Tài liệu: Trở thành người được giải như thế nào

Tài liệu
Trở thành người được giải như thế nào

Nội dung

TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI NHƯ THẾ NÀO?

 

Một nhóm viện sĩ Thụy Điển phải xây dựng hệ thống tìm kiếm và tuyển chọn những người xứng đáng nhất cho giải thưởng. Những đòi hỏi chính ngoài các điều nêu trong di chúc là: tính độc lập hoàn toàn của các cơ quan xét giải trong việc tuyển chọn, tính bí mật nhất thiết của công việc giới thiệu và xem xét các ứng cử viên, tính chất quốc tế của việc đề cử. Tóm lại là tạo ra một cơ chế toàn vẹn cho việc bình xét giải thưởng, khác với  mọi cơ chế tương tự đã có về hiệu quả và tính chuẩn xác. Các Uỷ ban giải Nobel làm công việc chủ yếu là tìm kiếm các ứng cử viên xứng đáng. Mỗi Uỷ ban có 5 thành viên do các cơ quan chủ trì xét giải chọn ra trong số các thành viên của mình.

Trong tháng 9 hàng năm, để chuẩn bị cho giải năm sau, các ủy ban giải Nobel gửi thư mời những nhân vật cụ thể nhận quyền đề cử ứng viên theo ý mình. Theo thể lệ, ngoài các thành viên các uỷ ban trong việc xét chọn ứng viên còn có sự tham gia của các cộng tác viên ở ngoài các cơ quan chủ trì, những người đã được giải Nobel trước đó về ngành tương ứng, giáo sư các trường đại học tổng hợp trên bán đảo Scandinavia đã nêu trong Điều lệ Quỹ. Để bảo đảm tính tiêu biểu quốc tế cao nhất, hàng năm uỷ ban có thể trao quyền đề cử ứng viên năm đó cho các giáo sư thuộc các trường đại học ngoại quốc (không quá 6 trường). Cuối cùng là đội ngũ đông đảo các nhà khoa học tiêu biểu từ các quốc gia khác nhau mà các Uỷ ban giải Nobel tham khảo từng người qua các năm. Nếu như trước chiến tranh Thế giới lần thứ hai tổng số chuyên gia về vật lý và hoá học không quá 50 – 60 người, thì nay lên tới con số có bốn chữ số. Việc đề cử từ phía các cơ quan hoặc tổ chức nhà nước hoàn toàn bị loại trừ vì lý do nhân quyền.

Các đề nghị tập thể phải kèm theo thảo luận công khai có biểu quyết, là điều có thể làm tổn thương cho ứng cử viên. Mọi việc diễn ra ở các Uỷ ban giải Nobel là rất bí mật, văn bản lưu trữ chỉ có thể tiết lộ sau đó 50 năm. Hệ thống bảo mật của các cơ quan giải Nobel về khoa học có hiệu quả đến nỗi là, có trường hợp người được tặng giải Nobel nghe thông báo qua điện thoại từ Stockholm đã bỏ máy xuống vì tưởng rằng ai đó trong số bạn bè trêu chọc mình.

Các bản đề nghị phải gửi đến các Uỷ ban không muộn hơn ngày 31 tháng Giêng của năm trao giải. Việc trúng cử hay được đề cử bởi người gần gũi như cha, con,… không được xét. Từ tháng 2 đến tháng 9 các đề nghị đã đăng ký được xem xét kỹ lưỡng ở các Uỷ ban bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm và uy tín, không chỉ đến từ Thụy Điển.

Trong quá trình chọn lựa, các uỷ ban lập ra cái gọi là danh sách ngắn, sàng lọc bớt những ứng viên mà các chuyên gia coi là không đủ nặng kí, và đến tháng 9 sẽ tiến hành bầu chọn theo các danh sách ngắn này. Kết quả bầu chọn được chuyển cho cơ quan xét giải, ở đây một lần nữa phân tích tỉ mỉ danh sách ngắn. Việc bầu chọn của cơ quan xét giải diễn ra vào đầu tháng 10 và không phải bao giờ kết quả cũng trùng với đề nghị của Uỷ ban. Ví dụ năm 1908, uỷ ban Nobel về vật lý và Ban vật lý Viện hàn lâm Thụy  Điển nhất trí đề nghị trao giải cho nhà vật lý Đức xuất sắc

Max Planck (1858 - 1947), người phát hiện hằng số lượng tử tác dụng cơ bản - một hằng số vạn năng mới. Nhưng Viện hàn lâm  họp toàn thể thì lại chọn một người Pháp là Gabriel Lippmann (l 845 - 1921), tác giả phương pháp chụp ảnh màu. Planck chỉ được giải 10 năm sau.

Như vậy thật không thể đoán kết quả cuối cùng cho đến tận thời điểm công bố kết quả. Ai và ở đâu tiến hành phân tích thành tựu của ứng cử viên giải thưởng của năm? Những người quản lý tài ba của quỹ Nobel đã nhìn trước việc này khi lập ra ở mỗi uỷ ban một Viện Nobel. Tại đây các chuyên gia xem xét các công trình của các ứng viên của giải và hình thành ý kiến của mình. Để thầm định các kết quả khoa học ở Stockholm người ta không tiếc tiền. Chi phí hàng năm cho việc ấy thậm chí lớn hơn cả chi cho chính giải thưởng!

 

TIỀN CHO KHOA HỌC

Cơ sở tài chính của quỹ vào năm 1900 là số tiền 31 triệu curon Thụy Điển, bất khả xâm phạm theo đúng di chúc Nobel. Từ số tiền ấy, theo quyết định của chính phủ, tách ra 28 triệu curon làm quỹ tiền chủ yếu mà lãi suất thu được từ đó sẽ chi cho 5 giải thưởng. Nói chính xác hơn là chi 9/10 cho mọi khoản liên quan đến giải thưởng, còn 1/10 để bổ sung vào tổng số tiền quỹ. Số tiền dự kiến chia cho giải thưởng sẽ chia đều ra 5 phần. Một phần tư mỗi giải chi phí cho các thủ tục kèm theo, 75% là cho phần tiền của giải thưởng và huy chương bằng vàng của giải. Số tiền bất khả xâm phạm khi lập Quỹ Nobel được chuyển thành công trái quốc gia được bảo đảm bằng dự trữ vàng hoặc vay có bảo đảm bằng bất động sản. Vào đầu thế kỷ XX khoản đầu tư ấy có thu nhập ổn định vì mức giá vẫn ổn định. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) làm thay đổi mọi thứ, sau chiến tranh cả thế giới phải chịu cơn chấn động lạm phát và giá các giấy tờ có giá tụt xuống, dẫn đến suy giảm giá trị (sức mua) của thu nhập và cả giá trị thực của phần tiền dành cho giải Nobel.

Nhằm cứu vãn uy tín về giá trị tiền của giải thưởng, chính phủ Thụy Điển phải áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt. Từ năm 1946 Quỹ Nobel không còn phải đóng thuế vốn nữa, và năm 1953 quỹ được quyền đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại của bất kỳ quốc gia nào (dưới dạng cổ phiếu, bất động sản...) là điều trước kia bị cấm đoán theo Điều lệ. Thực giá của số tiền bất khả xâm phạm được hồi phục nhanh chóng, kéo theo giá trị thực tế của giải Nobel, và năm 1991, lần đầu tiên sau 90 năm đạt tới mức của năm 1901.

Theo Điều lệ của Quỹ Nobel tiền thưởng không được dùng vào việc kinh doanh sinh lời. Nhưng đã từng có vi phạm. Nhà vật lý Đức Johannes Slark (1874 - 1957) giải Nobel năm 1919, sau này là một thủ lĩnh của ''nền vật lý quốc xã”, một công sự chủ yếu đắc lực của chế độ Hitler, đã mua được nhà máy sử chủ yếu bằng tiền giải Nobel. Đồng nghiệp ở trường đại học Wurzburg coi đó là hành vi vô đạo đức và trục xuất y khỏi trường.

Nhưng các ví dụ ngược lại thì nhiều hơn. Wilheilm Konrad Rontgen (1845 - 1923) di chúc tặng toàn bộ tiền được thưởng cho Trường đại học Wurzburg nơi ông đã thực hiện phát minh vĩ đại của mình. Jacobus Hendrik Vant Hoff (1852 - 1911) dùng tiền thưởng để tài trợ hoạt động khoa học cho đồng nghiệp, còn Max von Laue (1879 - 1960) và George Paget Thomson (1892 - 1957) thì chia sẻ tiền thưởng cho cộng sự có đóng góp vào công việc đem lại giải thưởng cho họ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1133-02-633396995305156250/Giai-Nobel----Mot-su-kien-cua-the-ky-XX/T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận