CHÂN KHÔNG KHÔNG TỒN TẠI
Từ ý tưởng cho rằng các chuyển động tự nhiên là khởi thuỷ của mọi chuyển động ắt suy ra luận điểm về sự không thể tồn tại của cái trống rỗng (chân không). Phản các lại Democritus, Aristotle khẳng định ''hoặc là chẳng có một thực thể nào chuyển động đi đâu theo tự nhiên, hoặc nếu chuyển động xảy ra thì chẳng có chân không nào cả''.
Chuyển động tự nhiên không thể được thực hiện trong chân không.
Trong không gian trống rỗng mọi vật nói chung không thể di chuyển khỏi chỗ. Thực vậy, trong cái chân không bao quanh vật thể, không có đâu là trên, đâu là dưới mọi hướng quanh nó đều như nhau chẳng có lý do gì để nó ''ưa thích'' một hướng nào hơn hướng nào. Không thông tin nào có thề lọt qua chân không để báo cho vật thể biết được Trái Đất ở hướng nào để mà rơi. Thế thì vật làm sao biết rơi về đâu?
Theo quan điểm hiện đại, vật rơi vì nó chịu tác dụng của trọng trường, Trái Đất. Nhưng điều đó phải chăng có nghĩa là giữa Trái Đất và vật thể là một không gian không hoàn toàn trống rỗng (tức là không gian không có thứ vật chất nào hết). Các nhà khoa học nói rằng trường hấp dẫn chiếm đầy không gian vũ trụ, là một dạng đặc biệt của vật chất mà không là vật chất hữu hình. Hoá ra là Aristotle đã đúng khi nói rằng chân không tuyệt đối không tồn tại.
Hiển nhiên là Aristotle không hề có một khái niệm nào về một trường vật lý nào cả. Ông chỉ nghĩ toàn thể không gian vũ trụ choán đầy vật chất dạng này hay dạng khác (mà chủ yếu là ête). Nhưng dù sao đi nữa điều khẳng định ''không thể có chân không'' là hoàn toàn thích hợp, một mặt là với kinh nghiệm biết được tới thời Aristotle (vật nặng trong môi trường không khí hay nước phải rơi, và rơi không như nhau, và mặt khác - phù hợp với lôgic (trong chân không không có chuyển động nào có thể bắt đầu).