Tài liệu: Đào tạo đại học ở Pháp

Tài liệu
Đào tạo đại học ở Pháp

Nội dung

ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC Ở PHÁP

 


                                               

Trường đại học tổng hợp Paris là lâu đời nhất ở Pháp (thành lập năm 1215) được gọi là Đại học Sorbonne để kỉ niệm Robert de Sorbon, linh mục của nhà vua Louis IX, người lập ra ở đây năm 1257 trường (collège) thần học đầu tiên. Sorbonne từng tồn tại như một trường đại học tổng hợp duy nhất cho đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, khi được tách ra thành 13 trường đại học tổng hợp độc lập.

Tại một số trong các trường tổng hợp ấy có các khoa vật lý, ở đó có các phòng thí nghiệm khoa học thuộc hệ thống Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học. Tại đây ngoài các cộng tác viên thường trực còn có các sinh viên nghiên cứu sinh (graduate student) và sau tiến sĩ (post-doct: người đã bảo vệ luận án nhưng chưa có chỗ làm thường xuyên). Các trường đại học lớn (Grandes Ecoles) nổi danh xuất hiện vào thời đại cách mạng Pháp (1794). Các khoa học tự nhiên và toán học được nghiên cứu tại trường sư phạm và bách khoa. Một trong những điều phân biệt trường đại học (école supérieure) với đại học tổng hợp (universite) là kì thi tuyển rất phức tạp. Trường đại học sư phạm (école normale supérieure) thường đặc biệt tự hào vì các nhà toán học của mình: trong số ấy có Evariste Galois, Élie Cartan, André Weyl.

Trường bách khoa (Ecole polytech-nique) do các nhà toán học Pháp lừng danh Gaspard Monge và Lazare Nicolas Carnot xây dựng nên, không chỉ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo kĩ sư và các nhà khoa học cho nước Pháp, mà còn truyền bá phương pháp và cấu trúc quy trình đào tạo các chuyên gia như vậy cho toàn thế giới. Nguyên tắc đào tạo chủ yếu ở đây là phối hợp nhuần nhuyễn sự trang bị lý thuyết cao với việc nắm vững sâu sắc kỹ thuật thực hành cho sinh viên. Nó trở thành kiểu mẫu cho các học viện vật lý kĩ thuật đa ngành sau này của cả thế giới, kể cả các học viện công nghệ Massachusetts, California, học viện vật lý kĩ thuật Moskva...

Từng có nhiều nhà bác học lớn của nước Pháp đã theo học trong Trường bách khoa, như nhà toán học kiêm cơ học và vật lý học Simeon Denis Poisson, nhà toán học Augustin Louis Cauchy, nhà vật lý kiêm toán học và triết học Jules Henri Poincaré, v.v…

Còn một thành tựu khác của hệ đào tạo chỉ có ở pháp, đó là Collège de France, thành lập năm 1530 bởi vua Franõois, (theo lời tư vấn của vị thư kí Guillaume Budé của ông). Collège de France có nhiệm vụ bảo đảm năng lực làm việc sáng tạo cho những nhà bác học xuất chúng của nước Pháp trong lĩnh vực họ đã chọn và truyền thụ kiến thức của mình cho tất cả những ai muốn tiếp thu. Để thực hiện điều đó người ta lập ra vài bộ môn, mỗi bộ môn có một bác học giáo sư Collège de France, vừa phụ trách cả việc đọc bài giảng lẫn công việc phòng thí nghiệm.


Bất kì ai cũng có thể được nghe giảng, tự do và miễn phí. Hệ thống ấy vẫn hoạt động cho đến ngày nay, gần như không thay đổi gì, ngoại trừ việc số bộ môn có nhiều lên. Ở Pháp người ta coi việc được chọn đứng đầu bộ môn Collège de France là một vinh dự không thua kém gì được bầu vào Viện hàn lâm khoa học.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1132-02-633396989940312500/Dao-tao-vat-ly-hoc/Dao-tao-dai-hoc-o-Phap...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận