Tài liệu: Thuyết địa tâm: Một sai lầm hay là một nấc thang nhận thức

Tài liệu
Thuyết địa tâm: Một sai lầm hay là một nấc thang nhận thức

Nội dung

THUYẾT ĐỊA TÂM: MỘT SAI LẦM HAY LÀ

MỘT NẤC THANG NHẬN THỨC

 

Có thể gọi vật lý học Aristotle là vật lý học của chủ thuyết địa tâm, bởi lẽ chỉ đóng khung trong quan niệm một Trái Đất đứng yên thì vật lý học ấy thật nhất quán và đẹp đẽ. Aristotle bác bỏ cả ý tưởng của Philolaus về sự quay của Trái Đất quanh Ngọn lửa Trung tâm lẫn ý tưởng của Platon về sự quay của Trái Đất quanh một trục của bản thân nó mà sau đó được người học trò của Platon là Heracleides ở Pontus phát triển thêm.

Aristotle cho rằng các ý tưởng ấy đều mâu thuẫn với quan sát thực tế. Thực vậy ông lý luận, nếu Trái Đất, quay vĩnh viễn trong không gian theo tự nhiên như một cái toàn thể duy nhất thì mọi phần của nó đều phải chuyển động như nhau. Song hòn đá lại rơi thẳng xuống Mặt Đất, chứ đâu có chuyển động song hành với nó, tức là treo mình ở một độ cao nhất định? Ngoài ra nếu Trái Đất vĩnh viễn quay quanh trục của nó, thì chuyển động tròn sẽ là tự nhiên cho mọi bộ phận của nó, trừ có mỗi tâm điểm mà thôi. Thế thì hòn đá bị ném tới độ cao nào đó cần phải chuyển động không phải là rơi về tâm địa cầu như ta thấy mà phải chuyển động theo đường tròn xung quanh tâm địa cầu, là điều hoàn toàn không có trong thực tế!

Aristotle cho rằng không cần tưởng tượng ra các giả thuyết không tưởng này nọ về chuyển động của Trái Đất, trong khi các sự kiện mà ai cũng biết đều giải thích được một cách đơn giản và tự nhiên hơn: ''Điều ấy được khẳng định bởi cả các học thuyết thiên văn của các nhà toán học: các hiện tượng quan sát được diễn ra phù hợp với tiền đề là Trái Đất đứng yên ở trung tâm (của Vũ Trụ).

Một phương pháp luận như thế thì ngay cả những nhà khoa học hiện đại cũng rất ủng hộ: đừng có đưa ra một giả thuyết phức tạp làm gì, một khi có thể giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản hơn. Vậy nên nảy ra câu hỏi: Phải chăng Aristotle đã sai lầm? Một nhà khoa học thực sự vốn coi chân lý chỉ là điều đạt tới được bằng phương pháp khoa học sẽ phải xử sự ra sao khi ở vào vị trí của Aristotle thời đó?

Chân lý trong khoa học về Tự nhiên - trước hết là chính quy trình, là con đường đi, chứ không phải là một tập hợp các ý tưởng ''đóng băng'', vĩnh viễn không thay đổi, chỉ chờ con người tuần tự hé mở ra, và tích luỹ mà khỏi cần đổi thay căn bản gì hết như những gì diễn ra trong môn toán học? Câu hỏi thế giới quan địa tâm là sai lầm, hay chỉ là một giai đoạn nhất thiết phải có của nhận thúc khoa học? Trả lời được câu hỏi này quả không phải là dễ!

Sự thất bại của thuyết địa tâm cả về lý luận, cả về thực tiễn, là một giai đoạn thiết yếu để chuyển lên trình độ nhận thức mới. Nhưng sự thất bại ấy không thể xảy ra sớm hơn, trước khi người ta đã tận dụng đến cạn kiệt mọi nỗ lực bảo vệ các khái niệm cũ còn phù hợp được với nhiều quan sát. Vào thời Aristotle thì chủ thuyết địa tâm chưa tỏ ra lạc hậu năng lực của nó chưa tận dụng hết. Ở giai đoạn đó chính thuyết địa tâm và vật lý học Aristotle là chân lý theo ý nghĩa là chúng đi đúng con đường của phương pháp luận khoa học theo cách hiểu của người Hi Lạp. Dựa trên học thuyết về Trái Đất bất động sau thế kỉ sau Aristotle, một nhà bác học Alexandria là Claudius Ptolemy (ta quen gọi là Ptôlêmê theo tiếng Pháp Ptolémée đã viết ra cuốn Almagest, một tuyệt tác của thiên văn học Hi Lạp mà không ai vượt qua nổi cho tới các công trình của Copernicus và Galilet thế kỷ XVI - XVII.

Nhà sử học và triết gia khoa học Mĩ hiện đại, Paul Feyerabend đã viết: ''Thiên văn học, vật lý học, tâm lý học, nhận thức luận,... tất cả các môn này đều hợp nhất vào triết học Aristotle và tạo thành một hệ thống nhất quán hợp lý và phù hợp với kết quả quan sát… Sự phân tích chứng tỏ sức mạnh bên trong của hệ thống Aristotle... Hoàn toàn không thể xảy ra việc hoan nghênh cái ý tưởng Trái Đất quay ngay khi nó ra đời…''




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1119-02-633396294279531250/Buc-tranh-vat-ly-hoc-dau-tien-cua-the-gio...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận