PHƯƠNG ĐÔNG CỔ ĐẠI – KHOA HỌC DƯỚI DẠNG
CÁC QUY TẮC VÀ CHỈ DẪN
Khoa học của người Ai Cập và Babylon cổ đại về các thiên trạng là một kiểu khoa học quan sát hay là khoa học kinh nghiệm. Hầu như ở họ không có những điều khái quát hoá được chứng minh bằng lý luận. Cả trên giấy papyrus của Ai Cập lẫn trên văn tự đất sét của Babylon không ai tìm thấy cái gì giống với một cơ sở lập luận của mệnh đề hay chứng minh các định lý toán học. Trong khi đó một số kết quả mà các giáo sĩ Babylon (từng biết cách giải các bài toán dẫn đến phương trình bậc hai) đưa ra và lưu truyền vốn không thể giải được nếu chỉ biết duy nhất cách thử mò lặp đi lại (thử và sai) mà không có phân tích lý luận, không khảo sát trừu tượng hoá các bài toán đặt ra.
Tri thức nhận được bởỉ các nhà bác học - giáo sĩ của nền văn minh đầu tiên có thể gọi là thứ tri thức ứng dụng thần bí. Khoa học cổ đại không hề đặt ra vấn đề phải lý giải những tri thức có được, mà chỉ đặt ra và giải quyết từng bài toán cụ thể của thực tiễn, gắn với thần thoại và yêu cầu kinh tế cụ thể: khi nào thì cử hành nghi lễ hội hè, xây một kim tự tháp như thế nào hay đo đất làm kênh mương... Để thực hiện các công việc ấy cần những hiểu biết rất cụ thể: cách dùng mặt phẳng nghiêng, đòn bẩy, cái nêm, ròng rọc,… cách xây dựng các bức tượng khổng lồ theo hình mẫu bé nhỏ ban đầu... Có thể là khi tìm kiếm các tri thức ấy ai đó đã phải dùng đến các mệnh đề lý thuyết nhất định, nhưng không ai quan tâm hay bị đòi hỏi phải biết hay phải nói ra làm cách nào để có được tri thức đó. Vì thế không ai viết ra lý luận mà chỉ giữ lấy cái kết quả cuối cùng ở dạng các qui tắc chỉ dẫn hành động... Tri thức trừu tượng chỉ được ngụ ý và giảng giải qua các ví dụ để dùng cho từng trường hợp riêng biệt. Người ta không mất sức vào việc chứng minh, nhất là chứng minh những điều hiển nhiên (ví dụ như các góc vuông phải bằng nhau...)
Khác xa những người Hi Lạp mà sau này lần đầu tiên đã nhìn nhận ra giá trị độc lập thậm chí cao cả của việc nghiên cứu lý luận, những người Babylon và Ai Cập, lại coi điều quan trọng hơn cả là tìm lời giải cho bài toán và tin chắc là nó đúng đắn trong thực tế. Có thể nói đối với họ, chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý.
Điều đó không phải là ngẫu nhiên. Bản thân đặc trưng văn minh phương Đông đã tiền định một điều là tư duy lý luận không phải điều xã hội đòi hỏi. Hiểu biết dội từ trên xuống dưới, từ giáo sĩ tới dân thường; Mà giáo sĩ thì đã được mọi người tin tưởng không cần chứng minh vì họ đã được chính Thần linh mách bảo! Mầm mống tri thức khoa học cũng từng phát sinh ở Trung Hoa và Ấn Độ cổ đại ở Trung Hoa cổ đại vật lý học đã vượt qua một chặng đường dài. Từ các phạm trù triết học cổ đại “âm dương” “ngũ hành”, các thành tựu khoa học kỹ thuật ''tứ đại phát minh'' (làm giấy, in chữ rời, la bàn, thuốc súng) và nhiều phát minh khác truyền bá khắp thế giới. Chính ở đây lần đầu tiên hình thành nên một thứ tựa như lý thuyết sức đẩy (impetus) xung động - tiền thân của khái niệm xung hiện đại mà khởi đầu trực tiếp là các công trình của Philopononus - nhà bác học thời đại Alexandria ở thế kỷ VI). Một ví dụ còn ít được nói đến như môn phái Mặc gia của Mặc Tử (479 - 400 tr.CN). Họ đã giảng dạy rằng: ''Nếu không có lực nào cản trở thì chuyển động sẽ không bị dừng lại, điều đó cũng đúng như điều là con bò không phải là con ngựa vậy''. Về các lực, các nhà Mặc gia đã từng nói ''Lực chính là cái buộc vật thể phải chuyển động... Trọng lực là lực. Sự rơi của vật này hay sự nâng một vật khác, là sự chuyển động gây ra bởi trọng lực, ở đây là nói về cái ròng rọc - một bánh xe có dây vắt qua, một đầu buộc vào vật nặng... Một vật nặng hạ xuống, vật kia sẽ được nâng lên. Nguyên nhân chuyển động như thế chính là trọng lực. Đã từng phát triển ở Trung Hoa cổ đại còn có quang học về các tấm gương. Buồng tối đã được sử dụng chứng tỏ người Trung Hoa hiểu biết hình học về đường đi của tia sáng. Nhưng họ chưa biết gì về định luật khúc xạ ánh sáng.
Ngay từ thế kỷ VI tr.CN người Trung hoa đã phát hiện từ thạch tự nhiên (magnetit). Vài thế kỉ sau họ sáng chế ra la bàn (gọi là kim chỉ nam) và cho rằng chúng hoạt động do tác động của tinh tú trên trời. Vật lý học của họ bị kìm hãm bởi thế giới quan: Khổng giáo, vốn coi trọng giá trị thực hành của các nghi lễ đạo đức và ứng dụng thiết thực hơn việc khái quát lý luận về sự vật, đã cản trở phát triển tri thức tự nhiên học nói chung. Những người kế tục Khổng Tử coi việc xem xét các vấn đề như sự chuyển động của vật thể trong không gian, sự khác biệt giữa sắc trắng với độ cứng là việc tiêu phí thời gian... Họ dạy rằng: Người thợ thủ công dù không biết gì những điều ấy vẫn có thể làm người thợ giỏi''.
Tiến xa hon người Trung Hoa trong vật lý học là người Ấn Độ cổ đại. Có thể điều ấy có liên quan tới thứ ''thiết chế đẳng cấp'' của xã hội Ấn Độ không cho phép Nhà nước can thiệp quá đáng vào hoạt động tri thức. Trong số các bài giảng Ấn Độ cổ đại liên quan vật lý học đã tùng sinh ra cái gọi là “Vaisheshika – sutra” (theo chữ Sanscrit, còn gọi là chữ Phạn, vishesha có nghĩa là sự khác biệt, đặc điểm) được viết từ thế kỷ VII tr.CN về sau còn có thêm các ''nyaya'' (có nghĩa là quy tắc, suy luận). Từ thế kỷ XI bắt đầu sự phát triển hợp nhất thành học thuyết ''Nyaya - Vaisheshika''. Trong học thuyết đó, sự chuyển động của mũi lao, chẳng hạn, được giải thích như sau: Ban đầu nó chuyển động do lực tiếp xúc của cánh tay, sau đó mũi lao tiếp tục chuyển động nhờ áp lực (họ gọi là “vega”), là quan điểm giống với lý thuyết sức đẩy (impetus).
Các bác học Ấn Độ cổ đại quan niệm Thế giới gồm có 5 nguyên tố nguyên thuỷ: đất, nước, lửa không khí và ête, tương ứng tiếng Sanscrit: prathvi, ap, tejas, vaivaiu và akasha). Bốn thứ đầu được coi là vật chất, cái sau cùng (ête) không là vật chất. Mỗi yếu tố lại được tương ứng với một giác quan: đất - khứu giác, nước - vị giác, không khí - xúc giác, lửa - thị giác và ête: thính giác.
Theo học thuyết “Nyaya – Vaisheshika” thì mỗi nguyên tố vật chất tương ứng một loại nguyên tử riêng, có tính chất xác định: nguyên tử của đất thì có mùi, nguyên tử của nước thì có vị, của không khí thì có thể sờ mó, của lửa thì có màu sắc, ête thẩm thấu khắp nơi thì có âm thanh. Các nguyên tử là các quả cầu cực nhỏ gần như là các điểm, vĩnh cửu và không bị phân chia. Sự nóng lên của vật thể được lý giải là vì có mặt nguyên tử Lửa, còn sự xuất hiện âm thanh thì là do dao động của các hạt vật rắn truyền cho, không khí (quả thực không khí chỉ mang, truyền âm thanh chứ không tạo ra âm thanh - chỉ ête mới làm được điều đó).
Vậy là các con đường tư duy khoa học đã có những trải nghiệm khá giống nhau tại những xứ sở văn minh xa nhau và khác nhau. Nhưng còn phải có thêm một điều kiện xã hội nữa để cho cái mầm mống tư duy đó không những được củng cố, mà còn phải vươn lên được tới một trình độ lý luận cao hơn.
Giáo đường Ấn Độ giáo ở Bangalore