hoài nghi.
Hai là, phân chia từng khó khăn mình cần khảo sát thành bao nhiêu phạm trù tuỳ theo đòi hỏi để giải quyết tốt hơn.
Ba là, xếp đặt tư duy của mình theo một trình tự nhất định, bắt dầu từ những đối tượng đơn giản nhất, dễ nhận biết nhất và đi lên dần dần như nước lên từng bậc thang đến sự nhận thức những đối tượng phức tạp hơn, không nhất thiết xếp theo thực tế cái này xuất hiện trước cái kia như trong tiến trình tự nhiên của sự vật.
Cuối cùng là liệt kê toàn bộ không được bỏ sót những gì thu thập được và xem xét khái quát nhằm tin chắc không còn bỏ sót điều gì.
Phương pháp Descartes phản ánh sự bàng hoàng của các nhà khoa học trước cuộc cách mạng của thuyết nhật tâm. Nếu như trước đây những nhà hiền triết cổ đại cũng như toàn thể loài người đã nhầm lẫn suốt nhiều thế kỷ thì từ nay không có một sự việc nào được coi là chân lý nếu không đi qua thử thách của sự hoài nghi. Bởi vậy triết học phải bắt đầu từ sự hoài nghi tất cả rồi mới tìm ra điểm tựa và sợi dây chỉ đạo xuyên suốt để thoát ra khỏi đầm lầy của chủ nghĩa hoài nghi. Descartes tìm ra một điểm tựa như sau: có thể hoài nghi tất cả trừ sự hoài nghi về chính mình. Cho nên điều khẳng định ''Tôi hoài nghi'' hoặc nói khái quát hơn “tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” chính là điểm xuất phát đích thực vô điều kiện của triết học. Khả năng của con người suy luận tư duy xác nhận sự tồn tại của Thượng đế và của thế giới bên ngoài. Đối với nhà tư tưởng người Pháp này Thượng đế không chỉ là vật bảo đảm cho khả năng nhận biết thế giới mà còn là nguồn gốc và nguyên nhân của sự chuyển động. Bởi vậy, sự vĩnh hằng của Thượng đế cho phép rút ra kết luận về sự bảo toàn chuyển động trong Vũ Trụ.
Descartes đặt phương pháp biện luận logic và phương pháp cố gắng đi sâu vào bản chất sự vật, xuất phát từ những tiền đề tư biện (trừu tượng) hiển nhiên đối lập với phương pháp thực nghiệm của Bacon. Khả năng nhận biết thế giới không dựa vào thí nghiệm mà dựa vào tính hợp lý của cấu tạo thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Descartes phê bình kịch liệt cuốn sách của Galilei “Trò chuyện và những chứng minh toán học liên quan tới hai khoa học mới, là cơ học và các định luật rơi''. Thiếu sót cơ bản của cuốn sách đó, theo Descartes là không chỉ ra nguyên nhân của các chuyển động mà chỉ mô tả chuyển động ấy đã xảy ra như thế nào.
RENÉ DESCARTES
Renes Descartes là nhà triết học, vật lý và toán học Pháp nổi tiếng, người tạo lập ra môn hình học giải tích. Ông sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 ở thị trấn nhỏ La Haye (nay là Descartes) thuộc tỉnh Touraine (nay là Indrre - et - Loire) trong gia đình một nghị viên xứ Bretagne. Mẹ ông mất vì bệnh lao phổi khi ông chưa đầy một tuổi. Ông nhớ lại: tôi thừa hưởng ở mẹ tôi những cơn ho khan và khuôn mặt xanh nhợt, cứ như thế đến tuổi 20 làm cho các bác sĩ khi trông thấy tôi trước tuổi ấy, cứ đoán già đoán non thế nào tôi cũng chết yểu...''
Lúc lên tám, cha cậu là Joachim Descerter gọi cậu là nhà triết học tí hon ''vì thấy cậu bé thích suy tưởng. Cha Descartes quyết định cho con mình ăn học tử tế nên đã gửi cậu vào một trường trung học nổi tiếng ở Pháp và châu Âu - trường đạo Dòng Tên ở thành phố La Flèche thuộc tỉnh Anjou.
Ở đó Ren học thuật hùng biện, toán học (đây là môn Ren hết sức yêu thích), thần học, triết học kinh viện, tiếng La tinh và Hi Lạp. Ngoài ra Ren còn học cả đấu kiếm, thể dục và múa. Tiếng Pháp không được chú ý lắm, nên nhiều năm sau Descarter phải xin lỗi Marin Mersenne về những lỗi chính tả của mình khi trao đổi thư từ với Mersenne.
Tháng 8 năm 1612, Descartes rời khỏi La Flèche. Chàng thanh niên đứng trước ngã ba đường bởi đường công danh khoa học lúc đó không hấp dẫn anh. Theo chỉ bảo của cha, anh theo học sĩ quan luyện tập cưỡi ngựa và đấu kiếm. Về sau ông đã viết một chuyên luận về nghệ thuật này.
Năm 1617 ở thành phố Breda, ông tình nguyện tham gia quân đội Hà Lan và sớm hiểu ra danh vọng binh nghiệp không dành cho ông. Thân hình nhỏ bé, cái đầu lại to, rõ ràng không có duyên với binh nghiệp. Ông nói: nghề này hấp dẫn thiên hạ cũng bởi hai nguyên nhân chính: nhàn rỗi và phóng đãng...''. Điều lý thú là trong thời gian tại ngũ, Descartes luôn luôn láu lỉnh, tìm chước để lui về tuyến sau. Với ông quân phục chỉ là thẻ thông hành giúp ông ngao du một cách thoải mái không bị cản trở và tương đối an toàn tới nhiều nơi ở châu Âu đang ngập tràn khói lửa của cuộc chiến tranh Ba Mươi Năm.
Những tháng đầu trong quân ngũ, ông đã làm quen với nhà toán học, vật lý học, bác sĩ y khoa Hà lan Isaac Beckman (1588 - 1637). Trò truyện với ông này Descartes đã nẩy sinh lòng say mê khoa học. Một lần khi dạo phố Breda, ông nhìn thấy trên tường một áp phích bằng tiếng Hà Lan và yêu cầu người đứng bên cạnh (chính là Beckman) dịch ra tiếng La tinh. Beckman mỉm cười bảo người sĩ quan trẻ tuổi đó là lời thách đố giải những bài toán khó và nếu chàng trai muốn thử tài thì ông sẽ dịch cho. Descartes chấp nhận yêu cầu và ngay ngày hôm sau Beckman đã nhận được lời giải. Thế là họ kết bạn với nhau. Hai nhà khoa học kiệt xuất vui vẻ lui tới thăm nhau, cùng tìm đáp số cho những bài toán, bài lý Descartes đã nói với Beckman: ''Tôi đã tỉnh giấc và anh là người đánh thức tôi''. Tình bạn của họ kéo dài trong vài năm rồi tan vỡ từ lúc Beckman không tế nhị, đã gọi “anh chàng người Pháp kiêu ngạo” là học trò mình. Tháng 7 năm 1619, Descartes chuyển sang nước Đức; ở đấy ông tham gia hiệp hội Công giáo để đánh lại với các tín đồ đạo Tin lành ở Séc. Mùa đông 1619 - 1620 ông trú chân ở Neuburg thuộc Đức, một thành phố nhỏ trên bờ sông Danube. Tại đây, trong căn phòng chật hẹp với một lò sưởi nhỏ bé, có thể nói ông đã trải qua những ngày tháng có ý nghĩa nhất đời mình. Trong nhật ký, Descartes viết: ''Ngày 10 tháng 11 tôi bắt đầu hiểu được cơ sở của một phát kiến kỳ diệu''. Ở đây, nhà bác học muốn nói đến việc ông phát hiện ra các cơ sở của hình học giải tích, một môn khoa học gắn hình học với đại số học. Có cảm tưởng như Descartes tìm thấy ở toán học khả năng làm nền cho mọi môn khoa học. Ông yêu môn toán vì độ chính xác tuyệt đối, đúng vào lúc ông xây dựng những nguyên lý cơ bản của hệ thống triết học của mình.
Năm 1621, Descartes giải ngũ và đến tháng 2 năm 1623 ông tới Paris, nơi ông gặp người bạn thời học sinh Mersenne. Suốt đời chỉ nghiên cứu khoa học, Descartes không có bất kỳ một phẩm hàm nào cả về quân sự lẫn dân sự. Ông đã phải bán cơ ngơi ở Poitou để khỏi lo phải kiếm tiền sinh sống.
Điều đáng chú ý là khi tới Italia, Descartes không tới thăm Galilei, dù danh tiếng nhà bác học này đã lan toả ra khắp châu Âu. Có thể vì sĩ diện bởi Galilei đã vượt hẳn ông về khoa học chính chính xác nên Descarter quyết định không đến làm quen. Âu cũng là cá tính ghen tị của Descartes. Ông không chấp nhận thần tượng. Ông ít đọc sách, có đọc cũng lướt qua được bài toán mới, ông tìm hiểu điều kiện rồi tự mình tìm cách giải, không vay mượn của bất kỳ một ai.
Ba năm ở Paris, ông đã gặp gỡ các nhà toán học ưu tú nhất nước Pháp, trong đó có Gerand Desargues, Hardy. Biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Descartes là cuộc tranh luận khoa học diễn ra tại nhà ông Guidi di Bagno, đại diện giáo hội, là nơi những nhà khoa học và thần học của thành phố thường lui tới. Một người có tên là Chandou (vốn là thầy thuốc, nhà giả kim thuật, một kẻ phiêu lưu, sau này bị treo cổ vì phạm tội làm bạc giả) đứng ra phê phán học thuyết kinh viện của Aristotle. Trong phát biểu phản biện của mình, Descartes đập tan luận thuyết của ông ta, khẳng định mọi hệ thống triết học phải được xây dựng trên những cơ sở được chứng minh chặt chẽ.
Phát biểu của Descartes gây được ấn tượng của người nghe và đã thể hiện một tài năng tranh luận và sự uyên bác. Hồng y de Brulle, người bảo trợ nhà bác học bày tỏ sự khâm phục của mình và thuyết phục ông bắt tay vào ''cải biến triết học''. Cảm thấy khí hậu ở Hà Lan dễ chịu hơn, phù hợp với sức khoẻ của mình, Descartes chuyển sang đó. Hơn nữa đây là một quốc gia yên tĩnh và tự do, nơi ''ẩn dật'' cần thiết để dành toàn tâm toàn ý cho công việc. Descartes đã ở đây 20 năm với những thành tựu lao động đáng kính nể. Thích sống ''ẩn dật” nên ông đã di chuyển chỗ ở tới... 24 lần. Chỉ có Mersenne biết nơi ở của ông.
Năm 1634, Descartes làm quen với một cô gái tên là Elena. Sau đó họ sống chung với nhau một thời gian. Năm 1635 Elena sinh con gái đặt tên là Francina. Nhà bác học rất yêu con nhưng thật trớ trêu cháu bé đã sớm lìa đời.
Triết học mới của Descartes là học thuyết mang tên ông (Cartesianism, gốc từ dạng Latinh hoá tên họ của ông Cartesius). Học thuyết này rất thịnh hành ở Hà Lan, nhất là trong giới thanh niên. Ông bác bỏ các phương thức truyền đạt kiến thức theo kiểu truyền thống, chẳng hạn như tập quán, uy tín của các bậc tiền bối. Vào thời đại mà mô hình Vũ Trụ địa tâm sụp đổ, Descartes nghi ngờ hết thảy, chỉ trừ một điều: tất nhiên là con người đang tư duy phải tồn tại. Xuất phát từ điểm nhận thức ban đầu duy nhất và hiển nhiên này, ông đã cố gắng xây dựng một bức tranh cấu tạo Vũ Trụ.
Descartes xây dựng lôgic của nhận thức từ cái hiển nhiên và giản đơn nhất, đến cái phức tạp và không hiển nhiên. Bởi vậy, Vũ Trụ ví như một cơ cấu phức tạp gồm những chi tiết đơn giản hơn. Trong số tất cả các dạng chuyển động mà Aristotle nói đến, Descartes chỉ giữ lại chuyển động cơ học, còn tất cả các dạng khác đều quy về nó. Cốt lõi của thế giới quan Vũ Trụ học của ông là lý thuyết luồng xoáy với không gian chứa đầy các hạt bé nhỏ (corpuscle). Các hạt ấy bị cuốn vào chuyển động xoáy bao trùm toàn bộ Vũ Trụ; ở trung tâm luồng xoáy là Mặt Trời. Luồng xoáy làm Trái Đất xoay quanh Mặt Trời. Đến lượt mình, Trái Đất cũng nằm ở tâm mặt xoáy có Mặt Trăng xoay quanh. Triết học Descartes là một trong những lý thuyết vật lý mạnh nhất ở thế kỷ XVII. Chỉ có nó mới đủ sức cạnh tranh với lý thuyết của Newton. Khác với Newton, Descartes phủ định khả năng tồn tại của chân không, và cho rằng vật chất là liên tục, không thể chia cắt và tràn ngập toàn bộ khoảng không Vũ Trụ.
Vào thế kỷ XVIII, một trong những đại diện xuất sắc của thuyết Descartes là Roger Joseph Boscovich (1711 - 1787) nhà bác học - tu sĩ Dòng Tên người Xecbi - Croat. Kế thừa Descartes, Boscovich đã xây dựng lý thuyết về vật chất của mình. Theo lý thuyết này, mỗi hạt gồm trung tâm và lực. Những trung tâm tương tác khác nhau có thể đẩy hoặc hút nhau tuỳ thuộc lực tác dụng giữa các trung tâm ấy. Về bản chất, đấy là một trong những lý thuyết đầu tiên về trường của vật chất.
Các giáo sĩ Hà Lan phê phán thuyết Descartes vì học theo triết học Aris.
Người ta tổ chức phiên toà lên án ông, nên cuối cùng ông quyết định rời bỏ đất nước này. Năm 1649, Descartes đến Thụy Điển theo lời mời của nữ hoàng trẻ tuổi Christina. Nhà bác học vốn quen nằm trên giường suốt buổi sáng nay phải theo đúng quy định của triều đình: từ 5 giờ sáng đã phải tỉnh giấc, đi trong băng tuyết đến hoàng cung. Sức khoẻ của ông đã suy sụp trầm trọng. Do sưng phổi nặng, ngày 11 tháng 2 năm 1650 Descartes qua đời.
Mãi 17 năm sau, di hài ông mới được đưa về Pháp. Nhiều tác phẩm của Descartes trong đó có công trình ''Những quy tắc hướng dẫn trí tuệ'' bị Giáo hoàng La Mã liệt vào ''danh sách các sách cấm''; ở Pháp theo lệnh của Louis XIV, việc giảng dạy học thuyết Descartes cũng bị cấm. Những người mến mộ ông cũng không thể giữ được nguyên vẹn chiếc quan tài khỏi sự kiểm soát hải quan. Kể lại lễ tang, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Pháp, một người viết tiểu sử của ông cho biết những kẻ đại diện duy nhất cho chính phủ là những tên mật thám đầy rẫy trong đám đông''.