Tài liệu: Mọi thứ cấu tạo từ nguyên tử

Tài liệu
Mọi thứ cấu tạo từ nguyên tử

Nội dung

MỌI THỨ CẤU TẠO TỪ NGUYÊN TỬ

 

Những vấn đề do triết học tự nhiên Ionia và Italia đề ra, ví dụ như nghịch lý của sự phát sinh, tính vô ước giữa đường chéo hình vuông và cạnh của nó, các apori của Zenon nhiều thứ khác đã được Leucippus (khoảng 500 - 440 tr.CN) và người học trò lừng danh của ông Democritus (460 - 371 tr.CN) cố công giải quyết. Họ đã đặt nền móng cho thuyết nguyên tử ở Hi Lạp, về sau trở thành một trong những trào lưu bền vững nhất của triết học và khoa học thế giới.

Leucippus, học trò của Zenon xứ Elea, đã đưa vào triết học khái niệm nguyên tử (atom) là thứ hạt nhỏ nhất, không nhìn thấy được và không thể chia nhỏ được nữa (''ato-mos'', theo tiếng Hi Lạp có nghĩa là ''không thể phân chia'') và khái niệm ''khoảng rỗng tuyệt đối trong đó mọi nguyên tử chuyển động''. Ông cũng tạo ra quyết định luận (determinism) là nguyên nhân tất định của tất thẩy hiện tượng tự nhiên: ''Không một sự vật nào xảy ra vô ích, mà tất cả là có cơ sở và là cần thiết''.

Democritus mê say ý tưởng đó. Ông từng nói ''hiểu rõ một nguyên nhân còn sung sướng hơn làm vua Ba Tư”. Đâu có dễ gì tìm được nguyên nhân sự vật. Người ta gọi ông là ''triết gia thích đùa'' vì với ông hình như chả có gì là nghiêm trọng hết, cả những điều mà thiên hạ coi trọng. Trên cơ sở ý tưởng của Leucippus, Democritus xây dựng một triết học mới về tự nhiên cố hợp nhất những điều không hợp nhất được.

Thứ nhất ông phải tìm ra trong cái hiện hữu một cái phi tồn tại, để lý giải khả năng thay đổi - ông nắm rất chắc bài học của Heraclitus. Thứ hai, ông không muốn từ bỏ lý thuyết đẹp đẽ của học phái Pythagoras. Nhưng nếu bản chất sự vật là các con số tức là cái gì đó gián đoạn gồm những đơn vị không thể phân chia, thì làm sao sự vật lại có thể là liên tục, không gián đoạn? Và điều thứ ba, Democritus đồng tình với học phái Elea rằng cái tồn tại chân thực phải là duy nhất, và bất biến. Liệu tất cả các yêu cầu ấy có phù họp với nhau?

Democritus tin rằng chúng phù hợp nhau, nếu hình dung vật chất là không duy nhất, mà rải rác thành các yếu tố riêng rẽ không nhìn thấy được (các nguyên tử), bao quanh bằng khoảng trống. Khoảng trống rỗng (chân không) đó chẳng là gì hết, theo nghĩa là từ đó không có gì có thể phát sinh, nhưng nó phải có, vì nó bảo đảm cho các nguyên tử khả năng di chuyển từ chỗ này tới chỗ nọ. Còn tất thấy những biến đổi (phát sinh cái mói) xảy ra do sự tái họp nhóm của các nguyên tử. Bài toán của Heraclitus đã được giải quyết.

Cả luận đề Pythagoras cũng được cứu vãn. Mọi khách thể là tổ hợp của một số nguyên tử xác định, đồng thời chính các nguyên tử được đặc trưng bằng những hình dạng, trật tự và tư thế. Chẳng hạn, cái A khác cái B về hình dạng, AB khác BA về thứ tự và ngoài ra còn khác nhau về tư thế vị trí. Ngoài ra mỗi nguyên tử có một sức nặng, biểu thị bằng con số. Con số hình dạng, thứ tự và tư thế, - đó là những khái niệm toán học đặc trưng cho các nguyên tử và vật thể do chúng xây nên. Các nguyên tử đất, nước không khí và lửa khác nhau trước hết là về hình dạng và sức nặng. Vậy là cả cái bài toán về tính vô ước đã từng làm khổ phái Pythagoras cũng được giải quyết bởi vì không có tính liên tục thực sự, mà các nguyên tử thì có thể đếm và cộng lại, dù là dọc theo đường chéo hay dọc theo chỉnh hình vuông! Những người xứ Elea phải lấy làm yên lòng vì mọi nguyên tử đều vĩnh cửu và cái tồn tại của Parmenides luôn luôn là duy nhât và bất biến.

Vậy khởi nguyên của mọi thứ - đó là các nguyên tử nhiều vô kể, ngăn cách nhau bởi khoảng trống rỗng. Mỗi nguyên tử là một hữu thể toàn vẹn (choán đầy) tuyệt đối, còn khoảng rỗng - đó là cái không bị choán tuyệt đối. Nguyên tử không chứa khoảng rỗng (không có khe kẽ nào để một lưỡi dao nào có thể lách vào để cắt nguyên tử còn khoảng rỗng thì đồng nhất và vô hạn. Mọi vật sinh ra do liên kết các nguyên tử và bị diệt do bị tan rã thành từng mảnh cho đến tận cùng là thành các nguyên tử. Nhiều vô kể các thế giới, bởi lẽ sẽ là kì lạ nếu như trên cánh đồng mênh mông chỉ mọc lên có mỗi một bông lúa - hay trong không gian vô hạn chỉ có mỗi một thế giới mà thôi. Sự nóng và sự lạnh, cái ngọt và cái đắng, màu sắc, mùi vị thực sự chẳng tồn tại, chúng chỉ là các ''ý niệm'', còn cái tồn tại chân thực chỉ là các nguyên tử và khoảng rỗng. Các nguyên tử không thể chuyển động với vận tốc tuỳ ý, theo hướng tuỳ ý: không có cơ sở cho điều đó mà tất thẩy diễn ra theo sự cần thiết.

Cái ngẫu nhiên theo Democritus, chỉ là một sự cần thiết chưa được hiểu rõ. Nguyên do phát sinh sự vật là dòng xoáy thế giới, biểu lộ một nhu cầu Vũ Trụ. Linh hồn con người xây dựng từ loại nguyên tử đặc biệt, cũng tuân theo một dòng xoáy Vũ Trụ. Bức tranh thật ấn tượng. Quả thật có phần hãi hùng. Còn đâu là sự ống? Còn đâu là tư duy? ''Thà theo thần thoại về thần linh còn hơn làm nô lệ cho quyết định luận của các nhà vật lý, vì rằng lòng tin vào thần thoại dù sao cũng còn cho ta qua những hình tượng sống động niềm hy vọng chứa chan rằng, một khi ta tôn kính thần linh, có thể cầu xin được ân huệ''. Đó là lời Epicurus (341 - 270tr.CN) từng viết một trăm năm sau Democritus. Epicurus từng nghĩ ra rằng nguyên tử có thể tự phát đi lệch con đường thẳng, nhờ đó ông hy vọng tránh được quyết định luận của Democritus.

Học thuyết Democritus đã bộc lộ điểm yếu chính từ quan điểm vật lý học của mình: nó không phù hợp với nhiều quan sát hàng ngày. Ví dụ, như sự rơi của hòn đá xuống đất. Hòn đá, gồm các nguyên tử, bị rơi. Mỗi nguyên tử của nó được bao quanh bởi khoảng rỗng, hoàn toàn rỗng và đồng nhất, vậy làm sao nguyên tử ''biết” nó phải rơi đi đâu, đâu là trên đâu là dưới? Nó không thể bắt đầu chuyển động, vì điểm xuất phát là đối xứng hoàn toàn, không có hướng nào ưu tiên hơn hướng nào. Nhưng sự thực hòn đá vẫn cứ rơi, tức là không thể có khoảng rỗng!

Bấy giờ người ta chưa có cơ sở để nói gì về một thứ tương tác từ xa nào giữa các nguyên tử, vì qua khoảng rỗng không thể truyền được cái gì hết. Lại phải cầu viện tới Thượng đế, đấng vạn năng. Mãi về sau, Newton đã làm điều đó, để xây dựng môn cơ học thiên thể mới mẻ.

Thuyết nguyên tử cổ đại như một học thuyết vật lý đã thất bại, nhưng suốt thời gian dài nó có giá trị triết học luân lý. Chỉ tới thời cận đại, nó mới được tái sinh và được chuyển từ triết học sang vật lý học.

 

MỘT THẾ GIỚI BỊ NGHIỀN NHỎ

Platon muốn đem đốt hết các sách vở của Democritus mà ông vừa thu gom được, nhưng mấy môn đồ Pythagoras khác là Amicles và Clinias cản lại: ''Vô ích thôi - sách của ông ta đã có khắp nơi rồi''. Điều gì đã khiến nhà tư tưởng này nổi giận vậy? Democritus đã nghiền nhỏ thế giới không chỉ đến mức vật chất (điều còn khả dĩ chấp nhận được), ông ta đã hoàn toàn “không nhất quán” đến mức cho rằng ngoài các quy luật của Tự nhiên lại còn có loại quy luật do con người thiết lập: ngôn ngữ, nhà nước và các định chế của nó phát sinh ''theo quy định'' mà không phải là ''theo tự nhiên''. Con người thôi không còn là ''tiểu Vũ Trụ'', phản ánh đại ''Vũ Trụ'' nữa. ''Với con người, nhu cầu và kinh nghiệm là thầy giáo trong hết thẩy mọi điều và con người có khả năng học hỏi mọi thứ nhờ có đôi tay, lý trí và sự linh hoạt của trí tuệ''... Democritus cho rằng chẳng có thánh thần nào hết; chính con người tạo ra họ do nỗi sợ hãi sấm chớp, nhật thực, nguyệt thực. Cũng chẳng có một linh hồn thế giới (kiểu thượng đế) nào hết. Nói chung trong thế giới này con người chẳng phải chịu trách nhiệm trước một ai cả, trước thần thánh, hay trước tự nhiên, ngoại trừ với chính bản thân mình. ''Không phải vì sợ hãi, mà chỉ vì nghĩa vụ, người ta tránh làm hành vi ngu xuẩn''…Democritus đã phá tan tành nền tảng thế giới quan của xã hội Hi Lạp, khiến cho người ta muốn huỷ biệt trước tác của ông.          




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1117-02-633396285387031250/Logic-cua-vu-tru/Moi-thu-cau-tao-tu-nguye...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận