SỰ CHIA NHÁNH CÁC KHOA HỌC
Hình hải đăng Alexandria in nổi trên đồng tiền của hoàng đế La Mã Antoninus Pius (86-161)
Ai Cập có lẽ may mắn hơn các quốc gia nhỏ còn lại hình thành sau sự tan rã của đế chế của Alexandre Maxêđônia (356 - 323 tr.CN). Vương triều Ptolemy làm chủ nơi đây đã cai trị yên ổn hoà bình gần 3 thế kỉ (305 - 30 tr.CN). Kinh đô mới của Ai Cập được khởi công dựng nên từ sinh thời Alexandre (khoảng 332 - 331 tr.CN) và mang tên Alexandria để tôn vinh vị Đại Đế này, lúc bấy giờ đã trở thành một trung tâm văn hoá lớn nhất vùng Địa Trung Hải, nơi thu hút bao trí tuệ xuất sắc từ mọi miền của Đế chế đang tan rã. Chính ở nơi đây các đại biểu cả ba nền văn hoá cổ đại: Ai Cập, Hi Lạp và Do Thái đem các quan điểm của nhau về Tự nhiên ra đánh giá một cách có phê phán. Vì không có một uy tín bao trùm nào cho nên phương pháp duy nhất, giúp họ nhất trí trong các quan điểm là phương pháp chứng minh lôgic và điều này đã trở thành khởi nguồn của khoa học chứng minh.
Nhà bác học ở Alexandria Euclid đã chỉ ra một cách hùng hồn bằng cách nào để những luận điểm rời rạc về các con số và hình vẽ có thể đưa vào một hệ thống thống nhất, trong đó mỗi cái là hệ quả của một số ít các tiên đề hiển nhiên. Toán học đã trở thành mẫu mực của khoa học chứng minh. Phương pháp của Euclid thành công đến nỗi làm nảy sinh ra một tham vọng dùng nó để chứng minh các nhóm luận điểm khác, liên kết chúng với nhau và đưa tới những giả định tiên khởi hiển nhiên. Mỗi nhóm như thế đương nhiên được coi là một nhánh khoa học riêng và quá trình chia tách triết học thành các ngành mới, vốn khởi đầu từ sinh thời Aristotle nay đã có phương hướng mới. Đã bắt đầu một quá trình như thường nói, phân hoá các khoa học.
Về bản thân ngành tự nhiên học thì giai đoạn tiếp sau cái chết của Alexandres Maxêđônia và sự tan rã của đế chế, có dấu hiệu phần nào đình đốn và trì trệ. Không có tư tưởng triết học nào mới, mà chỉ diễn ra việc phân loại những cái có sẵn. Dù sao bấy giờ cũng đã xuất hiện 3 tên tuổi lớn: Theophrastus, Straton và Epicurus (ta quen gọi Êpiquya theo tiếng Pháp Épicure) báo hiệu cho sự nở rộ sau này của khoa học Alexandria.
Theo phrastus (tiếng Pháp: Théophraste) (khoảng 372 - khoảng 287 tr.CN) đã lãnh đạo trường phái môn đồ của Aristotle ở Lyceum Athensl phái Tiêu dao - sau khi Aristotle qua đời. Môn triết học thống nhất về Tự nhiên của Aristotle nay được người kế nghiệp ông chia ra các bộ môn khác nhau mỗi cái theo một khảo luận riêng: ''Lịch sử thực vật'', ''Về nguồn gốc thực vật'', ''Về thạch học'', ''Về gió'', ''ý kiến các nhà vật lý''...
Straton (tiếng Anh: Strato) ở Lampsacus (340 - 270) sau khi Theophrastus chết đã lãnh đạo trong Liceum và phái Tiêu dao. Ông xa rời phần nhiều các luận điểm vật lý học Aristotle mà sau này là mục tiêu phê phán gay gắt vào thời Phục Hưng và ở thế kỷ XVII. Ông này khơi nguồn cho truyền thống phê phán trong nội bộ trường phái mình, tuy không đoạn tuyệt với các cơ sở của nó. Chẳng hạn Straton đã từ bỏ các luận điểm của Aristotle cho rằng sự chuyển động tự nhiên của vật nặng vào tâm Trái Đất, còn vật nhẹ bay lên trời, đều là tìm tới vị trí tự nhiên của chúng. Straton cho rằng mọi vật thể trong Vũ Trụ đều rơi về phía dưới - tâm Trái Đất, song vật nặng lấn át vật nhẹ, làm ta tưởng vật nhẹ như bị đẩy lên. Về sau Archimedes (Acsimet) đã phát triển luận điểm ấy thành định luật về sự nổi của vật thể, rất nổi tiếng.
Straton còn vay mượn cua Epicurus cả luận điểm nguyên tử về vật chất, theo đó vật chất gồm các hạt tách rời nhau bởi các khoảng cách tương ứng với độ chịu nén của vật.
Nhà triết học cổ Hi Lạp Epicurus (341 - 270 tr.CN) đã tạo cho thuyết nguyên tử cái dạng quen thuộc hơn đối với chúng ta. Khác với các bậc tiền bối là Democritus và Leucippus, Epicurus quan niệm thế giới chứa các chân không và các hạt cực kì nhỏ bé - nguyên tử - luôn luôn chuyển động. Còn Democritus thì lại cho rằng nguyên tử có thể có kích thước bất kì, thậm chí so sánh được với cả kích thước Vũ Trụ.
TIỀN THÂN CÁC HỌC VIỆN: THƯ VIỆN VÀ MUSEION
Thành Alexandria sáng danh bởi nhiều danh lam thắng cảnh. Đứng hàng đầu trong số đó là ngọn hải đăng (xây dựng khoảng năm 280 tr.CN) trên đảo Pharos, là một trong bảy kì quan thế giới. Nhưng nổi danh không kém là museion Alexandria với một thư viện kèm theo (đầu thế kỷ III tr.CN). Cả hai cơ sở này được duy trì bằng kinh phí ngân khố hoàng gia, được xây dựng theo sáng kiến của vị vua người Hi Lạp đầu tiên trên xử sở Ai Cập: vua Ptolemy I Soter (305 - 283 tr.CN).
Ý tưởng xây dựng thư viện thì rõ ràng là thuộc về nhà triết học thành Athens, một diễn giả theo phái Tiêu dao, Demetrius ở Phalereus (khoảng 360 - khoảng 280 tr.CN), người từng được Caseandrs - một trong những người kế vị của Alexandre Maxêđônia, phong chức thủ lĩnh thành Athens (năm 317 tr.CN). Năm 307 tr.CN, khi ở Athens phục hồi nền dân chủ, Demetrius phải trốn chạy sang Ai Cập. Tại cung đình Ptolemy ông nổi danh là người uyên bác về các ngành khoa học và nghệ thuật.
Thư viện Alexandria là một ý tưởng độc nhất vô nhị vào thời đó: tập trung hầu hết sách vở Hi Lạp ghi chép được tới thời đó, cả về khoa học lẫn nghệ thuật. Tất nhiên việc sưu tập các di cảo đã được thực hiện từ trước đó, ví như các bộ sưu tập lớn đã từng có ở nhà soạn kịch Euripides và ở Aristotle. Nhưng các ông này sưu tập sách theo sở thích riêng là chính và họ không có nhiều tiền bạc để làm việc đó.
Giờ đây việc sưu tầm sách cho thư viện đã do quốc gia đảm trách. Sách vở từ mọi tàu thuyền cập cảng Alexandria đều bị thu lại sau đó chủ cũ sẽ nhận được một bản sao thật đẹp. Vào những năm hoàng kim của thành phố, số lượng bản ghi chép tích luỹ tại thư viện đã lên tới hơn 500000 cuốn. Hơn nữa, nhiều bản ghi chép không chỉ về một, mà về nhiều tác phẩm. Người lãnh đạo thư viện thường được chọn trong số các bác học nổi tiếng của Alexandria, đảm trách cả việc dạy dỗ cho con cái vua chúa.
Thư viện bị tàn phá bởi nhiều vụ hoả hoạn, lần đầu là khi quân đội của Julius Caesar chiếm đóng thành phố, năm 47 tr.CN. Nhưng khi đó Nữ hoàng Cleopatra còn cứu vãn được nhiều bản ghi chép và tổn thất được bù đắp bởi chính Caesar: ông này tặng lại cho thư viện một số lớn bản ghi chép. Vụ cháy thứ hai, khoảng năm 272 CN, khi thành phố bị hoàng đế La Mã Aurelian chiếm đóng. Chi nhánh thư viện còn bị phá hủy bởi các tín đồ Cơ đốc giáo cuồng tín (năm 391). Phần còn lại của kho sách quý báu này bị thiêu huỷ một lần nữa (năm 642) bởi quân đội của vua Hồi giáo Omar I. Truyền thuyết kể rằng Omar I đích thân ra lệnh đốt thư viện với những lời lẽ như sau: ''Nếu khoa học dạy dỗ điều đã dạy trong Kinh Koran, thì chúng là thừa; còn nếu không như vậy, thì chúng là vô thần, là có tội''.
Phần chính thư viện được gìn giữ ở museion (tiếng Hy Lạp nghĩa là ''đền thờ các nữ thần văn chương và nghệ thuật''). Theo mô tả của nhà địa lý và lịch sử Hi Lạp cổ đại Strabon, đến Ai cập những năm 24 - 20 tr. CN, thì ''museion này có chỗ để đi dạo, có hốc ngồi dọc tường có mái che (exedra) và một toà nhà lớn có phòng ăn chung của các học giả có chân trong museion''. Nơi đây tập họp nhiều nhà bác học, thảo luận các vấn đề triết học để đào tạo thanh niên, nghiên cứu các bản ghi chép mượn từ thư viện... tất cả gọi là ''phục vụ các nữ thần văn chương và nghệ thuật. Hầu hết trí thức lớn ở Alexandria thời đó đều ít nhiều, cách này hay cách khác, gắn bó với museion.
Lịch sử còn ghi lại rằng trong số bác học ấy có cả phụ nữ. Người nổi tiếng nhất có lẽ là bà Hypatia (khoảng 370 - 415, sau CN), từng là nhà toán học, thiên văn học danh tiếng, lãnh đạo trường phái Platon mới ở Alexandria. Bà bị các giáo sĩ Kitô kết tội là kẻ dẫn đường cho bạn đa thần giáo. Cả đám đông tín đồ Kitô cuồng tín đã xé xác bà Hypatia.
Sau cái chết bi thảm của bà, thành phố Alexandria cũng bước vào một thời kì suy tàn về văn hoá và khoa học.