Tài liệu: Thời Phục hưng Châu Âu lần thứ nhất

Tài liệu
Thời Phục hưng Châu Âu lần thứ nhất

Nội dung

THỜI PHỤC HƯNG CHÂU ÂU LẦN THỨ NHẤT.

CÁC NHÀ DỊCH THUẬT VÀ BÌNH GIẢNG

 

Thời gian im ắng kéo dài nhiều thế kỉ khắp châu Âu trong hoạt động nghiên cứu tự nhiên rồi cũng chấm dứt, vào thế kỷ X, khi xuất hiện lại các thành thị và nảy nở những tiền đề của làn sóng công nghệ mới. Nguồn lực của biến đổi tiến bộ công nghệ chỉ có thể tìm ở tri thức khoa học, nhưng người châu Âu hiểu ra điều này rất chậm. Cái xung lực đầu tiên làm cho tri thức cổ đại lưu giữ trong các di cảo viết tay thời cổ và trong các sách Arập, bắt đầu trở lại với châu Âu là do Gerbert ở Aurillac (khoảng 940 - 1003), người đi vào lịch sử với tên gọi là Giáo hoàng La Mã Sylvester II (999 - 1003) tạo nên.

Ông tiếp thu được học vấn uyên bác ở xứ Tây Ban Nha thuộc Arập, nơi ông trải qua 3 năm trong tu viện Santa - Maria de Ripoi, nổi danh vì có một thư viện tuyệt vời. Một số nhà viết sử còn kể về chuyến du lịch Ấn Độ của ông. Nhờ đó Gerbert tiếp cận được với hai dân tộc có nền giáo dục tốt nhất thời ấy: Ấn Độ và Arập… Là người ham học phi thường, ông say mê đọc sách, và đến cuối đời ông đã sưu tầm được 4 trong sách lớn, phần lớn là di cảo quý về toán học, siêu hình học, giả kim thuật, chiêm tinh học ma thuật... Chính ông đã du nhập vào châu Âu hệ thống đếm của Ấn Độ, Arập thay cho hệ đếm La Mã rất cồng kềnh khó dùng cho số học.

Gerbert khởi đầu việc dịch thuật các bài giảng Arập và Hi Lạp cổ đại ra tiếng La tinh, thứ công việc rất khó nhọc và còn được tiếp tục rất lâu sau khi ông mất. Người ta gọi đó là thời đại của các nhà dịch thuật. Rất nhiều nhà bác học cống hiến cả đời cho việc dịch các tác gia Hi Lạp cổ đại và Arập. Nhiều di cảo quý nhập vào châu Âu theo con đường Byzantin, các nước Hồi giáo (trước hết là Tây Ban Nha thuộc Arập) và cả Ấn Độ nữa. Qua hai thế kỉ, từ giữa thế kỷ XI - đến giữa thế kỷ XIII, phần lớn các trước tác Arập và Hi Lạp cổ đại được dịch sang tiếng La tinh. Đồng thời nền giáo dục châu Âu cũng bắt đầu phát triển. Những trường đại học lâu đời nhất châu Âu ra đời thời kì này như ở Bollogna cuối thế kỷ XI, ở Oxford (Anh) thế kỷ XII, ở Paris (trường Sorbonne) năm 1215…

Cơ sở cho các trường đại học tổng hợp đó là các trường giáo dục đại cương (tiếng La Tinh: studia generalia) dạy lôgic, tu từ học (thuật hùng biện) ngữ pháp hay các trường y.

Vài thế kỉ sau đó các nhà bác học tập trung nỗ lực tìm hiểu và bình giảng những văn bản cổ đại mới được tái phát hiện. Từ thời đại dịch thuật người ta chuyển sang thời đại bình giảng.

Một nhà bình giảng nổi tiếng bậc nhất là Robert Grosseteste (1175 - 1253). Ông là nhà nghiên cứu tự nhiên và triết học ở Đại học Oxford. Bình giảng của ông về các khảo luận của Aristotle ''Phép phân tích thứ hai'' và ''Vật lý học'', về thực chất đã nêu lên các khái niệm về phương pháp luận khoa học và vai trò của thực nghiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu Tự nhiên dùng cho suốt thời kỳ sau của Trung thế kỉ. Chính trong cuộc đấu tranh với những quan niệm của ông, người ta hình thành nên những quan điểm mới, vào cuối thời Phục Hưng.

Mối quan tâm đặc biệt của Grosseteste với quang học có phần khác thường so với các công trình của các nhà khoa học Arập. Theo Kinh Thánh, ánh sáng đã là thứ đầu tiên được Chùa Trời tạo ra do vậy Grosseteste cho rằng ánh sáng là vật trung gian, truyền xung động sáng tạo của Chúa cho thế giới. Ánh sáng lan truyền khắp thế giới, tạo ra không gian và vật chất. Sau khi phản xạ từ thiên cầu ngoài cùng của Cosmos (Vũ Trụ), nó hoá rắn và tạo ra các thiên cầu mới. Vậy việc tìm hiểu các quy luật lan truyền tia sáng có nghĩa là tiến tới thấu hiểu bí mật của sự sáng tạo thế giới. Cảm nhận đó về quang học đã được người học trò của ông, một nhà triết học, tự nhiên học người Anh thày tu dòng Franciscan là Roger Bacon (khoảng 1214 - 1292) noi theo.

Vào thế kỉ XIV những chấn động chưa từng thấy cho đến thời đó đã dội lên đầu một phần cư dân châu Âu. Cuộc chiến tranh Trăm năm (1337 - 1453), nạn đói khủng khiếp, dịch bệnh “cái chết đen” (bệnh dịch hạch) hoành hành khắp châu Âu vào những năm 1348 - 1350 đã khiến dân số giảm hơn một nửa. Tình trạng ấy không thúc đẩy tiến bộ tri thức. Song đúng vào lúc đó đã có các khảo luận quan trọng nhất về toán học và các úng dụng của nó vào nhiều ngành tri thức khác nhau (như lý thuyết về chuyển động và cơ học, lý thuyết tĩnh học) được viết ra. Tại trường Merton thuộc Đại học Oxford đã ra đời một trường phái toán học nổi tiếng, có tên gọi là trường phát Merton với các thành viên như Thomas, Bradwardine (1290 - 1349) và học trò là William Heytesbury, John Dumbleton, Richard Killtngton và Richard swineshead… được mệnh danh là ''các nhà tính toán'' (''calculatores'' theo tiếng La tinh) do cách tiếp cận độc đáo riêng của họ để mô tả hiện thực. Họ cố công tìm kiếm tương quan định lượng giữa nguyên nhân chuyển động và các hệ quả của nó, hoặc nói khác đi, là tương quan giữa lực và vận tốc.

Sự phức tạp của bài toán là ở chỗ đã không có cả phương pháp đo vận tốc và lực tác dụng, lẫn cách thức xác định lý thuyết các đại lượng này. Mặc dù vậy các nhà tính toán cũng đã đi đến được khái niệm chuyển động gia tốc đều, lập nên quy tắc theo đó thì chuyển động ấy ''tương đương'' (tức bằng nhau về quãng đường đi được với một chuyển động đều có vận tốc bằng trung bình cộng hai vận tốc đầu và cuối. Các nhà khoa học Đại học Paris là Jean Buridan (khoảng 1300 - khoảng 1358) và Nicole Oresme (khoảng 1323 - 1382) cùng đạt kết quả tương tự. Buridan lưu ý rằng quan điểm Aristotle không thể lý giải được chuyển động của vật bị ném (như hòn đá) khi không có lúc nào tác động lên nó. Ông giả thuyết rằng vật có thể chuyển động không phải chỉ vì ngoại lực mà còn vì ''một lượng chuyển động tích luỹ bởi chính nó''. Như vậy Buridan kết luận rằng một vật chịu tác dụng một lực không đổi, sẽ chuyển động không phải với vận tốc không đổi như Aristotle từng khẳng định, mà với một gia tốc không đổi. Tuy Buridan không đưa ra được kết luận này, nhưng chính khái niệm chuyển động gia tốc đều và tầm quan trọng của nó đã trở nên rõ ràng đối với người học trò của ông là Oresme. Ông này đã tập trung công sức xây dựng một kĩ thuật đặc biệt biểu thị đồ hình loại chuyển động ấy. Oresme khẳng định, mọi tính chất, trong đó có vận tốc, có thể mô tả dưới dạng một đoạn thẳng'' có chiều dài là cường độ của tính chất. Cho nên giữa các tính chất khác nhau, như giữa các vận tốc, có thể thiết lập một tỉ lệ như là giữa các ''đoạn thẳng''.

Dưới hình thức ''bình giảng đối với Aristotle'' đã ra đời cả một học thuyết về các cơ cấu đơn giản. Từ thế kỷ XII đã có một số khảo luận viết về 5 cơ cấu tối giản như tác phẩm của Jordan Nemorori (thế kỷ XI - XIII) từng cho một lời giải đúng bài toán cân bằng vật thể trên mặt phẳng nghiêng, điều mà các nhà cơ học Alexandria xưa kia là Heron và Pappus đã bó tay. Tác phẩm của Nemorori đã được Roger Bacon đánh giá cao với lời nhận xét rằng: ''khoa học về trọng lực đẹp và rất khó đối với những ai không lão luyện trong nhận thúc bằng thực nghiệm các nguyên nhân liên quan tới chuyển động của vật nặng và vật nhẹ''.

Tư duy kinh viện Tây Âu một mặt khâm phục các khảo luận và sự thông thái cổ đại mặt khác lại cố lồng ghép sự thông thái ấy vào cái khuôn khổ tín ngưỡng Kitô giáo.

Điều ấy tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Chẳng hạn ở Đại học Paris vào thế kỷ XIII việc giảng dạy triết học tự nhiên Aristotel đã nhiều lần bị cấm đoán. Nhưng nhờ có các công trình của Thánh Thomas Aquinas (tiếng Pháp: Thomas d'Aquin) (1225/1226, -1274)  các nhà kinh viện đã khắc phục được mâu thuẫn giữa triết học tự nhiên của Aristotle với các giáo lý đạo Kitô, hơn nữa đã liên kết được các thế giới quan ấy lại với nhau, hình thành ''học thuyết Thomas'' (Thomism). Đến thế kỷ XVI, tại Cộng đồng Trent (hội nghị công giáo do Giáo Hoàng triệu tập để đối phó với phong trào cải cách tôn giáo) học thuyết đó được chính thức công nhận là ''học thuyết chính thống của đạo Thiên chúa (Công giáo)''. Chính học thuyết Thomas, sản phẩm tổng hợp của học thuyết Aristotle với đạo Kitô, chứ không phải học thuyết Aristotle ở dạng thuần tuý, đã là đối thủ chính của dần các quan điểm mới về tự nhiên đang hình thành dần dần về sau được mệnh danh là ''phương pháp khoa học''.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1120-02-633396300898281250/Tu-co-dai-toi-phuc-hung/Thoi-Phuc-hung-Ch...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận