THƯỢNG ĐẾ - ĐỘNG CƠ BAN ĐẦU
Nhà triết học Nga Aleksei Fyodorovich Losev (1893 - 1988) đã nêu lên một nhận xét: ''Cả không gian, cả thời gian của Aristotle luôn luôn có diện mạo riêng, luôn cuồn cuộn sức sống và luôn cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi mang tích chất giá trị''. Vũ trụ (Cosmos) được Aristotle coi là một tác phẩm nghệ thuật sống, còn nhiệm vụ của vật lý học là đi đến sự chiêm ngưỡng trang trí tuệ vẻ đẹp có hồn của Vũ Trụ, qua đó đạt được sự thoả mãn trí tuệ. Điều ấy gắn liền với học thuyết về một thứ động cơ nguyên thuỷ thần thánh bất động, được coi là đỉnh cao của vật lý học Aristotle.
Mọi sự vật tồn tại cá lẻ đều là một sự thống nhất của vật chất và hình thức. Ví như quả cầu bằng đồng là sự hiện thân của hình dạng cầu trong chất liệu đồng. Bản thân đồng bao hàm khả năng tồn tại của quả cầu bằng đồng; nói khác đi đồng là một quả cầu đồng trong khả năng thể hiện. Nhưng chất đồng mà từ đó làm thành quả cầu, cũng đã là một thực thể nào đó với cả loạt đặc tính đã biết, tạo ra hình thức của thực thể đó (đồng). Đồng khi hiểu như sự vật (như mẩu đồng, mà hình dáng, kích thước ta không quan tâm) cũng phải có tính chất vật chất của mình. Vật chất đó theo cách truyền thống thời cổ đại, là gồm có các nguyên tố: đất, nước, không khí và lửa - chúng hàm chứa nhiều khả năng thể hiện nhiều kiểu dáng hình thức hơn là chất đồng.
Mỗi nguyên tố riêng lẻ (như đất) cũng có hàng loạt đặc tính làm ta phân biệt nó với các nguyên tố khác, tức là nó có hình thức của mình. Trừu tượng hoá từ hình thức, ta có chất nguyên thuỷ, nó không có một tính chất đặc trưng nào hết. Không thể hình dung ra một thứ vật chất vô hình thức như thế. Nó là một khả năng thuần tuý của mọi sự vật và ta chỉ có thể tưởng tượng, tư duy về nó.
Giờ đây nếu không tụt xuống, mà leo lên các nấc thang của sự vật hiện hữu chúng ta sẽ đi tới không phải là vật chất nguyên thuỷ, mà là một hình thức thuần tuý. Nó lúc này không phải là một khả năng thuần tuý mà là một hiện thực thuần tuý - đó là hình thức của mọi hình thức, là sự hoàn hảo tuyệt đối. Quả cầu đồng hoàn hảo hơn mẩu đồng chưa có hình thức cụ thể. Còn bức tượng đồng thau nữ thần Aphrodite thì hoàn thiện hơn quả cầu đồng. Nhưng bức tượng Aphrodite không sống, và nó không thể tự chuyển động, trong khi nguồn lực vận động của cơ thể sống nằm ngay trong bản thân nó nên nó hoàn thiện hơn vật thể không sống. Đồng thời trong động vật có thể tách ra ''cái vận động'' là cơ thể và ''cái gây ra vận động là linh hồn - như một sự tập trung các ý nguyện của nhục thể''.
Bởi thế nên linh hồn như là cái nguồn gốc vận động của vật thể sống, nó hoàn thiện hơn chính cái cơ thể của nó.
Con người không chỉ có linh hồn động vật mà còn có cả “lý trí” (hoặc linh hồn có trí tuệ''). Con người có thể, xuất phát từ các căn nguyên lý trí, kiềm chế được các đam mê của linh hồn. Nghĩa là ý chí là ''cái sai khiến đam mê'', hoàn hảo hơn linh hồn động vật: đó lại là một bước nữa tiến tới sự hoàn thiện tuyệt đối. Nhưng con người chỉ là một phần của Vũ Trụ. Cái ''bộ phận'' phải lệ thuộc vào cái ''toàn thể''; cuộc sống con người phụ thuộc vào Vũ Trụ. Cái toàn thể phải hoàn thiện hơn các bộ phận của mình. Vì Vũ Trụ là cái toàn thể tuyệt đối, nó có tính hoàn thiện cao nhất, nghĩa là nguồn gốc vận động của nó phải nằm ở chính nó. Thêm nữa, nguồn gốc ấy phải sinh ra vận động của mọi thứ còn lại, nghĩa là nó phải là cái ''động cơ đầu tiên - khởi nguyên'', mà không còn cái gì đứng đằng sau nó.
Động cơ khởi nguyên không chuyển động, bởi nếu không thì lại phát sinh câu hỏi về nguồn gốc vận động của nó. Mà nếu tìm kiếm ra cái nguồn gốc đó thì động cơ khởi nguyên đâu còn là khởi nguyên nữa!
Động cơ khởi nguyên bất động là nguồn gốc của mọi chuyển động chỉ có điều nó đóng vai trò nguyên nhân mục tiêu. Nó phải là cái đích để hướng tới, tức là mục đích tận cùng, là lợi ích cuối cùng của mọi cái tồn tại. Điều đó có nghĩa rằng động cơ khởi nguyên là lợi ích tuyệt đối, là cái hoàn thiện đích thực. Động cơ khởi nguyên vì thế đáp ứng mọi đặc trưng của Thượng Đế. Nghĩa là nó chính là Thượng Đế.
Vậy là vật lý học Aristotle đã hoàn thành nhiệm vụ của mình: nó dẫn dắt đến sự chiêm ngưỡng bằng trí tuệ bản thể linh thiêng, tối cao của thế giới! Theo đuổi môn khoa học đó, Aristotle và các học trò của ông đã đạt tới trạng thái thăng hoa và bằng an của linh hồn, tiếp cận tới tý tưởng cổ đại của tồn tại nhân thế - một cuộc đời thanh thoát, xứng đáng được chiêm ngưỡng của triết gia!